Hủy
Tạp chí số 713

Còn cơ hội tỉ đô cho cây Sachi?

Tú Cẩm Thứ Tư | 13/01/2021 07:30

Chế biến sản phẩm từ hạt Sachi. Ảnh: TTXVN.

Trồng Sachi khá dễ dàng nhưng việc kết nối cung và cầu loại thực phẩm mới này lại rất gian nan.
 

Kiên trì với hạt Sachi

Rời bỏ thành phố lớn, bác sĩ Trần Thanh Tùng trở về quê nhà Lâm Hà (Lâm Đồng) và dành hầu hết thời gian trong xưởng để tìm ra phương pháp chế biến hạt Sachi. Thời điểm anh mở xưởng, loại cây này không còn được nông dân Lâm Đồng mặn mà nữa. Nhiều người đã vỡ mộng vì loại thực phẩm - dược phẩm được nhiều nhà khoa học đánh giá rất cao này hóa ra không dễ tiêu thụ.

Là một bác sĩ, anh Tùng lại nghĩ khác: “Quan trọng nhất, đây là loại hạt có tỉ lệ tiêu hóa các chất dinh dưỡng và các acid béo không bão hòa đối với con người rất cao, đạt đến 96%. Hạt sachi có thể làm được rất nhiều sản phẩm, từ thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm... Chính vì thế, loại quả này được nhiều quốc gia như Mỹ, các nước châu Âu, Nhật và Hàn Quốc... nhập khẩu với số lượng lớn. Trên thế giới, hiện nguồn cung không đủ”, anh Tùng chia sẻ.

 

“Ví dụ về hạt đậu phộng, hạt cà phê, những nông sản rất quen thuộc với người dân Việt. Thế rồi từ những sản phẩm thô ban đầu, con người đã nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, tôi cho rằng, Sachi hoàn toàn có thể làm được điều này. Nếu tiến đến chế biến sâu, giá trị hạt Sachi tăng lên gấp 4 lần. Đối với các loại nông sản khác cũng thế, đây là con đường tương lai chắc chắn phải đi”, vị bác sĩ trẻ cho biết thêm.

Sau 3 năm tìm hiểu và hơn 2 năm đi vào sản xuất, sản phẩm Sachi của bác sĩ Trần Thanh Tùng đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với thương hiệu Sachi Sao Vàng. Cho đến nay, sản phẩm Sachi Sao vàng trên thị trường đã khá đa dạng, từ trà túi lọc, dầu sachi đến các loại hạt như sachi tỏi ớt, sachi cacao, sachi cốt dừa...

Từ một loại cây quen thuộc của Nam Mỹ, nhờ có giá trị dinh dưỡng lớn mà Sachi (Sacha Inchi) dần được thế giới biết đến. Năm 2006, Sacha Inchi chính thức bước chân vào thị trường Mỹ thông qua những nhà nhập khẩu nổi tiếng như Brandstorm, tiếp đến là Canada.

 

Năm 2008, thị trường châu Âu tiếp cận Sachi như một loại dầu nguyên liệu dành cho mỹ phẩm kỳ lạ đặc biệt tốt cho da khô, tóc hư hỏng. Nhưng đến năm 2013, Sacha Inchi đã chính thức đạt được các quy định của Liên minh châu Âu về lương thực thực phẩm để trở thành loại dầu cao cấp phổ biến nhất dành cho người sành ăn tại các nước như Pháp, Anh, Đức, Czech, Bỉ... rồi dần phổ biến ở Bắc Á. Sản lượng tiêu thụ lên tới khoảng 300.000 tấn/năm và tăng trưởng bình quân trên 20% mỗi năm.

