Hủy
Tạp chí số 690

Cổ phiếu thấp thỏm ngày tái dịch

Ngọc Thủy Thứ Tư | 05/08/2020 08:00

VN-Index đang được thử thách trước nhiều tin xấu.Ảnh: Quý Hòa

Thị trường chứng khoán cũng phập phồng khi dịch bùng phát trở lại.
 

Ca dương tính thứ 416 xuất hiện ở Đà Nẵng vào tuần cuối của tháng 7 đã chấm dứt chuỗi ngày Việt Nam không có lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Cũng từ đây, Việt Nam tạm kết thúc thời gian bình thường mới để trở lại nhịp độ khẩn trương truy tìm dấu vết F0 và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua những cung bậc đặc biệt. 

Các kịch bản của VN-Index

Ngay khi có thông tin COVID-19 đã trở lại cộng đồng, ở 2 phiên liên tiếp (24.7 và 27.7), chỉ số VN-Index bị đánh bay hơn 71 điểm về dưới ngưỡng 800 điểm, tương đương mức giảm 8,5%. Lệnh bán ồ ạt, hàng trăm mã giảm sàn, còn vốn hóa toàn thị trường chỉ sau 2 phiên đã bốc hơi hàng chục tỉ USD.

 

Tuy nhiên, điểm tích cực cho thị trường chứng khoán là giữa những phiên đỏ rực, vẫn xen lẫn các phiên tăng điểm ngoạn mục. Ngày 28.7, VN-Index lấy lại hơn 28 điểm đã mất. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường cũng không hề u ám. Chỉ riêng sàn TP.HCM (HSX), giá trị giao dịch của 2 ngày 24.7 và 27.7 đạt hơn 7.000 tỉ đồng/phiên, tăng 70-80% so với hàng chục phiên trước đó. Đáng chú ý, khối ngoại đã chấm dứt chuỗi ngày bán ròng để chuyển sang mua ròng hàng trăm tỉ đồng trong các phiên gần đây.

Rõ ràng, dù tâm lý nhà đầu tư có phần dao động, lo ngại trước tình hình dịch bệnh quay trở lại nhưng như đánh giá của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), “dù dịch COVID-19 tái bùng phát tại Việt Nam thì tác động của nó đối với thị trường sẽ không nhiều như khoảng thời gian đầu diễn ra dịch bệnh”. BSC dự đoán, sự bi quan của thị trường có thể tương đương hoặc sẽ ngắn hơn đợt dịch leo thang trong tháng 3, tức có thể kéo dài khoảng 2-3 tuần.

Sự trở lại của COVID-19 là điều ít nhiều nhà đầu tư đã phải dự liệu trước, bởi cho đến nay cả thế giới vẫn chưa có vaccine hay thuốc đặc trị liên quan. Dù vậy, so với tháng 3, thông tin COVID-19 đã không còn gây sốc mạnh mẽ đến thị trường. Nếu nhà đầu tư hốt hoảng, hoang mang, theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DASC), đó chỉ là những phản ứng có tính nhất thời nhiều hơn.

Thị trường vẫn có cơ sở để lạc quan rằng, những gì Việt Nam làm tốt trong kiểm soát, khoanh vùng, phòng chống dịch đợt trước sẽ tiếp tục được duy trì phát huy ở giai đoạn hiện tại. Ngoài ra, khi nhìn vào đà tăng trưởng mạnh mẽ, trên 40% kể từ vùng đáy của VN-Index sau khi Việt Nam chấm dứt giãn cách xã hội, giới đầu tư cũng có thể tin “sau cơn mưa, trời lại sáng”. 

 

VN-Index đang bị điều chỉnh và vùng kháng cự mà nhiều công ty chứng khoán dự đoán là khoảng 750-760 điểm.  Khi thị trường tích cực hơn, vùng kháng cự sẽ là 790-800 điểm hoặc có thể nâng lên mức 810-820 điểm. Đây là ngưỡng kháng cự cao nhất mà Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự đoán cho một kịch bản tích cực. Ở chiều tiêu cực, BVSC nhìn nhận, VN-Index vẫn có khả năng gặp rủi ro về vùng hỗ trợ 700-720 điểm, nhưng chỉ trong ngắn hạn.

Chọn mặt gửi vàng

Theo thống kê sơ lược, hiện sàn TP.HCM có khoảng 30% mã cổ phiếu đang giao dịch ở mức đáy cuối tháng 3.2020 và 10% mã cổ phiếu có giá tương đương với vùng đáy. Dù nhiều cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn, nhưng như quan sát của phòng phân tích Công ty Chứng khoán SmartInvest (AAS), vì thị trường vẫn đang nghiêng về chiều hướng tiêu cực nên nhà đầu tư có mua cũng chỉ nên phân bổ khoảng 30% vào lúc này. Mức phân bổ mà BVSC đề xuất còn thấp hơn, chỉ 25% cổ phiếu. Về cách thức đầu tư, DASC khuyến nghị nhà đầu tư có thể chia lượng giải ngân làm 2-3 lần, giải ngân từ từ theo diễn biến thị trường.

Những nhóm ngành được khuyến nghị đầu tư hiện nay là các lĩnh vực ít bị tác động bởi đại dịch, như  chăn nuôi, bất động sản (công nghiệp), điện, xăng dầu, ô tô/xe máy, phần mềm…, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS). Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán MBS, cho rằng nhà đầu tư có thể tăng mua vào cổ phiếu các ngành như hàng tiêu dùng/bán lẻ, công nghệ, bất động sản, điện. Riêng ngành săm lốp và dược phẩm/dịch vụ y tế thì còn được hưởng lợi trong ngắn hạn.

Dù vậy, khi lựa chọn đầu tư, theo ông Nguyễn Văn  Khánh, Phó Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán BVSC, nhà đầu tư nên chú ý yếu tố cơ bản, phân tích doanh nghiệp hơn là đầu tư theo thị trường, chọn ngành chung chung, bởi có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp. Chẳng hạn, cùng ngành dược với nhau nhưng nửa đầu năm 2020, trong khi Imexpharm (IMP), Dược Hậu Giang (DHG), Danameco (DNM) ghi nhận tăng trưởng khả quan thì kinh doanh ở Domesco (DMC), Traphaco (TRA), Dược Việt Nam (DVN) lại không như kỳ vọng. Ngoài ra, các công ty dược có thể gặp bất lợi từ gián đoạn nguyên liệu nhập khẩu nếu dịch kéo dài. BSC cho rằng, doanh thu ngành dược nội địa có thể giảm 7% nếu dịch kéo dài đến cuối năm nay. Vì thế, theo BSC, doanh nghiệp nào có tình hình tài chính lành mạnh, nợ thấp sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn. Hiện tại, trong các tư vấn đầu tư cổ phiếu ngành dược, cổ phiếu của Imexpharm và Danameco được khuyến nghị hơn cả. 

 

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset, Imexpharm lãi hơn 88 tỉ đồng, tăng 28% trong nửa đầu năm 2020, dù doanh thu chỉ tăng nhẹ. Đó là nhờ Công ty đã tăng tỉ trọng bán hàng trên kênh  ETC (kênh đấu thầu, bán buôn), với tỉ trọng ước tính đến cuối năm nay là 50%. Còn Danameco đã ghi nhận kinh doanh tăng đột biến với doanh thu 6 tháng đầu năm tăng gấp 4 lần (366,4 tỉ đồng); lãi sau thuế đạt 25,5 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số gần 3 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Đối với ngành bất động sản công nghiệp, Long Hậu (LHG), Sonadezi (SNZ), Tân Tạo (ITA), Kinh Bắc (KBC), Nam Tân Uyên (NTC)... là những cổ phiếu được săn lùng. Dù vậy, vì nhóm cổ phiếu này được quan tâm từ nhiều tháng qua nên để bắt sóng, cần phải tính toán cẩn trọng. Ngoài ra, tuy lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp có nhiều triển vọng, với 344 khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, rất hấp dẫn các hãng nước ngoài đến thuê nhưng tốc độ phát triển, quy mô tương lai của các khu công nghiệp này ra sao còn chờ thời gian trả lời. 

Riêng trong mảng bất động sản dân dụng, Hà Đô (HDG) là cái tên được giới đầu tư chú ý. Theo VCBS, Hà Đô có quỹ đất hàng chục ha, giá vốn thấp do có nguồn từ Quốc phòng, lại tập trung phát triển nhà ở tại TP.HCM, Hà Nội, hướng vào nhu cầu thật, với quy mô vừa phải, phân khúc trung/cao cấp nên kinh doanh của Hà Đô vẫn tăng trưởng tốt. Trong nửa đầu năm nay, lũy kế thu hồi bất động sản và doanh thu thương mại dịch vụ xấp xỉ năm ngoái; doanh thu năng lượng đạt hơn 383 tỉ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ; mảng xây lắp cũng ghi nhận 383 tỉ đồng, tăng 204%. Sắp tới, kinh doanh của Hà Đô còn được kỳ vọng ở khả năng bàn giao các block dự án Hado Centrosa Garden, Green Lane, Hado Charm Villas  và triển khai dự án điện mặt trời SP Infra 1, dự án điện gió 7, dự án Sông Tranh 4...

Ở ngành tiêu dùng bán lẻ, dù dịch đã tác động không nhỏ, khiến doanh thu toàn ngành sa sút và nhiều siêu thị như Lotte, Aeon, Co.opmart... ghi nhận sức mua, lưu lượng khách giảm, dẫn đến doanh thu giảm 20-50% trong 5 tháng đầu năm và hành vi người tiêu dùng đã thay đổi theo hướng chú ý đến hàng thiết yếu, siết chặt chi tiêu, nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều nghiên cứu khảo sát cho thấy, kênh thương mại điện tử đã hưởng lợi. 

Hơn nữa, theo VCBS, với tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam ở mức thấp và thu nhập bình quân đầu người tăng, ước đạt 4.100 USD vào năm 2026, ngành bán lẻ, tiêu dùng nhanh vẫn còn nhiều tiềm năng. Chưa kể, xu hướng bán lẻ tương lai là bán lẻ đa kênh có nhiều dư địa tăng trưởng. Vì thế, bất chấp dịch, các cổ phiếu ngành này vẫn đáng xem xét đầu tư. 

Hai gương mặt đáng chú ý trong ngành này là Vinamilk (VNM) và Thế Giới Di Động (MWG). Triển vọng của Vinamilk nằm ở việc hợp tác với Kido, lập liên doanh  để mở rộng ngành nước giải khát ngoài sữa và đẩy mạnh ngành kem. Những container sữa đặc, sữa chua của Vinamilk cũng đã được xuất sang Trung Quốc trong quý I/2020. Sắp tới, Vinamilk sẽ đẩy mạnh xuất khẩu cả sữa hạt, sữa nước. Về phía Thế Giới Di Động, triển vọng đến từ những cửa hàng mở trong năm 2019 bắt đầu cho doanh thu ổn định từ năm nay... 

 

Dù mảng xám trong bức tranh chứng khoán nhiều khả năng chỉ xuất hiện trong ngắn hạn, nhưng các công ty chứng khoán cũng lưu ý, thị trường sắp tới vẫn tồn tại những ẩn số khó nói. Trong nước, đó là khả năng giãn cách xã hội có thể tiếp tục áp dụng ở nhiều địa phương, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trước mắt, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Hội An... đã áp dụng giãn cách xã hội. Còn các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã gia tăng điều tra dịch tễ, cách ly, kiểm soát, phòng chống bệnh chặt chẽ. Tình huống mới có thể ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, làm phá sản nhiều kế hoạch. Trong đó, các ngành hàng không, vận tải, du lịch... được dự báo sẽ tiếp tục gánh chịu những hệ lụy nặng nề.

Ẩn số khác liên quan đến tình hình dịch bệnh vẫn đang căng thẳng trên toàn thế giới. Đó là chưa nói đến những bất ổn về địa chính trị, xung đột leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Cả 2 nước này đã đóng cửa lãnh sự quán của nhau ở Houston và Thành Đô. Những bất ổn này, cộng với lo ngại về khả năng phục hồi nền kinh tế đã khiến cho dòng tiền từ các kênh đầu tư đổ dồn vào vàng, khiến giá vàng liên tục phá đỉnh và hiện giao dịch ở mức gần 60 triệu đồng/lượng.  Vì thế, giới đầu tư cần cẩn trọng, quan sát nhiều hơn khi tham gia vào một thị trường khó lường, biến động, dễ có những thông tin tác động lớn đến tâm lý thị trường.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới