Bán rơm trên Amazon
Mỗi cuộn rơm 20-22 kg có giá từ 20.000-30.000 đồng, tạo ra được 50-60 hộp sản phẩm Ảnh: shutterstock.com.
Khi ngồi uống cà phê với một người bạn nước ngoài, năm 2018 Nguyễn Xuân Tài được bạn cho xem bức ảnh về sản phẩm “firelighter” - mồi nhóm lửa, vốn được bán nhiều tại các quốc gia Bắc Âu, Bắc Mỹ. Anh phát hiện ra, firelighter có trên thị trường từ lâu và được tạo nên từ mạt gỗ bào hoặc giấy vụn nghiền, nhưng chưa ai bán firelighter làm bằng rơm. Đây là thời khắc khởi sinh ý tưởng sản phẩm Eco Firelighter do Công ty Cổ phần Ulstraw của Tài sản xuất.
“Ul” viết tắt cho “ultra”, còn “straw” là rơm. “Ulstraw” mang ý nghĩa “siêu rơm”. Rơm khác biệt so với chất liệu khác. Thứ nhất, rơm có đặc tính xốp, mềm, dễ bắt cháy. Thứ 2, rơm luôn sẵn có ở quốc gia sản xuất gạo hàng đầu thế giới như Việt Nam với chi phí rất rẻ, nhiều khi rơm được coi như rác. Vốn là kỹ sư cơ khí, Tài quyết định tự thiết kế dây chuyền, mở xưởng sản xuất mồi lửa rơm tại quê nhà Yên Định (Thanh Hóa).
Giá trị của rác
Theo quy trình, rơm được thu mua từ nông hộ hoặc công ty thu gom trung gian với độ ẩm dưới 20%. Sau đó, nguyên liệu được đưa vào máy nghiền chuyên dụng để tạo rơm có kích thước phù hợp. Rơm nghiền xong sẽ được trộn với sáp theo tỉ lệ, rồi đưa vào khuôn ép. Khi khuôn ép rơm cứng lại, sẽ được cắt thành các thỏi mồi lửa và cho vào hộp đóng gói thành phẩm. Đến giữa năm 2020, sản phẩm mồi lửa làm từ rơm được hoàn thiện, với thời gian cháy kéo dài tới 13 phút. Nhưng không may, dịch COVID-19 ập đến sau đó khiến kế hoạch bán hàng của Tài bị trì hoãn đến giữa năm 2023.
Tháng 11/2023, Ulstraw tham gia cuộc thi Social Business Creation tại Canada. 150 đội thi đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cùng đấu vòng loại. Tiêu chí là sản phẩm hướng đến các vấn đề xã hội cấp thiết và có thị trường tiêu thụ đủ lớn nhằm giải quyết vấn đề. Đây là sân chơi để kiểm thử mô hình kinh doanh và Ulstraw đã thắng giải Best Social Business Startup. Dự án có thêm tự tin thương mại hóa sản phẩm.
Tài đưa ra con số, mỗi cuộn rơm 20-22 kg có giá từ 20.000-30.000 đồng, tạo ra được 50-60 hộp sản phẩm. Hiện Eco Firelighter đang bán với giá 20 USD/hộp/100 miếng và 14 USD/hộp/50 miếng trên sàn thương mại điện tử Amazon (giá tương đương với các mồi lửa khác chất liệu). Như vậy, bán hết số lượng sản phẩm làm từ một cuộn rơm, doanh thu vào khoảng 18 triệu đồng.
Ngoài lợi ích kinh tế, Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) còn ước tính, mỗi tấn rơm được Ulstraw dùng để tạo ra sản phẩm sẽ giảm phát thải khoảng 3,5 tấn CO2. Tính toán này dựa trên việc sản phẩm sẽ tiết kiệm nguyên liệu gỗ làm mồi lửa và hạn chế tình trạng đốt rơm rạ tại các vùng nông thôn Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam có lượng rơm khoảng 40 triệu tấn/năm. Trong đó, hơn 50% rơm bị đốt trên cánh đồng; 30% được xử lý bằng cách vùi xuống đất. Một nghiên cứu cho thấy, nếu đốt 40 triệu tấn rơm rạ sẽ sinh ra khoảng 50 triệu tấn khí thải. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, việc đốt rơm còn làm biến đổi thành phần cơ giới của đất, gây kiệt đất.
Tiền đâu?
Nguồn rơm rạ trong nước dồi dào và chưa được tận dụng tối đa là lợi thế cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất cho Ulstraw. Dẫu vậy, do nguồn lực eo hẹp, Tài và cộng sự chọn phân phối sản phẩm qua kênh online trước, chỉ bán xuất khẩu trên Amazon. Từ đây, họ thu thập phản hồi thị trường, lấy dữ liệu doanh thu để đàm phán với nhà phân phối khác, xây dựng kênh bán lẻ. Ulstraw không muốn tương lai phụ thuộc hoàn toàn vào một kênh duy nhất.
Từ chối nói về doanh thu bán hàng ở giai đoạn sơ khởi nhưng vào cuối tháng 5/2024, khi mới tung sản phẩm trên Amazon và chạy chiến dịch quảng cáo, Ulstraw đã tiêu thụ được 400 hộp sản phẩm/ngày lúc cao điểm. Điều này cho thấy mồi lửa bằng rơm Việt là sản phẩm có tiềm năng dù sẽ phải đối mặt với nhiều firelighter ngoại đã có mặt từ lâu trên thị trường.
Trong kế hoạch kinh doanh của mình, Tài đặt niềm tin, nếu mời gọi được nhà đầu tư phù hợp, tập trung thêm vốn cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, mở rộng kênh phân phối, Eco Firelighter có thể đạt doanh thu khoảng 2,8 triệu USD trong giai đoạn 2025-2026. Chưa dừng lại ở đó, startup này còn có ý định làm viên nén tạo nhiệt bằng rơm để thay thế viên nén gỗ; sản xuất chống xóc bằng rơm, dùng bọc đồ điện tử. Tuy nhiên, 2 nhóm sản phẩm này yêu cầu nguồn lực lớn nên chưa thể thực hiện ngay. “Eco Firelighter là mồi lửa và tôi cũng mong nó mồi cho startup của mình”, nhà sáng lập 8x của Ulstraw hy vọng.
Nguồn lực tài chính là rào cản lớn lúc này. Tài có thể tiết kiệm chi phí khi tự thiết kế máy sản xuất cho nông dân sử dụng, nhưng chi phí xây dựng hình ảnh sản phẩm, bán hàng ở các thị trường lại ngốn nhiều tiền. Nếu không tính các khoản chi vụn vặt, Tài đã bỏ ra khoảng 1 tỉ đồng cho startup của mình. Anh thừa nhận, đến bây giờ, chính gia đình vẫn chưa tin tưởng cho quyết định khởi nghiệp với những cọng rơm vàng. “Sau tất cả, tiền thu về được bao nhiêu?”, đây là câu hỏi mọi người dành cho Tài.
“Trong gia đình hay ngoài xã hội, con người chưa chắc đã dành đủ kiên nhẫn cho nhau. Vậy nên tôi đang phải kiên nhẫn với bản thân mình. Không phải cứ dành thời gian, công sức là sẽ thành công. Startup của tôi cũng có thể sẽ thất bại trong tương lai. Điều này khó chấp nhận nhưng không phải là thảm họa”, Tài nói với NCĐT và cho biết anh đang tìm thêm đối tác ở khu vực phía Nam.
Dù rất muốn người Việt đầu tư vào Ulstraw nhưng Tài nhận thấy không có nhiều nhà đầu tư mạo hiểm nội địa có thể đi đường dài cùng mình. Họ muốn đầu tư số tiền nhỏ nhưng nắm tỉ lệ sở hữu lớn. Họ muốn rót tiền vào là có lời ngay nhưng startup trong giai đoạn đầu lại thường không có lãi, thậm chí lỗ. Do không thể thương thuyết với nhiều nhà đầu tư nội, nhà sáng lập của Ulstraw đã chuyển sang đàm phán với các nhà đầu tư ngoại.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Lam Ngọc
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thanh Hằng