Ở Sachi, các công ty mỹ phẩm đã tìm được dòng nguyên liệu mới có hàm lượng dầu Omega 3 gấp 40 lần dầu Argan; các công ty dược phẩm tìm được nguồn dược liệu có hàm lượng Omega 3 gấp 17 lần dầu cá; người tiêu dùng thì tìm được cho mình loại hạt dinh dưỡng có giá trị cao về sức khỏe và cả sắc đẹp. Làn sóng săn tìm tiếp tục lan sang khu vực Đông Nam Á, nổi bật nhất là tại Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia.

Mở hướng đi mới

Năm 2016, với quá trình nghiên cứu cẩn trọng về cây Sachi, chị Nguyễn Thị Bích Hồng, cán bộ bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Điều đáng nói là kết quả nghiên cứu của công trình này bước đầu đã giúp các nhà khoa học Việt Nam nhìn nhận được hình thái, khả năng nhân giống, khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng của cây Sachi, đặc biệt là giá trị dinh dưỡng của loài cây này.

Đặc biệt, Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng trong quá trình nghiên cứu đã phối trộn thành công trà túi lọc Sacha Inchi - sản phẩm lần đầu có mặt cả trên thế giới lẫn ở Việt Nam. Lá đã được đưa đi phân tích và đánh giá chất lượng dinh dưỡng với kết quả khả quan. Rất nhiều thành phần dinh dưỡng trong trà như protein, lipit, các loại vitamin A, E, các vi chất như sắt, canxi... đều có trong lá Sacha Inchi.

Ảnh: tradekorea.com.
Hạt Sachi. Ảnh: tradekorea.com.

Năm 2016, lô trà Sacha Inchi đầu tiên được sản xuất tại nhà máy chè Kim Anh mang thương hiệu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam ra đời. Trà đã mang lại cho người uống những cảm nhận khác lạ từ Sacha Inchi, đặc biệt là cảm giác sảng khoái, dễ ngủ, dễ dùng và dùng nóng hay uống đá đều rất ngon. Sau 4 năm ra đời, trà Sacha Inchi đã được nhiều người tiêu dùng biết đến. Từ đó, đã có nhiều đơn vị sản xuất trà Sacha Inchi.

 

Cùng với giới khoa học, một số doanh nhân Việt Nam cũng nhanh nhạy trong khai thác loại cây tiềm năng này. Lớn lên ở Tây Nguyên, chị Nguyễn Thị Phương, CEO Công ty Sachi Cao Nguyên, đã liên kết với một số nhà khoa học trong nước, các chuyên gia Nhật và chọn Tây Nguyên là vùng để phát triển cây Sachi.

Công ty này hiện cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm từ Sachi hướng tới đảm bảo 100% organic: hạt Sachi tách vỏ đã qua xử lý, hạt Sachi sấy; hạt nhân Sachi sấy muối; hạt nhân Sachi sấy bơ; dầu Sachi dùng chế biến món ăn, dưỡng chất làm đẹp da, sản phẩm bột ngũ cốc dành cho trẻ em, người già - ăn kiêng; tinh dầu dưỡng da; viên nang mềm Omega... Sachi Cao Nguyên hợp tác với các hộ dân ở các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk với diện tích khoảng 200 ha.

Cũng có diện tích liên kết sản xuất là 200 ha, sau khi đi vào hoạt động được 1 năm, Công ty Macca Sachi Tây Nguyên thu mua và sản xuất được 150 tấn sản phẩm. Ngoài việc xuất thô đi một số nước, Công ty nằm tại tỉnh Gia Lai này còn đầu tư chế biến với 5 sản phẩm từ hạt Sachi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước với giá bán từ 200.000-800.000 đồng/kg.

Theo đại diện Công ty, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ hạt Sachi trong nước rất tiềm năng khi người tiêu dùng đã biết đến công dụng dinh dưỡng của loại hạt này. Tuy nhiên, cũng như các doanh nghiệp khác, Công ty vẫn còn gặp khó khăn khi thiết lập thị trường vì nguồn vốn hạn chế, trong khi để đưa sản phẩm vào được hệ thống siêu thị đòi hỏi phải có vốn gối đầu.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới