Hủy
Tạp chí số 805

Bệ đỡ của “vua thép”

Vũ Hoài Thứ Hai | 28/11/2022 14:00

Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát sẽ được cải thiện dần từ quý IV nhờ giá thép được dự báo sẽ ổn định hơn. Ảnh: TL.

Từ con số lỗ rất lớn của Hòa Phát vẫn nhìn ra những tín hiệu tích cực dài hạn của ngành thép nói chung.
 

Tập đoàn Hòa Phát báo cáo lợi nhuận sau thuế trong quý III/2022 đã âm 1.786 tỉ đồng. Kể từ năm 2008, đây là lần thứ 2 doanh nghiệp thép báo lỗ, con số lần này lớn hơn rất nhiều. Công ty phải đi đến quyết định khó khăn là đóng cửa 4/7 số lò cao của mình.

Con số này đúng với nhận định của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, tại Đại hội đồng cổ đông vào cuối tháng 5: “Lúc này, ngành thép đang không thuận lợi. Đợi 2 tháng nữa là có kết quả kinh doanh quý II/2022, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”.

 

Thua lỗ của Hòa Phát là điển hình của khó khăn mà ngành thép đang đối mặt. Lạm phát, chi phí tăng cao khiến sản lượng thép toàn cầu giảm mạnh. Sản lượng thép thô thế giới của 64 quốc gia báo cáo với Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel) là 158,1 triệu tấn trong tháng 6/2022, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đặt trong bối cảnh vĩ mô nhiều bất lợi, cùng với khó khăn của toàn ngành, nhiều doanh nghiệp thép cũng lao đao. Thép Nam Kim (mã NKG) và Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) cũng ghi nhận mức giảm lần lượt 83,6% và 94,1% về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022. 

Dự báo thị trường thép trong nước quý IV/2022 sẽ tiếp tục khó khăn. Theo đánh giá của SSI Research, nhu cầu có thể tiếp tục suy yếu ở cả kênh xuất khẩu và nội địa. Nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm 2,3% vào năm 2022 trước khi phục hồi nhẹ 1% vào năm 2023. 

Công ty Chứng khoán VCBS thì nhận định giá thép có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2023, chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc khi kỳ vọng các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu quả. Cùng với đó, Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa giúp nhu cầu tiêu thụ sắt thép ổn định trở lại và đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế.

Bảng cân đối kế toán lành mạnh với lượng tiền mặt dồi dào cũng có thể giúp Hòa Phát gia tăng thị phần trong giai đoạn giá thép giảm. Ảnh: TL.
Bảng cân đối kế toán lành mạnh với lượng tiền mặt dồi dào cũng có thể giúp Hòa Phát gia tăng thị phần trong giai đoạn giá thép giảm. Ảnh: TL.

Tín hiệu tích cực của ngành thép bắt đầu xuất hiện từ tháng 9 khi các nhà máy 3 lần tăng giá bán liên tiếp. Tháng 10, sản lượng xuất khẩu thép ở mức 444.086 tấn, giảm 34,1% so với năm ngoái nhưng tăng 51% so với tháng trước nhờ sản lượng xuất khẩu thép cuộn tăng đột biến 186.374 tấn, tăng 81,3% so với năm ngoái và tăng 193% so với tháng trước. 

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II, Hòa Phát cho rằng: “Giá nguyên liệu hạ nhiệt trong quý III sẽ được phản ánh vào giá thành và góp phần cải thiện biên lợi nhuận của quý IV”. Theo thông lệ mọi năm, quý IV được xem là thời điểm sôi động của thị trường bất động sản. Các công trình cũng đẩy nhanh tiến độ để kịp bàn giao trước cuối năm.

 

“Với Hòa Phát, lợi thế là quy mô lớn, do đó việc hoạt động tối đa công suất vẫn là tốt nhất để tối ưu chi phí.  Trong giai đoạn này, Hòa Phát vẫn phải sản xuất hết công suất và tăng cường công tác bán hàng”, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, cho biết.

Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát sẽ được cải thiện dần từ quý IV nhờ giá thép được dự báo sẽ ổn định hơn trong những tháng cuối năm trong khi giá nguyên liệu đầu vào liên tục giảm. Về dài hạn, Khu liên hợp Dung Quất 2 được dự kiến đi vào hoạt động từ cuối 2024 sẽ giúp Hòa Phát lọt vào Top 30 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới với công suất 14,6 triệu tấn, tăng 66% so với hiện nay. Vị thế hàng đầu của Hòa Phát trong ngành thép Đông Nam Á sẽ giúp Công ty hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng mạnh mẽ ở cả mảng dân dụng và cơ sở hạ tầng.

Bảng cân đối kế toán lành mạnh với lượng tiền mặt dồi dào cũng có thể giúp Hòa Phát gia tăng thị phần trong giai đoạn giá thép giảm. Công ty có lượng mặt lớn, đạt gần 40.000 tỉ đồng tại thời điểm cuối quý III. Nguồn tiền mặt dồi dào này giúp Công ty chủ động thực hiện các dự án lớn, đặc biệt là dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.

SSI Research dự báo trong năm 2023 lợi nhuận của Hòa Phát sẽ tăng 11% lên 24.000 tỉ đồng nhờ sản lượng các dòng sản phẩm thép chủ đạo tăng 9% và tỉ suất lợi nhuận gộp ổn định trở lại. “Chúng tôi tin rằng Hòa Phát sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng tích cực, mặc dù thị trường đang chững lại, vì Công ty đang dần chiếm thêm thị phần”, SSI Research dự báo.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới