Hủy
Tạp chí số 805

Khối ngoại trở lại

Hải Minh Thứ Ba | 29/11/2022 14:00

Trong 1 năm qua, quỹ Fubon đã rót vào thị trường chứng khoán Việt Nam hơn 260 triệu USD và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Ảnh: Quý Hòa.

Từ đầu năm 2022 nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 8.100 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
 

Khi tâm lý trở nên cùng cực, nhà đầu tư cá nhân chọn rời bỏ thị trường chứng khoán, đó lại là lúc khối ngoại mua mạnh trở lại.

Nội bán, ngoại mua

Thống kê của FiinTrade từ đầu năm 2022 cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 8.100 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cá biệt trong tháng 11, khối ngoại đã mua ròng kỷ lục gần 7.800 tỉ đồng, mức cao nhất kể từ đầu năm. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cá nhân trong nước lại bán ròng hơn 11.000 tỉ đồng.

 

Nếu thường xuyên quan sát diễn biến thị trường, dễ nhận thấy nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân thường bán ròng ở những phiên giảm điểm, ngược lại khối ngoại thường mua ròng mạnh khi thị trường giảm sâu.

Động thái trái ngược này diễn ra trong bối cảnh VN-Index liên tục lao dốc, gần 40% kể từ đỉnh. Đà giảm này đã đẩy nhiều cổ phiếu về vùng giá thấp nhất trong lịch sử. Khối ngoại lúc này nhìn thấy cơ hội và mua ròng liên tục, còn nhà đầu tư cá nhân gần như rơi vào trạng thái tâm lý cùng cực, dẫn đến bán tháo không ngừng.

Trong nhóm nhà đầu tư nước ngoài, có lẽ đáng chú ý nhất là Fubon FTSE Vietnam ETF của Đài Loan. Số liệu từ SSI Research cho thấy quỹ Fubon vẫn đang duy trì tốc độ giải ngân liên tục từ đầu năm. Tính riêng tháng 10, quỹ này đã mua ròng hơn 1.300 tỉ đồng giá trị cổ phiếu Việt Nam. Còn theo thống kê của Công ty Chứng khoán KIS, trong 1 năm qua, quỹ Fubon đã rót vào thị trường chứng khoán Việt Nam hơn 260 triệu USD và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, đặc điểm của nhà đầu tư nước ngoài là họ “chạy nhưng sẵn sàng quay trở lại”, khác với đặc điểm “chạy mất hút” của nhà đầu tư Việt Nam. Khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, nhà đầu tư ngoại sẽ quay trở lại mạnh mẽ và nhanh chóng.

"Nhà đầu tư nước ngoài sẽ luôn vừa chạy vừa ngoảnh lại, không bao giờ chạy quá xa như mình, chạy hụt hơi rồi cuối cùng không quay lại kịp. Đây là một tâm lý thị trường rất quan trọng mà nhà đầu tư nên nhớ", ông Nghĩa nói.

không loại trừ kịch bản khối ngoại sẽ quay lại vị thế dẫn dắt trên thị trường chứng khoán, nhất là trong bối cảnh thị trường Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Quý Hòa.
Không loại trừ kịch bản khối ngoại sẽ quay lại vị thế dẫn dắt trên thị trường chứng khoán, nhất là trong bối cảnh thị trường Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Quý Hòa.

Khối ngoại trở lại dẫn dắt?

Trong giai đoạn tiền rẻ 2020-2021, khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ngưng trệ, cách ly, đóng cửa khiến dòng tiền thời điểm đó chỉ có thể tìm đến chứng khoán để “giải vây”. Tính đến cuối tháng 10/2022, số lượng tài khoản chứng khoán đã đạt mốc 6,7 triệu tài khoản, gấp hơn 2.000 lần con số của năm 2000, trong đó chủ yếu là tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Hiện tượng doanh nghiệp lẫn người dân đua nhau đầu tư chứng khoán khiến tổng dòng tiền trong nước trên thị trường tăng đột biến, làm lu mờ dòng tiền của khối ngoại.

Trong khi đó, nhìn lại quá khứ, hoạt động của nhà đầu tư ngoại từng nhiều lần dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam. Giai đoạn 2017-2018, nhà đầu tư ngoại mua ròng, thị trường đi lên, ngược lại khi khối ngoại bán ròng, thị trường đi xuống. Hay thời điểm trước COVID-19, động thái mua/bán hằng ngày của khối ngoại từng là một chỉ báo quan trọng của nhiều nhà đầu tư trong nước.

 

Với đà mua ròng liên tục từ đầu năm, cùng xu hướng rời bỏ thị trường của nhà đầu tư cá nhân trong nước, không loại trừ kịch bản khối ngoại sẽ quay lại vị thế dẫn dắt trên thị trường chứng khoán, nhất là trong bối cảnh thị trường Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết: “Người nước ngoài đánh giá rất cao triển vọng tài chính của Việt Nam trong tương lai. Sự đánh giá đấy là rất đúng với góc nhìn dài hạn của họ khi chính trị ổn định, xã hội ổn định, dân tộc, tôn giáo đoàn kết và không tạo ra rủi ro về xung đột ở đây”.

Không chỉ thị trường chứng khoán mà thị trường M&A tại Việt Nam cũng đang hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Ông Soon Su Long, CEO của Maybank Việt Nam, cho rằng: “Đối với xu hướng mua bán, sáp nhập tại thị trường Việt Nam, trong bối cảnh hiện tại, đúng là các nhà đầu tư nước ngoài rất hứng thú với thị trường Việt Nam, bởi vì họ tin vào viễn cảnh dài hạn và nền tảng cơ bản rất tốt của nền kinh tế".
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới