Hủy
Tạp chí số 681

Cứu giá cổ phiếu, doanh nghiệp tăng mua cổ phiếu quỹ

Nguyễn Sơn Thứ Năm | 04/06/2020 10:30

Các doanh nghiệp niêm yết dự chi hàng chục ngàn tỉ đồng để mua lại cổ phiếu quỹ.
 

Để cứu giá cổ phiếu rớt thảm bởi đại dịch COVID-19, khá nhiều doanh nghiệp đã gia tăng sử dụng công cụ mua vào cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ với quy mô lên đến hàng triệu đơn vị. Ông lớn ngành sữa Vinamilk, chẳng hạn, dự chi 1.800 tỉ đồng để mua lại 17,5 triệu cổ phiếu. Khang Điền, một công ty bất động sản, cũng dự chi lên tới 448 tỉ đồng mua lại gần 20 triệu cổ phiếu quỹ.

Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) quyết định mua 14 triệu cổ phiếu khi giá cổ phiếu sụt giảm gần 30%. Hay Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã đăng ký mua lại 10 triệu cổ phiếu để bình ổn giá cổ phiếu. Nguồn vốn được trích từ lợi nhuận chưa phân phối đến cuối năm 2019. Hiện giá cổ phiếu của Hòa Bình đang giảm sâu dưới mệnh giá, gây bất an cho ban lãnh đạo doanh nghiệp này. 

Chứng kiến giá cổ phiếu rơi vào vùng đáy nhiều năm, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO đã lên phương án mua lại 15 triệu cổ phiếu quỹ. Ngay cả ngân hàng nằm trong top đầu lợi nhuận các năm gần đây là VPBank cũng dự kiến mua lại 5% lượng cổ phiếu đang lưu hành, tức tương đương 122 triệu cổ phiếu.

Tập đoàn nông nghiệp PAN Group cũng đăng ký mua lại 21,6 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ, tương đương với 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy đăng ký mua vào 25 triệu cổ phiếu quỹ. Tập đoàn Thiên Long thông báo phương án mua lại 1,5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ nhằm tối đa hóa lợi ích của cổ đông.

 

Ước tính sơ bộ, tổng giá trị mà các doanh nghiệp niêm yết dự chi cho phương án mua cổ phiếu quỹ từ đầu năm đến nay đã lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. “Khi nhà đầu tư đang có tâm lý hoảng loạn, giá cổ phiếu xuống thấp hơn nhiều so với tiềm năng và giá trị công ty, việc cần làm đầu tiên là xây dựng phương án mua cổ phiếu quỹ”, bà Nguyễn Trà My, CEO Pan Group, nhận định.

Có thể thấy, công cụ mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ là chiến thuật được nhiều doanh nghiệp sử dụng mỗi khi thị trường lao dốc. Đó không chỉ là biện pháp cần thiết để hãm đà suy giảm giá trị doanh nghiệp, chia sẻ lợi nhuận bằng tiền cho cổ đông, tránh nguy cơ bị thâu tóm giá rẻ mà còn nằm trong số các tiêu chí đánh giá năng lực quản trị của lãnh đạo khi mùa đại hội cổ đông đang diễn ra.

Tuy nhiên, khi xét đến diễn biến giá trị doanh nghiệp ở khung thời gian dài hơn, các chương trình mua cổ phiếu quỹ không phải lúc nào cũng khôn ngoan. Trong vài trường hợp, thông điệp từ hành động mua cổ phiếu quỹ gửi tới các nhà đầu tư có thể không mấy tích cực. Bởi khi đó, thị trường sẽ nghi ngờ các nhà điều hành đang mất phương hướng, không biết làm gì với lượng tiền đang có. Cá biệt hơn, một số doanh nghiệp dùng tiền đi vay để mua lại cổ phiếu quỹ, hệ quả là tổng nợ tăng lên và gây sức ép về tài chính cho chính bản thân doanh nghiệp.

 

“Biện pháp mua cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp niêm yết vào lúc này chỉ có lãng phí tiền, không gì đỡ nổi xu hướng giá giảm dài hạn rất mạnh. Với doanh nghiệp, mua cổ phiếu quỹ chỉ góp phần làm suy yếu thêm vì thiếu tiền khi mọi thứ ổn định trở lại. Trừ khi doanh nghiệp muốn kiếm lời từ cổ phiếu quỹ, sau này bán giá cao cho thị trường, mà như thế phản tác dụng”, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam, nhận định. 

Thay vì dùng hàng ngàn tỉ đồng để mua cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp có thể dùng số tiền này vào mục đích khác mà có thể giúp giá trị doanh nghiệp gia tăng bội phần. Theo nghiên cứu của Tạp chí Harvard Business Review cho giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 đến đầu năm 2009, các công ty đã tích cực thực hiện các thương vụ thâu tóm trong giai đoạn khủng hoảng tài chính lại tăng trưởng vượt trội hơn hẳn so với các đối thủ khác.

Thước đo cho sự hiệu quả của Harvard Business Review thể hiện ở tổng lợi ích mà các cổ đông nhận được (Total Shareholder Return - TSR). Theo đó, nhóm những công ty có thực hiện các thương vụ M&A với quy mô từ 10% vốn hóa thị trường trở lên (người mua tích cực) ghi nhận tỉ lệ TSR trung bình đạt tới 6,4%, một con số khả quan hơn nhiều so với mức -3,4% ở các công ty ít hoạt động M&A hơn. 

 

Đặc biệt, ở những doanh nghiệp M&A tích cực và sở hữu lượng tiền mặt lớn (tổng lượng tiền mặt và đầu tư ngắn hạn so với doanh thu từ 7% trở lên) ghi nhận tỉ lệ TSR lên đến 5%, cao gấp 3 lần so với mức trung bình trên thị trường trong khoảng thời gian từ tháng 1.2007 đến đầu năm 2010.

Khoảng cách này tiếp tục tăng lên trong 5 năm sau đó khi TSR của các doanh nghiệp tích cực thâu tóm tăng trưởng trung bình 16,9% so với 4,9% của các công ty khác. 

Xét ở khía cạnh này, thay vì dùng một khoản tiền đáng kể để đỡ giá cổ phiếu như trong đại dịch COVID-19, giám đốc tài chính của các doanh nghiệp có lẽ cần quan tâm hơn đến các kênh rót vốn tiềm năng khác nhằm tối đa hóa giá trị doanh nghiệp trong trung và dài hạn. 

Tất nhiên, các kế hoạch gia tăng đầu tư, mua sắm tài sản giữa lúc kinh tế lao đao sẽ cần sự đồng thuận từ đại đa số các cổ đông và điều này không hề dễ tại các doanh nghiệp có cấu trúc sở hữu manh mún hay thiếu vắng các cổ đông có tầm nhìn chiến lược. “Các doanh nghiệp nên xem xét danh sách các thương vụ thâu tóm tiềm năng, nhất là trong bối cảnh số lượng tài sản dồi dào và mặt bằng giá đang hấp dẫn”, Tạp chí Harvard Business Review nhận định.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới