Hủy
Tạp chí số 681

Ai đang trả cổ tức cao?

Ngọc Thủy Thứ Năm | 04/06/2020 08:00

Công ty Dược phẩm Trung ương 3.

2020 là một năm nhiều rủi ro bất ngờ nhưng một số doanh nghiệp vẫn chi trả cổ tức hào phóng cho cổ đông.
 

Góp mặt vào nhóm doanh nghiệp chia cổ tức tiền mặt cao là Công ty May Xuất khẩu Phan Thiết (PTG). Công ty lên phương án chi trả cổ tức năm 2019 ở mức 100% (1 cổ phiếu nhận 10.000 đồng) và đã tiến hành thanh toán cổ tức vào đầu tháng 4 vừa qua. May Xuất khẩu Phan Thiết dùng nguồn lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước để chia cổ tức theo tỉ lệ này. Đây không phải là mức cổ tức cao nhất trong lịch sử của Công ty. Trước đó, May Xuất khẩu Phan Thiết cũng chi trả cổ tức năm 2017 lên đến 120% (1 cổ phiếu nhận được 12.000 đồng), dù thị giá lúc đó chỉ ở mức 1.500 đồng/cổ phần.

Trong khi đó, Công ty Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (VNX) dự tính chi gần 9 tỉ đồng để chia cổ tức theo tỉ lệ 70% trên mệnh giá. Đây có thể xem là mức cổ tức khủng nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp này. Công ty Dược phẩm Trung ương 3 (DP3) cũng dự tính chi trả cổ tức ở mức 70% (7.000 đồng/cổ phiếu). Thời gian thực hiện có thể là vào cuối tháng 6 này. Tổng Công ty May Hưng Yên (HUG) thì ước trả cổ tức 60% bằng tiền cho cổ đông ngay đầu tháng 6.2020.

Đối với Công ty Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin (TND), 29.5 là ngày thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỉ lệ 53% trên mệnh giá. So với lịch sử chi trả cổ tức của Công ty, 53% là ngưỡng cao nhất. 


Xét mặt bằng chi trả cổ tức trung bình khoảng 10-15% thì tỉ lệ chi trả cổ tức của các công ty kể trên rất đáng chú ý. Ngoài ra, theo dữ liệu của Vietstock, trong 337 doanh nghiệp đã công bố cách thức chia cổ tức, tính đến thời điểm này, chỉ khoảng 21 doanh nghiệp trả cổ tức bằng phương thức phát hành thêm cổ phiếu, còn lại đều trả cổ tức bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, khi so sánh với con số năm 2019, giới đầu tư đã nhìn thấy sự sụt giảm. Năm ngoái, trong top 10 doanh nghiệp, có không ít công ty đã trả cổ tức lên tới 3 con số. Chẳng hạn, Công ty Bến xe Miền Tây (WCS) là cái tên dẫn đầu khi trả cổ tức bằng tiền đến 400% (tương đương 40.000 đồng/cổ phiếu). VinaCafé Biên Hòa (VCF), Công ty Viễn thông FPT (FOX)... cũng chi trả cổ tức rất cao với tỉ lệ 240-250%.

Nhà đầu tư nào khi tham gia đầu tư một cổ phiếu bất kỳ, ngoài mong muốn kiếm lời từ chênh lệch giá, từ việc giá trị công ty sẽ tăng lên theo thời gian, họ còn hy vọng sẽ nhận được cổ tức cao. Trong một số trường hợp, cổ tức cao được dùng làm căn cứ lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, từ trong thực tiễn chia cổ tức, không phải doanh nghiệp trả cổ tức khủng cũng đều là công ty tốt, có danh tiếng.

Chẳng hạn, cổ phiếu PTG của Công ty May Xuất khẩu Phan Thiết, kể từ khi lên sàn UPCoM vào năm 2010, chưa bao giờ vượt hơn mệnh giá và hiện giao dịch ở mức 2.100 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư gần như không giao dịch cổ phiếu này.

Xét về kinh doanh, May Xuất khẩu Phan Thiết đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 458 tỉ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế gần 43 tỉ đồng, gấp 2 lần so với năm ngoái. Dù vậy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn hoành hành, hoạt động kinh doanh của Công ty có khả năng bị ảnh hưởng. Trong trường hợp bị tác động mạnh, Hội đồng Quản trị và Ban Tổng Giám đốc Công ty May Xuất khẩu Phan Thiết cho biết sẽ xem xét, điều chỉnh các chỉ tiêu nhưng cam kết không giảm quá 30% so với chỉ tiêu đã đề ra. Cổ tức dự kiến cho năm 2020 của Công ty giảm mạnh còn 20%.

Trong khi đó, Công ty Quảng cáo và Hội chợ Thương mại đưa ra 2 kịch bản kinh doanh cho năm 2020. Phương án khả quan nhất là dịch COVID-19 giảm dần và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hết dịch vào tháng 6 năm nay. Khi đó, Công ty chỉ giảm 57% doanh thu và lợi nhuận ròng ước đạt 4 tỉ đồng, tức bằng 1/4 năm ngoái. Nếu dịch bị đẩy lùi muộn hơn, doanh thu ước giảm tới 92% và Công ty sẽ bị thua lỗ. Trong trường hợp này, cổ đông có lẽ phải quên đi chuyện cổ tức.


Ở góc độ khác, việc trả cổ tức khủng cũng thường gắn với một biến động đặc biệt ở doanh nghiệp. Chẳng hạn, mới đây, song song với xin chủ trương sáp nhập hoàn toàn vào Tập đoàn Kido, Công ty Dầu Thực vật Tường An (TAC) dự tính trình cổ đông mức chi trả cổ tức đặc biệt 75% (7.500 đồng/cổ phiếu), như một cách  bù đắp quyền lợi cho cổ đông.

Nhìn xa hơn, trả cổ tức cao có thể đẩy doanh nghiệp vào tình thế bất ổn. Bởi trong điều kiện môi trường kinh doanh bão hòa, cần đầu tư mới và mở rộng để duy trì đà tăng trưởng, việc trả cổ tức cao sẽ làm suy giảm nguồn lực phát triển của doanh nghiệp. Rủi ro sẽ càng tăng lên nếu doanh nghiệp bị cạnh tranh gay gắt. Khi đó, mức sinh lời sẽ bị thu hẹp và cổ tức hấp dẫn trong tương lai khó mong duy trì. Vì thế, các công ty chứng khoán đều khuyên nhà đầu tư cân nhắc những yếu tố này để đánh giá và chọn lựa cổ phiếu cho chính xác.

Ngoài ra, để biết một mức cổ tức có hấp dẫn hay không, nhà đầu tư không nên nhìn vào tỉ lệ chi trả mà cần đo bằng tỉ suất cổ tức trên thị giá. Nếu tỉ suất này cao hơn lãi suất ngân hàng (khoảng 8%/năm) thì có thể xem xét. Năm ngoái, theo thống kê của Vietstock, chỉ 1/4 doanh nghiệp niêm yết đưa ra tỉ suất cổ tức cao hơn lãi ngân hàng. Năm nay, mặc dù vẫn còn nhiều công ty chưa công bố kế hoạch chi trả cổ tức nhưng dự đoán con số sẽ không thể vượt năm ngoái.

Khi săn cổ phiếu có tỉ suất cổ tức cao, nhà đầu tư cũng được khuyến nghị nên nhìn vào chính sách và lịch sử chi trả cổ tức, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình vay nợ, khối lượng giao dịch của cổ phiếu trên sàn... để dự đoán mức độ tin cậy, khả năng duy trì chính sách cổ tức tốt từ công ty.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới