Hủy
Kinh Doanh

Việt Nam sẽ khó hơn trong thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Thứ Tư | 23/01/2013 21:23

Rào cản lớn nhất trong thu hút vốn FDI từ Nhật Bản là chi phí tiền lương tăng cao và tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, linh kiện thấp.
 

Hôm nay (23/1), Cơ quan Xúc tiến thương mại đầu tư Nhật Bản (JETRO) phối hợp với Viện Chiến lược phát triển (DSI) công bố kết quả "Điều tra về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại dương"

Theo đại diện của JETRO, năm 2011 và năm 2012 là 2 năm liên tiếp ghi nhận những kỷ lục mới về đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam với số vốn thu hút mới lần lượt đạt 2,4 tỷ USD và 5,1 tỷ USD.

"Nếu xét đến việc nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn, môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cộng với kinh tế Nhật Bản cũng có sự biến động, một số quan điểm cho rằng việc tăng cường hơn nữa đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2013 là không dễ dàng", đại diện của JETRO cho hay.

Thách thức hiện nay của Việt Nam là làm thế nào để duy trì khí thế và khuyến khích đầu tư của Nhật Bản. Lãnh đạo của JETRO cũng so sánh tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam với Thái Lan và Indonesia để cho thấy Việt Nam cần thiết lập các mục tiêu mới, như phải thu hút vốn FDI đạt 20 tỷ USD mỗi năm, thay cho mức 13-15 tỷ USD như 2 năm vừa qua.

Cụ thể, năm 2011, vốn FDI vào Việt Nam cao hơn Thái Lan khoảng 20%, nhưng nếu chỉ so sánh FDI của riêng Nhật Bản thì FDI của Nhật Bản vào Thái Lan lại nhiều hơn 2,3 lần về số dự án và gấp khoảng 2,8 lần về vốn so với Việt Nam.

Trong khi đó, với Indonesia, nếu so sánh vốn FDI của thế giới vào Việt Nam, thì số vốn đầu tư vào Indonesia nhiều gấp khoảng 4 lần về dự án, gấp khoảng 1,7 lần tổng vốn đầu tư. Nhưng nếu so sánh vốn đầu tư của Nhật Bản vào Indonesia thì tổng vốn đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn 20%, song số dự án đầu tư vào Indonesia lại gấp 2 lần Việt Nam.

Tuy nhiên, JETRO cho rằng, khác với Thái Lan, Indonesia không thiết lập một chế độ khuyến khích nào với đầu tư FDI, do vậy FDI vào Indonesia chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên và thị trường rộng lớn với hơn 200 triệu dân. Do vậy, Việt Nam cần thiết lập mục tiêu vượt qua Thái Lan và xây dựng các chính sách FDI.

Song, trở ngại lớn nhất với các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam hiện nay là áp lực về việc tăng lương và tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, linh kiện thấp.

Theo khảo sát của JETRO với 250 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, tỷ lệ tăng lương của các doanh nghiệp Nhật Bản là cao nhất. Tiền lương năm 2012 tăng 19,7% so với năm 2011, dự đoán năm 2013 tiền lương sẽ còn tăng 17,5% so với năm 2012.

So với Trung Quốc và các nước đang phát triển của ASEAN, mức lương của lao động Việt Nam vẫn còn thấp (cho phí thực tế hàng năm của nhân viên ngành sản xuất chế tạo Việt Nam là 2.602 USD, trong khi của Thái Lan là 6.704 USD, Trung Quốc là 6.734 USD và Indonesia là 4.551 USD). Tuy nhiên, trong trường hợp việc tăng lương tại Việt Nam nhảy vọt thì cũng khó dự đoán được sự ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư vốn FDI, báo cáo của JETRO cho hay.

Ngoài ra, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, linh kiện của Việt Nam hiện chỉ là 27,9%, thấp hơn mức bình quân chung của khu vực là 47,8% và thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (60,8%), Thái Lan (52,9%) và Indonesia (43,3%).

Do vậy, điều quan trọng hiện nay là cần nghiên cứu về việc làm nổi bật khả năng thu hút các nhà cung cấp linh kiện, nguyên liệu tại Nhật Bản, ASEAN và Trung Quốc sang Việt Nam, JETRO khuyến nghị.

Nguồn Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới