Hủy
Kinh Doanh

Việt Nam - Khách mời đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á 2014

Chủ Nhật | 18/05/2014 14:19

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Thủ tướng cũng sẽ có những phát biểu về vấn đề Biển Đông; đối thoại với lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế .
 

Nhận lời mời của Tổng thống Philippines Aquino và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) 2014 và thăm, làm việc tại Philippines từ 21-22/5.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự WEF Đông Á 2014 và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên khai mạc toàn thể; đồng thời tham dự với tư cách khách mời đặc biệt tại các phiên thảo luận về sáng kiến "Tăng trưởng châu Á" với chủ đề "Chương trình nghị sự nông nghiệp và an ninh lương thực của ASEAN" và "Thúc đẩy cộng đồng kinh tế ASEAN thông qua tăng cường phối hợp công tư".

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ trì phiên đối thoại với lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế tham dự Diễn đàn.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Diễn đàn, Thủ tướng cũng sẽ có những phát biểu về vấn đề Biển Đông; cũng như lên án hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, làm ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông và khu vực.

Những năm gần đây, Việt Nam tích tực tham gia các hoạt động của WEF. Năm 2010 Việt Nam đã tổ chức thành công WEF Đông Á tại TP.HCM; năm 2012-2013 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tham dự WEF Đông Á tại Thái Lan và Myanmar.

Trong đó, WEF Đông Á tại TP.HCM đã gây dấu ấn mạnh mẽ đối với các Ban lãnh đạo WEF và số lượng đại biểu là lãnh đạo cấp cao và đại diện doanh nghiệp cao kỷ lục, 450 người.

Hiện tại Việt Nam có 13 tập đoàn, tổng công ty lớn là thành viên WEF như: PVN, FPT, VinGroup, VinaCapital, VNPT, Vinaconex, Vietnam Airlines, SIG, Vietcombank…

WEF Đông Á diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện có tăng trưởng tương đối khả quan so với những năm gần đây.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất (4/2014) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2014 dự báo đạt 3,6% và năm 2015 đạt 3,9%.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là tốc độ phục hồi kinh tế còn thiếu bền vững và cân bằng; các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng trưởng chậm lại so với trước khủng hoảng (dự kiến đạt 4,9%năm 2014 và 5,3% năm 2015).

Tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế trong khu vực tiếp tục được thúc đẩy, đặc biệt là các nước ASEAN đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, bao gồm triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN.

WEF là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả. Hàng năm WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khuv ực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp, học giả, các tổ chức xã hội…từ khắp thế giới để bàn luận các vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu.

Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên vào cuối tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh đó, hàng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là các WEF về Đông Á, Ấn Độ, Mỹ La Tinh, Trung Đông…

Nguồn Đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới