Hủy
Tạp chí số 668

Kịch bản lãi suất ứng phó với dịch viêm phổi cấp do virus corona

Khổng Hiệp Thứ Hai | 10/02/2020 08:00

Ảnh: vnexpress.net

Lãi suất cho vay có thể giảm để hỗ trợ các ngành bị thiệt hại bởi dịch viêm phổi cấp do virus corona.
 

Mở đầu năm Canh Tý, dịch viêm đường phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) được xem như là “thiên nga đen” đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc.

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức đưa ra báo động khẩn cấp về dịch bệnh ở quy mô toàn cầu, chưa biết khi nào chúng ta sẽ đẩy lùi được loại virus nguy hiểm này. Vì vậy, các dấu hỏi về thiệt hại đối với kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam vẫn đang được thận trọng tính toán.

 

Tại Việt Nam, nhiều ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng rõ ràng như du lịch, hàng không, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bị ngừng mua... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các đợt dịch rồi sẽ được kiểm soát như lịch sử đã ghi nhận. Trong tương lai, sau khi kiểm soát được virus nCoV, có một điểm sáng cho các doanh nghiệp là lãi suất cho vay có thể sẽ được điều chỉnh giảm.

Đợt dịch SARS năm 2003 được ước tính đã gây thiệt hại kinh tế toàn cầu 40 tỉ USD. Còn lần này, Morgan Stanley đánh giá dịch corona có thể làm giảm tới 1 điểm phần trăm tăng trưởng của Trung Quốc ngay trong quý đầu tiên năm 2020. Nếu đỉnh điểm dịch bệnh rơi vào tháng 2 hoặc tháng 3, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm 0,15-0,3 điểm phần trăm trong quý này.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc mở cửa ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đỏ lửa khi giảm khoảng 8% với 440 tỉ USD bốc hơi khỏi thị trường. Cũng trong ngày này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ hạ lãi suất mua lại - đảo ngược (lãi suất reverse repo, lãi suất mà Ngân hàng Trung ương vay của các ngân hàng thương mại) từ 0,1% xuống 2,4%.

Trước đó, PBOC cũng đã giảm lãi suất này một lần hồi tháng 11.2019 nhưng chỉ giảm 0,05% để hỗ trợ kinh tế. PBOC cũng đã bơm thêm 1.200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 173 tỉ USD) vào nền kinh tế để tăng khả năng cho vay của các ngân hàng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi trước bằng việc rơi vào tình trạng hoảng loạn bán tháo ngay phiên giao dịch đầu năm, 3 ngày giao dịch liên tiếp, VN-Index đã giảm gần 100 điểm, vốn hóa thị trường bốc hơi khoảng 15 tỉ USD. Theo Công ty Chứng khoán SSI, trên thực tế, Việt Nam đã hạn chế một số cửa khẩu đến Trung Quốc như Lào Cai, Lạng Sơn…, đồng nghĩa với việc hạn chế giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam ở một mức độ nhất định.

Thêm vào đó, Việt Nam đã thực hiện hạn chế cấp thị thực đối với những khách đến từ các khu vực tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. SSI cho rằng trong ngắn hạn sẽ có 10 ngành được đánh giá có ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh là ngân hàng, dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không. Do vậy, GDP quý I sẽ gặp nhiều thách thức. Chính phủ có thể sẽ cần các yếu tố hỗ trợ để giúp tốc độ tăng trưởng hồi phục trong nửa cuối năm nay, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% so với năm trước cho cả năm 2020.

 

Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… cho khách hàng thuộc những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu.

Công ty Chứng khoán KB nhận định, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động kinh tế từ dịch bệnh, nhiều khả năng cũng có thể nới tăng trưởng tín dụng vượt mức đề ra nếu mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% của Chính phủ gặp khó khăn. Cũng không loại trừ khả năng Chính phủ sẽ kích thích tài khóa, đẩy mạnh đầu tư công. Về dư địa để Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cũng như nới lỏng tín dụng, Công ty Chứng khoán KB nhận định trong năm 2020, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để giảm lãi suất điều hành khi lãi suất thực (đã trừ lạm phát) vẫn ở mức tương đối trong khu vực. Trước khi phát hiện dịch cúm corona mới, công ty này cho rằng trong trường hợp lạm phát được kiểm soát tốt, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm từ 0,25% lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2020. Tuy nhiên, với hiện trạng dịch bệnh hiện nay, rất có thể khả năng này sẽ xảy ra nhanh hơn.

 

 Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta, chia sẻ, với tình hình dịch corona lần này, khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất sắp tới là khá cao, vì từ cuối năm 2019, khi chưa có dịch bệnh, Nhà nước đã có chủ trương tiếp tục kiểm soát nhưng vẫn nới lỏng tín dụng hơn trong năm 2020 và được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất thêm vào nửa cuối năm 2020.

Tuy nhiên, với những ảnh hưởng của dịch bệnh, để Chính phủ duy trì được mức tăng trưởng mục tiêu 6-7%, có lẽ quá trình này sẽ xảy ra nhanh hơn. Ngân hàng Nhà nước vẫn còn 2 công cụ tiền tệ chưa dùng hết là giảm lãi suất và hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Ông Minh đánh giá có thể việc giảm lãi suất sẽ bắt đầu ngay trong quý II này để hỗ trợ nền kinh tế khắc phục hậu quả, và trong năm 2020, lãi suất điều hành có thể giảm tới 0,5% hoặc hơn.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới