Hủy
Kinh Doanh

Xuất khẩu cả năm 2021 sẽ đạt 331 tỉ USD

Mai Khanh Thứ Sáu | 17/12/2021 09:34

Vượt qua khó khăn của dịch bệnh, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao. Ảnh: TL.

Ngành Công thương đã triển khai nhiều phương thức xúc tiến thương mại mới, tận dụng nền tảng số.
 

Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu năm 2021 với chủ đề: "Xúc tiến xuất khẩu, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế" do Bộ Công thương tổ chức thường niên lần thứ 8 đã đề cập đến nhiều triển vọng tích cực về phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2022, tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ công thương, Trần Quốc Khánh cho biết 2 năm qua là khoảng thời gian khó khăn của các ngành, trong đó hoạt động xúc tiến xuất khẩu bị hạn chế, nhưng, vượt qua khó khăn của dịch bệnh, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao, các chương trình xúc tiến xuất khẩu cũng được chuyển đổi để thích ứng với tình hình mới.

Có 34 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên sau 11 tháng, trong đó 7 nhóm hàng đạt trên 10 tỉ USD, như điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may, giày dép, gỗ, sắt thép...

Theo ông Khánh, sau 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 300 tỉ USD, dự kiến cả năm có thể đạt 330 tỉ USD. Như vậy, so với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 thì xuất khẩu năm nay tăng trên 48 tỉ USD và tăng 66 tỉ USD so với năm 2019.

Ảnh: TL.
 Sau 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 300 tỉ USD, dự kiến cả năm có thể đạt 330 tỉ USD. Ảnh: TL.

Kết quả này có được, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, là nhờ hoạt động xúc tiến xuất khẩu vừa qua. "Nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số được duy trì, nông sản hàng hoá vẫn được kết nối tiêu thụ ngay trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh", ông nhìn nhận.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại khẳng định, các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí trong khi vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác, hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa trong hoàn cảnh không thể thực hiện được các hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức trực tiếp.

Ảnh: TL.

Các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí trong khi vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác. Ảnh: haiquanvietnam.

Để cải thiện hiệu quả xúc tiến xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) gợi ý, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại cần chuyển nhanh, mạnh hơn nữa để cụ thể hoá việc chia sẻ thông tin dữ liệu, phân tích dữ liệu... nhằm tận dụng nguồn dữ liệu này cho các hoạt động xúc tiến.

Năm 2022, ông Vũ Bá Phú nói các hoạt động xúc tiến thương mại tới đây sẽ chú trọng vào các chương trình trung - dài hạn với những mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hiện Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn như Hàn Quốc, khu vực ASEAN, EU, Mỹ... trong đó có những thị trường ghi nhận thương mại song phương hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ USD mỗi năm.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới