Hủy

Chỉ 2% rác thải ở Việt Nam được chôn lấp đúng cách

Tuệ Anh Thứ Năm | 11/08/2022 10:36

Nếu doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ xử lý rác tiên tiến tương đương tiêu chuẩn châu Âu về vận hành sẽ khó có lãi. Ảnh: TTXVN.

Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất thế giới, nhưng chỉ có 2% rác được chôn lấp đúng cách.
 

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất thế giới. Khoảng 70% lượng rác thải đang xử lý theo hình thức chôn lấp và chỉ có 2% trong số này được chôn lấp đúng cách, đảm bảo tiêu chuẩn hợp vệ sinh, bãi rác thu được nước thải rác. 

Xử lý rác thải đang là vấn đề ngày càng lớn của các các nhà quản lý. Vài năm trở lại đây, công nghệ đốt rác không phát điện là một hướng đi được nhắc tới khá nhiều. Có 2 nhà máy xử lý rác theo công nghệ này được xây dựng ở Cần Thơ và Hà Nội, nhưng sau khi vận hành phát thử, kết quả cho thấy công nghệ này vẫn gây ô nhiễm. Đốt rác không phát điện bước đầu mới chỉ làm sạch rác dưới đất, nhưng đẩy ô nhiễm lên bầu không khí.

 

Được khuyến khích nhiều còn có thể kể đến công nghệ xử lý rác thải để sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ, chẳng hạn như nhà máy xử lý rác thải ở Quảng Bình. Tuy nhiên công nghệ này đang gặp phải khó khăn về tài chính. 

Một công nghệ cũng tương đối phổ biến tại Việt Nam là xử lý rác hữu cơ thành phân compost, phân vi sinh. Nhưng công nghệ này gặp khó bởi công tác phân loại rác chưa được thực hiện, kim loại nặng bị lẫn và chỉ phù hợp bón cho cây công nghiệp. 

Về phía doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất khi tiếp cận các công nghệ xử lý rác thải  là cơ chế và giá thành. Đại diện một doanh nghiệp cho biết: Ở các nước châu Âu, chi phí để xử lý 1 tấn rác thải từ 45 – 60 USD, trong khi ở Việt Nam chi phí này từ 17 - 20 USD (khoảng 390.000 – 450.000 đồng).

Dù Việt Nam đã có chính sách về hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp tham gia xử lý rác thải, tuy nhiên theo đại diện các doanh nghiệp, việc vay nguồn vốn này chỉ hạn chế định mức là 50 tỷ đồng và phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến cần kinh phí thực hiện ít nhất 300 tỷ đồng trở lên, nên nguồn vốn hỗ trợ khó có thể đáp ứng đủ.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới