Hủy
Tạp chí số 713

Đưa chợ lên App

Viết Nguyên Thứ Tư | 13/01/2021 07:30

Các chợ tại TP.HCM đang thử nghiệm nhiều mô hình bán hàng online. Ảnh: Quý Hòa.

Kế hoạch số hóa giao dịch, vận chuyển tại các chợ truyền thống đang được mở rộng.
 

Grab Việt Nam đặt nhiều tham vọng trong kế hoạch triển khai số hóa chợ truyền thống trên nền tảng online của GrabMart. Một thị trường lớn và tiềm năng nhưng rào cản tâm lý và thói quen cũng rất lớn.

Ưu thế của chợ truyền thống

Lâu nay, chợ truyền thống vẫn là địa chỉ quen thuộc của các bà nội trợ. Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần, đem về doanh thu trên dưới 10 tỉ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thực tế, chợ truyền thống có những lợi thế rất riêng. Với các tiểu thương, đó là giá thuê sạp thấp, lượng hàng phong phú, nhất là hàng hóa tươi sống từ các nơi đổ về. Mỗi một sạp ở chợ như chợ Bến Thành, An Đông (TP.HCM), chợ Ninh Hiệp (Hà Nội), chợ Hàn, chợ Cồn (Đà Nẵng), chợ Vinh (Nghệ An)... là tài sản khổng lồ của tiểu thương.

 

Về phía người tiêu dùng vẫn chọn chợ truyền thống vì sự tiện lợi, gần nhà, đồ ăn tươi ngon, giá cả hợp lý. Đó là chưa kể đến phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt, văn hóa mua sắm ở chợ truyền thống. Chính vì thế, dù những hình thức bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm, 180 trung tâm thương mại... thì chợ truyền thống vẫn có chỗ đứng. Ông Doãn Công Khánh, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường và phát triển thương mại bền vững, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), khẳng định: “Dù có nhiều loại hình kinh doanh khác nhau, song chợ vẫn có sức sống trường tồn”.

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Bộ Công Thương đã đưa ra kế hoạch cải tạo nâng cấp 19 chợ đầu mối tới năm 2025 và xây dựng mới 55 chợ đầu mối, làm sao đến năm 2030, siêu thị chiếm khoảng 40%, còn chợ chiếm đến 60% hệ thống bán lẻ. Dựa vào quy hoạch này và thói quen của người Việt, rõ ràng chợ truyền thống vẫn là kênh buôn bán chủ đạo.

Áp lực chuyển đổi

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với kênh bán lẻ hiện đại, sự xuất hiện của dịch COVID-19 và xu hướng tiêu dùng cũng chuyển từ offline sang online, áp lực chuyển đổi số để duy trì hoạt động đã được đặt ra. Lần đầu tiên, chợ Bình Điền, Chợ Lớn đã có những hoạt động xúc tiến chợ phiên online, quy tụ hàng trăm doanh nghiệp lớn như Cholimex, Nhựa Phước Thành, Intermix...

Chợ phiên online bán các sản phẩm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng được kiểm định, đa dạng về chủng loại. Đơn hàng cũng được giao tận nơi cho khách hàng. “Đây là cách để các chợ tạo bước đệm thích ứng với xu hướng bán hàng mới và chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi nền kinh tế sau COVID-19”, bà Tô Huệ Lang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 5 (TP.HCM), cho biết.

Còn ông Leon Trương, Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số DTS, đánh giá, chợ phiên online giúp quá trình chuyển đổi số ở chợ truyền thống được diễn ra thuận lợi hơn, hình thành thói quen mua bán trực tuyến cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và khách hàng. Trước mắt, thông qua các phiên chợ online, tiểu thương được tập huấn, hỗ trợ vận hành, tạo trải nghiệm bán hàng online.

Các chợ như chợ Bến Thành, chợ Nguyễn Tri Phương cũng khuyến khích tiểu thương bán hàng online. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và chưa chú trọng kênh bán hàng này nên theo tâm sự của tiểu thương ở chợ Thái Bình, bán hàng online không thật hiệu quả. Thực tế, chợ Thái Bình chủ yếu bán trực tiếp. Nhiều sạp bán cho các mối sẵn có. Đặc biệt, với kênh online, tiểu thương chỉ chủ yếu chụp hình sản phẩm, đăng kèm thông tin giá cả nên không được thu hút.

 

Các tiểu thương đã không mặn mà với bán hàng online, dù đồng tình đây là cách có thể xem xét gia tăng kinh doanh. Hiện tại, tình hình COVID-19 đã khiến các chợ truyền thống ít nhiều rơi vào ế ẩm. Theo thống kê từ các ban quản lý chợ,  chợ An Đông đã giảm 20-30% sức mua; tại chợ Bình Tây, gần 1/3 số sạp hàng đã đóng cửa hoặc tìm cách sang nhượng.

Áp lực luôn chực chờ nhưng để thuyết phục tiểu thương thay đổi cách thức kinh doanh, tăng năng lực công nghệ, mạng lưới người dùng, khả năng phân phối, học thêm kỹ năng quản lý, mở rộng phương thức thanh toán là cả một vấn đề. Theo xác nhận của đại diện Grab, đây là lý do vì sao một số dự án đưa chợ lên mạng chưa thành công.

Ảnh: Quý Hòa.
Ảnh: Quý Hòa.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã số hóa chợ truyền thống cho 2 quốc gia và đã có những bước đi thăm dò tại Đà Nẵng, Hà Nội, bước đầu ghi nhận tăng trưởng số lượng đơn hàng lên gấp đôi trong tháng 12.2020, Grab mạnh dạn số hóa chợ truyền thống. Theo đó, tiểu thương có thể mở sạp hàng online trên GrabMart, tiếp cận tệp khách hàng và mạng lưới đối tác giao hàng rộng lớn của Grab. Tiểu thương cũng có thể tận dụng ưu thế công nghệ, kinh nghiệm kinh doanh trên nền tảng số của Grab để có thêm đơn hàng và tăng doanh thu.

Theo chia sẻ từ Grab, gần 100 tiểu thương tại chợ ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đã tham gia mô hình này.  Trước Grab, một số sàn thương mại điện tử như Đi Chợ (be), NowFresh (Foody), Chopp (Chopp.vn), Lomart (Loship), Lazada, Tiki cũng tìm cách tung ra dịch vụ đi chợ hộ, bán hàng tươi sống... trên mạng. Nhưng khác với Grab, các ứng dụng này bắt tay với hệ thống cửa hàng tiện lợi, chuỗi bán lẻ, siêu thị... chứ không phải chợ truyền thống. Grab Việt Nam đặt mục tiêu sẽ tăng số lượng tiểu thương tại 3 thành phố này lên gấp 10 lần trước thời điểm cuối năm 2021.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới