Hủy
Kinh Doanh

Vì sao chè Việt Nam chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới?

Thái Bình Thứ Hai | 20/08/2018 11:18

Là nước sản xuất chè lớn trên thế giới nhưng giá chè xuất khẩu Việt Nam chỉ bằng 60-70% giá chè xuất khẩu của các nước trên thế giới.
 

Trung Quốc tranh mua nguyên liệu, ngành chè xáo động

Chất lượng kém

Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và có sản lượng xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới, với 124.000 ha trồng chè và hơn 500 cơ sở sản xuất chế biến, công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm.

Tuy nhiên, phần lớn chè Việt vẫn chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường dễ tính, rất ít sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ…

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, so với các nước trong khu vực, chè Việt đang có giá xuất khẩu thấp nhất, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới. Nguyên nhân do cách thức trồng, chế biến chè hiện không tuân thủ tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng chè chưa tốt.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho rằng, để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính trên thế giới, đòi hỏi chất lượng chè của Việt Nam cần cao hơn, đáp ứng đủ tiêu chuẩn của các nước. Vấn đề sản xuất chè an toàn, sạch, trồng và chăm sóc đúng quy trình cần được các doanh nghiệp quan tâm.

"Hơn 1 tháng nay, bán chè tiêu thụ kém, các doanh nghiệp vẫn phải sản xuất, vẫn phải mua chè cho người dân dân. Vấn đề về thuốc bảo vệ thực vật, phun đúng quy trình, làm đúng các công đoạn, tại sao vẫn vướng dư lượng, như vậy là vấn đề về thuốc vẫn còn có những vấn đề cần quan tâm", bà Hồng nói.
 

Vi sao che Viet Nam chi bang 60-70% gia che the gioi?
 

Không đạt tiêu chuẩn

Nguyên nhân chính được cho là do mất an toàn thực phẩm và chất lượng chè chưa tốt, việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh cho chè ở nhiều nơi còn khá tuỳ tiện, không đảm bảo thời gian cách ly… còn phổ biến ở nhiều vùng chè.

Cùng với tình trạng sử dụng thuốc tùy tiện, nồng độ cao hơn quy định, việc dùng thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng trên chè là nguyên nhân chính dư lượng thuốc trên sản phẩm chè cao như hiện nay.

Những nguyên nhân này khiến nhiều lô hàng chè xuất khẩu của Việt Nam bị đối tác cảnh báo hoặc trả về. Thời gian qua, nhiều lô hàng xuất khẩu lên tới hàng tấn bị trả về do hàm lượng tạp chất và các chất không đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiều cơ sở chế biến chè không có vùng nguyên liệu mà thu gom nguyên liệu qua nhiều trung gian. Dẫn tới không kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên chè, cộng với giá cả thu mua không hợp lý làm tăng giá nguyên liệu đầu vào và kéo dài thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng nguyên liệu, tương ứng với giảm chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Để giải quyết hiện trạng này, Bộ Công Thương cho rằng, Nhà nước, doanh nghiệp cần quan tâm đến khoa học, công nghệ. Các cơ sở chế biến chè phải tạo được vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài. Đặc biệt, là doanh nghiệp phải tự tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật tập trung thay thế việc sử dụng bảo vệ thực vật của các hộ nhận khoán và hộ nông dân trồng chè mới hy vọng kiểm soát được việc bảo vệ thực vật, tồn dư của các hoạt chất độc hại trong thuốc trên sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng chè.

Trong định hướng quy hoạch sản xuất chè an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh, việc sản xuất, chế biến chè phải gắn với quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn đến người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất và tiêu thụ chè an toàn trên phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ khuyến nông viên và cán bộ quản lý nông nghiệp của các địa phương về các văn bản quản lý nhà nước về sản xuất, chế biến chè an toàn. Khuyến khích các tổ chức chứng nhận chất lượng như Utz Certificed, RFA tham gia chứng nhận sản xuất chè trên địa bàn cả nước.

Nguồn Tổng hợp/VOV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới