Hủy
Người Tiên Phong

CEO HSBC nhìn về ngân hàng nội

Việt Dũng Thứ Năm | 28/12/2017 14:30

Nhịp Cầu Đầu Tư đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam.
 

Đi cùng với đà tăng trưởng kinh tế, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự thăng trầm của những ngân hàng nội địa. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng ngoại tiếp tục góp mặt ngày một nhiều hơn. Dù vậy, khối ngoại cũng đã có sự điều chỉnh chiến lược đáng kể bằng cách rút lui khỏi những mối quan hệ cổ phần hay chuyển hướng tập trung bán lẻ. Các ngân hàng nội địa ngày nay không chỉ lo tái cơ cấu hoạt động kinh doanh mà còn chịu sức ép chuyển mình từ khối ngoại. NCĐT phỏng vấn ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, để tìm hiểu về tương lai thị trường ngân hàng dưới góc nhìn của một ngân hàng quốc tế có bề dày hoạt động tại thị trường Việt Nam.

* Gần đây, các ngân hàng ngoại đã biến động đáng kể. Ông đánh giá gì về việc này?

Việt Nam hiện là một ngôi sao sáng ở châu Á do các yếu tố cơ bản hấp dẫn đối với đầu tư như tăng trưởng kinh tế và tình hình chính trị - xã hội ổn định, dân số trẻ và năng động, Chính phủ cởi mở, với tư duy ủng hộ phát triển và mở cửa hội nhập kinh tế thông qua hàng hoạt hiệp định thương mại. Với những yếu tố này, Việt Nam đang tiếp tục thu hút mạnh đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả tài chính ngân hàng.

Theo thống kê, hiện có hơn 50 tổ chức tín dụng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Số lượng 90 ngân hàng tại Việt Nam (cả nội và ngoại) hiện nay là khá nhiều, đặc biệt là các ngân hàng ngoại. Có đến 50 ngân hàng ngoại nhưng thị phần chiếm chưa đến 10%. Đa phần các ngân hàng nước ngoài phục vụ nhóm khách hàng doanh nghiệp từ quốc gia của họ và một số ngân hàng đặt mục tiêu phát triển thêm mảng bán lẻ.

Nhiều ngân hàng ngoại tham gia vào thị trường Việt Nam với kỳ vọng đây là thị trường tăng trưởng cao và còn nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, quy mô vốn và hoạt động còn nhỏ nên ảnh hưởng đến khả năng cung cấp tín dụng và nhu cầu sản phẩm tài chính đa dạng của khách hàng. Thị trường tài chính tại Việt Nam lại rất cạnh tranh, dẫn tới một số ngân hàng ngoại đang phải xem xét lại chiến lược để tìm chỗ đứng trên thị trường và sử dụng đồng vốn đầu tư một cách hiệu quả.

Riêng với HSBC, mục tiêu và chiến lược tại Việt Nam không thay đổi với 2 nhánh kinh doanh quan trọng bao gồm dịch vụ tài chính doanh nghiệp và dịch vụ tài chính cá nhân. Chúng tôi kết nối khách hàng với thị trường mà họ muốn hướng tới hoặc tạo thuận lợi cho giao thương của khách hàng ở hai đầu của thị trường, đáp ứng nhu cầu tài chính của những cá nhân cần giao dịch quốc tế. Chúng tôi vẫn tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đa quốc gia tham gia đầu tư vào Việt Nam và đồng hành cùng các công ty nội địa vươn ra thế giới.

* Theo ông, hệ thống ngân hàng nội địa Việt Nam đã thay đổi như thế nào để thích ứng với bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay?

Đứng trước những thay đổi của thời cuộc và áp lực cạnh tranh trên thị trường, bản thân các ngân hàng nội địa cũng thay đổi và đó là những thay đổi tích cực.

Các ngân hàng ngày càng nhận thức được rằng uy tín của tổ chức được khẳng định thông qua các đánh giá độc lập đang đóng vai trò ngày càng quan trọng. Chúng ta đang chứng kiến các ngân hàng nội địa tích cực thu hút nhân sự chất lượng cao, trong đó có những người có nhiều kinh nghiệm quốc tế.

Họ ngày càng tập trung hơn vào việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ để bắt kịp nhu cầu của khách hàng. Một số ngân hàng hàng đầu đang đầu tư xây dựng các sản phẩm hỗ trợ thương mại, đầu tư, các giải pháp quản lý tài sản và nâng cao chất lượng tư vấn khách hàng thay vì chỉ chú trọng vào tiền gửi và cho vay truyền thống như trước đây. Các ngân hàng nội địa cũng nhanh nhạy và linh hoạt trong việc triển khai số hóa.

Trong khi khối ngân hàng nước ngoài có thế mạnh về các sản phẩm phức tạp được kiểm chứng qua nhiều thị trường, cùng mạng lưới và những mối quan hệ quốc tế thì các ngân hàng nội lại sở hữu ưu thế về mạng lưới chi nhánh và mối quan hệ được xây dựng từ lâu với cộng đồng địa phương.

Một điều chắc chắn là sự tham gia tích cực của các ngân hàng nước ngoài bên cạnh các ngân hàng nội địa sẽ thúc đẩy cạnh tranh, giúp người tiêu dùng hưởng lợi nhiều hơn và góp phần phát triển ngành ngân hàng. Dù là ngân hàng nội hay ngoại thì để thành công, các ngân hàng đều phải thấu hiểu khách hàng, nâng cấp và đa dạng hóa danh mục sản phẩm và dịch vụ, chủ động cải tiến quy trình để có thể phục vụ tốt nhất cho phân khúc khách hàng mà họ lựa chọn.

* Riêng với HSBC Việt Nam, ông nhìn thấy cơ hội nào trong thời gian tới?

Tại Việt Nam, cơ hội cho ngành ngân hàng đến từ tăng trưởng kinh tế ổn định, những cải thiện về hạ tầng, điều kiện nhân khẩu học thuận lợi và việc Chính phủ tiếp tục tập trung cải cách để hỗ trợ cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

CEO HSBC nhin ve ngan hang noi
 

Việt Nam đang có nhiều dự án lớn nhằm phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm các tuyến đường cao tốc, hệ thống tàu điện, sân bay và nhà máy năng lượng, mở ra nhiều cơ hội lớn cho thị trường cơ sở hạ tầng trong đó đầu tư từ khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng. Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng toàn diện là một trong những trọng tâm của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường tính cạnh tranh của quốc gia. Theo thống kê của Chính phủ, Việt Nam cần khoảng 48 tỉ USD đến năm 2020 để phát triển hạ tầng giao thông. Để đáp ứng nhu cầu này, trước sức ép tài khóa, Việt Nam khuyến khích mô hình hợp tác công tư kêu gọi vốn từ khu vực tư nhân. Đây chính là cơ hội cho chúng tôi.

Thứ hai là lĩnh vực thanh toán phi tiền mặt. Các giải pháp điện tử cho doanh nghiệp và thanh toán phi tiền mặt cho cá nhân sẽ là một lĩnh vực sôi động mà HSBC đã chuẩn bị sẵn sàng để tạo được chỗ đứng trên thị trường. Một lĩnh vực đầy tiềm năng khác là bảo hiểm với sự tăng trưởng của mô hình bancassurance.

Thêm nữa, hoạt động mua bán và sáp nhập sẽ tiếp tục phát triển, nhờ các cải cách nhằm thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tổng giá trị M&A của 6 tháng đầu năm 2017 đã đạt 1,62 tỉ USD với 102 thương vụ. Thị trường sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới, với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư từ Nhật, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, dự kiến giai đoạn 2016-2020 sẽ có gần 500 doanh nghiệp nhà nước tiến hành IPO với tổng giá trị huy động vốn vào khoảng 1,8 tỉ USD. M&A trong lĩnh vực công nghệ, mặc dù hiện tại giá trị còn khá khiêm tốn, nhưng với sự nổi lên của các công ty khởi nghiệp, sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút nhà đầu tư trong tương lai.

Thẻ tín dụng tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn cho dù cạnh tranh ngày càng cao, vì thẻ tín dụng mới chỉ chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn trong tổng số lượng thẻ ngân hàng trên thị trường. HSBC đã sớm đầu tư vào mảng thẻ ngân hàng như thẻ tín dụng, thẻ thanh toán quốc tế. Và chúng tôi cũng tiếp tục ưu tiên tự động hóa các quy trình ngân hàng và dịch vụ khách hàng, bằng cách ứng dụng các giải pháp số hóa được phát triển bởi Tập đoàn và nghiên cứu hợp tác với các fintech địa phương.

Đây cũng là điểm đáng chú ý khác với sự thay đổi đáng kể về nhu cầu khách hàng. Cũng giống như những diễn biến trên toàn cầu, người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là người trẻ, ngày càng có xu hướng đánh giá cao sự trải nghiệm bên cạnh sở hữu sản phẩm và họ cũng đang chịu tác động mạnh mẽ của sự phát triển vượt bậc về công nghệ.

Điều này thách thức các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư vào sản phẩm và dịch vụ theo hướng làm sao để tối ưu hóa trải nghiệm cho người tiêu dùng. Bản thân các doanh nghiệp, trong kỷ nguyên số hóa, hơn lúc nào hết cũng phải thay đổi cách làm việc theo hướng cải tiến quy trình, nâng cao năng suất và tính minh bạch mới có thể đạt được thành công.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới