Hủy
Kinh Doanh

Xem xét lại tỷ lệ vốn của Nhà nước trong dự án PPP

Thứ Bảy | 29/12/2012 09:48

Quy định về giá trị phần tham gia của Nhà nước trong dự án PPP không quá 30% tổng vốn dự án đang gây nghẽn trong hình thức đầu tư này.
 

Ý kiến này được bà Vũ Quỳnh Lê - Chánh văn phòng Hợp tác Công tư - Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh trong Hội thảo Triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) vừa được tổ chức sáng 28/12, tại Hà Nội.

Cụ thể hơn, theo bà Lê, quyết định 71 của Chính phủ về Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP ra đời từ khi Việt Nam chưa có dự án PPP nào. Chính bởi vậy, mặc dù đã có độ “co giãn” nhất định nhưng những quy định này vẫn khiến việc triển khai thực tế gặp khó khăn.

Theo đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phần tham gia của Nhà nước trong những dự án PPP đang là vấn đề nổi cộm nhất làm khó việc triển khai. Thực tế, rất nhiều dự án có tiềm năng nhưng đòi hỏi mức góp vốn của Nhà nước quá 30% sẽ bị gạt đi bởi quy định này.

Bởi vậy, bà Lê đề xuất không nên quy định cứng mức trần vốn của Nhà nước tham gia dự án hoặc nâng mức trần lên một tỷ lệ phù hợp.

Đồng tình với quan điểm này, địa diện của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Bộ Giao thông Vận tải cho hay, việc nâng mức trần lên một cách phù hợp sẽ góp phần khuyến khích thúc đẩy các dự án hợp tác theo hình thức PPP.

Cũng về vốn Nhà nước, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cũng cho rằng, quy định hiện hành vẫn chưa quy định rõ phần vốn tham gia này gồm vốn của Trung ương và vốn địa phương. Ngoài ra, một số nguồn vốn khác như tài sản của Nhà nước, hay quyền sử dụng đất… cũng nên bổ sung vào quy định hiện hành giúp linh hoạt hơn trong nhiều dự án.

Ở khía cạnh khác, bà Vũ Quỳnh Lê cho rằng, quy định hiện hành chưa được quy định cụ thể về việc bảo lãnh doanh thu của các dự án. Điều này hạn chế nhiều tính hấp dẫn của các dự án được nhà đầu tư quan tâm. Ngoài ra, việc thiếu quy định như thế có thể còn gây bất lợi cho phía Nhà nước trong trường hợp doanh thu dự án tăng đột biến hoặc không dự đoán trước được.

Cho ý kiến thêm về vấn đề doanh thu, ông Scott Jazynka, đại diện Cơ quan phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) cho rằng, Việt Nam nên tạo điều kiện để có thêm nguồn thu cho các nhà đầu tư tư nhân.

Ông Scott Jazynka đưa ra ví dụ về những dự án xây đường cao tốc. Việc thu phí ở những tuyến đường này chưa chắc đã thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Các đơn vị tư nhân sẽ quan tâm nhiều tới những dịch vụ, khu công nghiệp… có thể có trên dọc tuyến đường đó.

Bởi vậy, đại diện USAID cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét đưa ra những quy hoạch trước đó và những ưu đãi với các nhà đầu tư để thu hút được nguồn vốn tốt hơn.

Đóng góp thêm, ông Trịnh Huy Triều, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thanh Hóa đưa ra thực tế ở rất nhiều dự án PPP, các nhà đầu tư thường ngần ngại vì quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khá phức tạp.

Ông Triều đề xuất: "Một số dự án, chúng ta có thể kêu gọi đối tác tư nhân chỉ ở một phần của dự án. Cơ quan chức năng có thể đứng ra giải quyết các vấn đề mặt bằng, phụ trợ trước rồi mới kêu gọi nhà đầu tư thì chắc chắc sẽ có hiệu quả tốt."

Ghi nhận đề xuất trong hội thảo, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, hướng đổi mới của quyết định sẽ phải tính toán tới việc hài hòa lợi ích của Nhà nước và tư nhân.

Cục trưởng Lê Văn Tăng cũng khẳng định, những vướng mắc này sẽ được trình lên Ban chỉ đạo về PPP của Chính phủ ngay trong tháng 1 tới.

Nguồn Vietnam+


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới