Hủy

Lãnh đạo PMI: "Mọi quan tâm cần nhìn từ sức khoẻ cộng đồng"

Ngọc Trân Thứ Bảy | 20/05/2023 08:11

Ông Tommaso Di Giovanni đang thảo luận cùng ông Jacek Olczak (phải), Tổng Giám đốc Điều hành PMI.

Hai yếu tố quan trọng để giải bài toán giảm số người hút thuốc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
 

Xu hướng thị trường ghi nhận nhiều công ty thuốc lá đa quốc gia như British American Tobacco (BAT), Philip Morris International (PMI), Japan Tobacco International (JTI) đưa ra các cam kết trong chiến lược “không khói” thể hiện qua việc giảm lượng sản xuất thuốc lá điếu, thay thế bằng những sản phẩm thuốc lá không khói giúp giảm tác hại đến sức khỏe của người dùng. Tại sự kiện Technovation 2023, đại diện của PMI là ông Tommaso Di Giovanni - Phó Tổng Giám đốc Truyền thông, đã trả lời trực tiếp nhiều vấn đề mà cộng đồng quan tâm về xu hướng này.

*Thưa ông, mối quan ngại lớn của chính phủ nhiều quốc gia đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) là tác động của sản phẩm đến giới trẻ. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa cho phép lưu hành những sản phẩm này. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Trước hết, cần phải công nhận rằng đây là những câu hỏi và mối quan tâm chính đáng. Tuy nhiên, đối với những quan ngại liên quan đến những người không hút thuốc và giới trẻ (thanh thiếu niên dưới 18 tuổi), bằng chứng đã khá rõ ràng. Đó là một khi sản phẩm được thương mại hóa một cách có trách nhiệm, tỷ lệ những đối tượng sử dụng ngoài ý muốn như trên là không đáng kể, trong bối cảnh sản phẩm đã được khoa học chứng minh về khả năng giảm tác hại đáng kể so với việc tiếp tục hút thuốc lá điếu.

Lấy ví dụ trường hợp sản phẩm của PMI, đã có ít nhất 4 nghiên cứu độc lập (bao gồm cả nghiên cứu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA) về vấn đề sử dụng trong giới trẻ, và tất cả 4 nghiên cứu này đều kết luận rằng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ là không đáng kể. Cụ thể, 4 trên 4 nghiên cứu đều chứng minh kết quả: Tỷ lệ giới trẻ sử dụng TLTHM là dưới 2%. 

Và chúng tôi cũng ghi nhận điều tương tự với những người không hút thuốc. Trong số những nghiên cứu về giới trẻ, tôi có thể trích dẫn nghiên cứu của FDA Hoa Kỳ, của tổ chức phi chính phủ Addiction Suisse, và các nghiên cứu được thực hiện theo yêu cầu của các Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật và Đức.

Các kết quả này có được vì PMI rất coi trọng cách thương mại sản phẩm có trách nhiệm. Trước khi ra mắt sản phẩm, chúng tôi thực hiện các bước kiểm tra, đánh giá về nội dung thông tin cung cấp cho khách hàng (để đảm bảo họ hiểu chính xác về thông tin sản phẩm), chúng tôi thiết kế sản phẩm và thực hành thương mại tốt để ngăn các đối tượng ngoài ý muốn tiếp cận các sản phẩm này, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các quy định quản lý của các nước sở tại mà sản phẩm của chúng tôi hiện diện.

*Một số cơ quan y tế uy tín trên thế giới như FDA Hoa Kỳ hay Bộ Y tế Nhật Bản ủng hộ các “sản phẩm thay thế tốt hơn” để giảm tác hại của thuốc lá. Nhưng thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại đang phản đối các sản phẩm này. Vấn đề này nên nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

Đã có rất nhiều và ngày càng nhiều Chính phủ trên toàn cầu áp dụng quy định quản lý khác biệt với các sản phẩm TLTHM [thuốc lá không khói giảm tác hại], cho phép các sản phẩm này được kinh doanh với các quy định quản lý khác biệt. Thậm chí, một số Chính phủ còn đặt ra những quy định chủ động khuyến khích việc áp dụng chính sách giảm tác hại thuốc lá như New Zealand, Anh, Hoa Kỳ và gần đây là Hy Lạp. Và số quốc gia ủng hộ này đang không ngừng tăng lên, trong đó có những quốc gia và tổ chức y tế công cộng rất có uy tín.

Cùng với đó là một loạt các nghiên cứu và đánh giá được thực hiện bởi hàng chục cơ quan chính phủ và các tổ chức y tế công cộng. Ví dụ, Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức (BfR) cũng công bố nghiên cứu cho thấy thuốc lá làm nóng giúp giảm đến 99% hàm lượng các chất gây hại so với thuốc lá điếu thông thường. Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) thậm chí còn công bố rõ: thuốc lá điện tử ít gây hại hơn 99% so với thuốc lá điếu đốt cháy thông thường.

Máy mô phỏng việc hút thuốc lá điếu và sử dụng thuốc lá làm nóng cho thấy có sự khác biệt giữa khói của thuốc lá điếu (lưu trên tấm lọc ngả nâu) và khí hơi của thuốc lá làm nóng (lưu trên tấm lọc còn màu trắng).
Máy mô phỏng việc hút thuốc lá điếu và sử dụng thuốc lá làm nóng cho thấy có sự khác biệt giữa khói của thuốc lá điếu (lưu trên tấm lọc ngả nâu) và khí hơi của thuốc lá làm nóng (lưu trên tấm lọc còn màu trắng).

Mặt khác, dường như vẫn còn quan điểm khác từ phía WHO và một số chính phủ của các quốc gia. Tại sao lại như vậy? Trong trường hợp của WHO, tôi không nói chung chung về tổ chức WHO mà chỉ bàn về Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC), thì Công ước này đang nhìn nhận vấn đề này không theo góc nhìn thực tế. 

Đối với lĩnh vực thuốc lá, tổ chức này có xu hướng bỏ qua mục tiêu nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo vệ sức khỏe của những người hút thuốc. Và thay vào đó, họ chỉ đưa ra những tuyên bố rõ ràng về các ưu tiên chủ yếu tập trung chống lại các giải pháp giảm tác hại đến từ ngành hàng thuốc lá.

Trong khi đó, để bảo vệ sức khỏe của người dân, cách tốt nhất là thúc đẩy hợp tác giữa cả ngành công nghiệp tư nhân và các cơ quan y tế công. Cách thức này đã được áp dụng thành công ở nhiều ngành công nghiệp khác.

*Các tuyên bố sản phẩm thuốc lá không khói làm giảm số lượng người hút thuốc lá được hiểu như thế nào về mặt khoa học?

Các sản phẩm không khói thuốc có thể làm giảm số lượng người hút thuốc lá ở hầu hết các thị trường. Theo ghi nhận của chúng tôi từ các số liệu thống kê, khi thuốc lá làm nóng được cung cấp cho người hút thuốc, một phần đáng kể bộ phận này sẽ chấp nhận chuyển đổi hoàn toàn sang thuốc lá làm nóng.

Cụ thể, 72% những người dùng TLLN đã cai bỏ thuốc lá điếu đốt cháy vĩnh viễn. Đó là những số liệu thống kê mà chúng tôi đã thu thập được ở các quốc gia nơi chúng tôi thương mại hóa IQOS, một sản phẩm thuốc lá làm nóng tiêu biểu của PMI.

Ví dụ một số trường hợp cụ thể. Tại Nhật Bản, trong 4 - 5 năm đầu tiên sau khi TLLN được thương mại hóa, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và các cơ quan nghiên cứu khác của Canada đã nhận thấy sự sụt giảm doanh số bán hàng của thuốc lá điếu nhanh gấp 4 đến 5 lần so với trước đó, thành tựu này chủ yếu là nhờ TLLN.

Các quốc gia như New Zealand hay Anh đã ban hành các chiến dịch và chính sách chủ động để khuyến khích và đẩy nhanh tiến trình. Và kết quả thu được là rất tốt. New Zealand, thông qua các chính sách khuyến khích sự chuyển đổi, kỳ vọng trở thành quốc gia không khói thuốc vào năm 2035.

*Giới trẻ sử dụng các sản phẩm không khói thuốc là mối quan tâm hàng đầu, đồng thời là lo ngại lớn nhất hiện nay. Dù PMI công bố đầu tư phát triển các sản phẩm theo hướng không hấp dẫn đối với giới trẻ, nhưng ở nhiều góc độ, người dùng vẫn thấy rằng các sản phẩm này “có sức hút”. Nhận xét của ông về vấn đề này?

Câu hỏi thực sự sẽ là làm thế nào để các sản phẩm này đủ hấp dẫn và thu hút đối với những người hút thuốc mà không thu hút đối với những người không hút thuốc và giới trẻ? Và câu trả lời nằm ở các hoạt động thương mại có trách nhiệm. Trên hết, điều này có nghĩa là các công ty nên thực hiện các thử nghiệm đối với sản phẩm cũng như thông điệp và thông tin về sản phẩm cung cấp cho người dùng trước khi đưa ra thị trường. Khi các sản phẩm đã có mặt trên thị trường, các nhà cung cấp cần triển khai hoạt động thương mại một cách có trách nhiệm để những người không hút thuốc và giới trẻ không thể tiếp cận các sản phẩm này.

Các cơ quan chính phủ sẽ đóng vai trò giám sát và điều chỉnh bất kỳ hành động nào không tuân theo quy định này. Nếu các điều kiện trên cùng xảy ra, theo kinh nghiệm của chúng tôi, ngay cả đối với những sản phẩm hấp dẫn, việc thương mại hóa sản phẩm này cũng khó có thể dẫn đến vấn đề quan ngại về sự tiếp cận của giới trẻ.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới