Hủy
Kinh Doanh

Xử lý nợ xấu và công cụ VAMC dưới góc nhìn của chuyên gia World Bank

Thứ Hai | 10/06/2013 14:45

Theo ông Sameer Goyal, còn cần rất nhiều bước đi nữa để VAMC trở thành một công cụ hữu ích.
 

Đánh giá về Công ty Quản lý tài sản (VAMC) mà Chính phủ vừa cho phép thành lập, ông Sameer Goyal - Chuyên gia tài chính cao cấp, điều phối viên về tài chính và phát triển khu vực tư nhân ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, còn cần rất nhiều bước đi nữa để VAMC trở thành một công cụ hữu ích.

Đó là những bước đi nào, thưa ông?

Một là, ghi nhận mức độ nợ xấu/ghi nhận tổn thất. Kinh nghiệm ở một số nước cho thấy, nợ xấu có thể tăng lên rất nhanh chóng, từ 5% lên 20% chỉ trong vòng 3 - 4 tháng.

Hai là, tích vào kho hoặc bán. VAMC sẽ không thể có đủ nguồn lực để trông giữ nhiều tài sản. Nếu việc bán đấu giá được thực hiện, điều quan trọng là cần thiết lập được một cơ chế minh bạch và hệ thống thông tin về tài sản này.

Ba là, tiếp cận tự nguyện: Làm sao để khuyến khích các ngân hàng tham gia vào quá trình này, đồng thời đưa ra được giải pháp hoặc kế hoạch tái cấu trúc thực sự với các khoản nợ của họ.

Bốn là, quản trị và đảm bảo thành công: Làm sao đảm bảo tính khách quan? Đặc biệt đối với những khoản nợ/tài sản có liên quan đến các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Năm là, môi trường pháp lý thuận lợi: Việc thành lập VAMC chỉ là bước đi đầu tiên. Vấn đề không chỉ nằm trong ngành ngân hàng mà nằm trong nền kinh tế thực. Do đó để việc xử lý nợ xấu (XLNX) thành công, đòi hỏi một khuôn khổ tái cấu trúc và xử lý doanh nghiệp (DN) mất khả năng thanh toán phải được đặt ra.

Làm sao để giữa VAMC và TCTD thống nhất được về mức nợ xấu cần xử lý?

Thông thường, TCTD là người biết rõ nhất về mức độ nợ xấu thực của mình. Tiếp đến là Cơ quan Thanh tra giám sát (CQTTGS - thuộc NHTW). Trong một số trường hợp, CQTTGS không có đủ thông tin hoặc thông tin không trung thực về nợ xấu.

Theo kinh nghiệm ở các nước, để xử lý các trường hợp này thì họ tiến hành một loại hình kiểm toán đặc biệt, đó là kiểm toán danh mục đặc biệt của ngân hàng. Theo đó, sẽ đánh giá và phân loại xem các tài sản nào đang có vấn đề, liên quan đến các lĩnh vực nào, đối tượng nào… Từ đó đưa ra đánh giá về mức độ nợ xấu chính xác của TCTD đó.

Về quy trình xử lý nợ, có nên ưu tiên XLNX của các DNNN trước và tại các NHTM Nhà nước trước hay không?

Các khoản nợ xấu lớn thường cũng đi kèm theo nó sự phức tạp như: Nhiều ngân hàng cùng cho vay (vậy làm sao để các ngân hàng cùng thống nhất về kế hoạch tái cấu trúc khoản nợ đó?); Một số DNNN như Vinashin có các tài sản như nhà máy, tàu… mà muốn bán đi được cũng phải rất lâu… Do đó, nếu chúng ta tập trung vào đây có thể sẽ mất rất nhiều thời gian.

Vì vậy, không nên cứ phải ưu tiên bắt đầu với nợ xấu của các DNNN. Tuy nhiên, có thể có một số khoản nợ xấu đặc biệt (như liên quan đến một số Tập đoàn Kinh tế cung cấp các dịch vụ, hàng hóa công cộng thiết yếu) cũng cần được ưu tiên giải quyết khẩn trương để đảm bảo các dịch vụ, hàng hóa mà họ cung cấp không bị gián đoạn giữa chừng.

Bên cạnh đó, việc tập trung vào XLNX của các NHTM Nhà nước trước cũng nên tính đến, vì các ngân hàng này mang tầm quan trọng hệ thống. Hơn nữa, đây cũng là tín hiệu cho thấy Chính phủ quyết tâm và cam kết tái cấu trúc.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là cần hiểu được các đặc tính của nợ xấu hiện nay như phân khúc/khu vực cần tập trung; các công cụ và điều kiện đi kèm; khả năng một ngân hàng có thể tự bảo vệ mình… Dựa trên các phân tích này, chúng ta có thể đưa ra một chiến lược đối phó phù hợp.

Theo ông, cần chú ý đến những vấn đề gì để phát triển được thị trường mua bán nợ?

Để phát triển thị trường mua – bán nợ xấu, có một số khía cạnh sau cần được lưu tâm:

Thứ nhất, môi trường pháp lý thuận lợi: Có hệ thống khuôn khổ pháp luật, các quy định điều tiết, giải quyết tranh chấp đầy đủ, cơ chế phá sản và xử lý mất khả năng thanh toán, năng lực bên trong và ngoài tòa án trong hỗ trợ tái cấu trúc DN và việc thực thi đầy đủ.

Thứ hai, tạo động lực tham gia của người bán - các TCTD. Làm sao để các TCTD thấy có động lực và nhu cầu để bán các tài sản nợ xấu của mình, có thể bằng các thuyết phục của Chính phủ thông qua ưu đãi về thuế và các ưu đãi khác (cho họ củ cà rốt); đồng thời cũng đưa ra cách chế tài (cây gậy) là nếu họ không tuân thủ thì sẽ dùng tới các biện pháp cứng rắn.

Thứ ba, minh bạch; thuận tiện cho người mua bằng cách cung cấp cho họ các thông tin đầy đủ về các khoản nợ xấu mà họ quan tâm; đưa ra các thủ tục quy định mua bán minh bạch; thuận tiện.

Thứ tư, tạo sân chơi công bằng: Cần đảm bảo không có sự phân biệt đối xử dù người mua đến từ trong nước hay nước ngoài; là NHTM Nhà nước hay NHTM cổ phần; là DNNN hay DN tư nhân.

Và thứ năm, đưa ra các “sản phẩm sạch”: Các khoản nợ xấu, tài sản được mua về VAMC khi bán ra trên thị trường phải là “sản phẩm sạch”, tức là người mua khi mua sản phẩm đó về sẽ có toàn quyền với nó (theo quy định của pháp luật). Như vậy, người mua cần được tiếp cận thông tin chuẩn về khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo (TSĐB) đi kèm, giá trị của TSĐB… để họ có thể đánh giá được một cách công bằng theo giá trị thị trường.

Việc áp dụng các biện pháp cứng rắn có phải là áp lực tốt để khuyến khích các TCTD chủ động và tích cực hơn trong giải quyết nợ xấu?

Việc có một số khuyến khích đi kèm với các quy định nghiêm khắc đôi khi cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy các ngân hàng giải quyết các vấn đề của mình. Nếu NHNN lựa chọn can thiệp vào một ngân hàng và tiến hành các đánh giá chi tiết thì đây sẽ là cơ sở tốt cho việc can thiệp về sau cũng như là nguồn tham chiếu tốt cho VAMC.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới