Hủy
Người Tiên Phong

Chất lượng cuộc sống của người Việt đang nằm ở đâu?

Thứ Ba | 05/04/2016 08:30

Việt Nam có khả năng nâng chất lượng sống của người dân ngang bằng với các quốc gia có GDP đầu người ở mức 10.000 USD.
 

Mùa hè 10 năm trước tại Brussels (Bỉ), người viết theo chân một vị giáo sư người Pháp tham gia Hội thảo thế giới về Phát triển kinh tế bền vững. Bên lề hội nghị, các nhà khoa học đầu ngành đã thảo luận sôi nổi về một hiện tượng kinh tế đặc biệt. Ðó là sự kiện mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam đứng thứ 2 toàn cầu, đạt đỉnh 8,5% vào năm 2007.

Một thập niên trôi qua từ cú hích mang tên WTO, nền kinh tế Việt Nam đang tiến vào một chu kỳ tăng trưởng với những cơ hội mở ra từ TPP và AEC. GDP quốc gia cũng đã tăng trưởng gấp đôi về giá trị, từ 75 tỉ USD (năm 2007) lên quanh mức 220 tỉ USD (dự kiến năm 2016). Mới đây, Bloomberg cho rằng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,6% trong năm nay, đứng thứ 2/93 nền kinh tế toàn cầu chỉ sau Ấn Độ. Bên cạnh đó, những băn khoăn của các chuyên gia kinh tế khi xưa đã được cải thiện.

Theo đó, ông Chris Malone, chuyên gia cố vấn phát triển kinh tế tại Việt Nam, cho biết nước ta hiện đang ở vị trí thứ 4/149 quốc gia về năng lực chuyển đổi mức độ thịnh vượng kinh tế sang chất lượng cuộc sống của người dân. Kết quả này được trích từ nghiên cứu do BCG (Mỹ) thực hiện độc lập, dựa trên kết quả phân tích của công cụ Đánh giá Phát triển Kinh tế Bền vững (SEDA).

Nghiên cứu trên được xem là đáng tin cậy khi tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa 3 yếu tố chủ chốt của sự thịnh vượng quốc gia, bao gồm thịnh vượng về kinh tế (thu nhập, ổn định kinh tế, việc làm), phát triển bền vững (chất lượng môi trường, liên kết nhóm, hiệu quả quản lý hành chính, phân phối thu nhập) và hiệu quả đầu tư (y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng). Công cụ SEDA còn phân tích chéo, đối chiếu với kho lưu trữ khổng lồ của BCG trong suốt nửa thế kỷ tại trên 50 quốc gia.

Trong nghiên cứu này, Việt Nam được so sánh với bốn quốc gia ASEAN có GDP cao nhất trong nhóm thu nhập trung bình ở Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan (nhóm ASEAN 4). Tuy có chỉ số GDP đầu người chỉ đạt gần 5.200 USD, nhưng Việt Nam lại thuộc nhóm các quốc gia có biểu đồ phát triển ổn định, có khả năng nâng chất lượng sống của người dân ngang bằng với các quốc gia có GDP đầu người ở mức 10.000 USD.

“Dù điều kiện còn hạn chế, Việt Nam đã có được những thành công đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi tăng trưởng kinh tế thành chất lượng cuộc sống khi so sánh với các quốc gia có thu nhập cao hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa nếu xét đến đà tăng trưởng kinh tế khá cao của Việt Nam, khoảng 7,1%/năm trong giai đoạn 2006-2013”, ông Chris Malone khẳng định.

Hàng loạt những phân tích về nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây cũng đều cho thấy nhiều dấu hiệu đầy triển vọng. Cuối năm ngoái, Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 do WEF công bố cho thấy Việt Nam là quốc gia có mức tăng hạng mạnh mẽ nhất, đứng thứ 6 tại Đông Nam Á và xếp thứ 56/140 trên toàn cầu, tăng 12 bậc so với trước đó.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít thách thức sẽ cản trở việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt. Trong đó, 3 lĩnh vực chính Việt Nam cần giải quyết gồm lao động, việc làm; cơ sở hạ tầng; lĩnh vực dịch vụ và quản trị công.

Cụ thể, điểm SEDA của Việt Nam về mức thu nhập, cơ sở hạ tầng, quản trị công và môi trường hiện tương đương với mức điểm thấp nhất của ASEAN 4. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực này, bao gồm năng suất lao động thấp và thiếu hụt đáng kể nhân công lành nghề. Ðây là những yếu tố đang tạo nên thách thức cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Hiện nay, năng suất lao động Việt  thấp hơn so với các nước trong khu vực, đặc biệt chỉ bằng 1/15 so với Singapore. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á - Thái Bình Dương.

Thực tế, năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp hơn so với các quốc gia có trình độ phát triển tương đương. Sản lượng trên một lao động ở Việt Nam đạt khoảng 5.300 USD (năm 2012), chỉ bằng 60% so với Philippines. Điều này không chỉ xuất phát từ hệ thống sản xuất thiên về các sản phẩm giá trị gia tăng thấp, mà còn từ lực lượng lao động kém hiệu quả. Năng suất thấp sẽ tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng, khi Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ lao động giá rẻ và dồi dào ở Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ hay Lào.

Theo Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục quốc gia, chỉ số tổng hợp về chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 trên tổng thang điểm 10, thua kém nhiều so với các nước trong khu vực và châu Á. Trong đó, sự thành thạo về tiếng Anh và các công nghệ cao của người lao động nước ta chỉ đạt 2,62 và 2,50 điểm, xếp hạng cuối trong 10 nước ASEAN.

Vì thế, trước mắt, những hành động cụ thể cần được triển khai để nâng cao năng lực cho thị trường lao động. Điều căn bản nhất là cần tiến hành xây dựng mối liên kết cung và cầu giữa các ngành công nghiệp và những tổ chức giáo dục đào tạo, tổ chức hướng nghiệp cho những người trẻ tới các lĩnh vực có nhu cầu lao động cao.

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, để duy trì đà phát triển kinh tế cũng như khả năng cạnh tranh với các nước trong  khu vực tới năm 2020, Việt Nam sẽ cần đầu tư từ 113-143 tỉ USD. Tuy nhiên, nguồn ngân sách công hiện nay chỉ có thể đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu đầu tư hạ tầng này.

Mới đây, Tổ chức Minh bạch Quốc tế vừa công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2015. Trong đó, điểm số của Việt Nam tiếp tục là 31/100 điểm, đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Thực tế này cho thấy trong vòng 4 năm liên tiếp, Việt Nam không hề cải thiện. Nâng cao năng lực quản trị công là một yếu tố rất quan trọng và Việt Nam chắc chắn buộc phải vượt qua thách thức để thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này đòi hỏi nước ta cần tăng cường tính minh bạch trong quản trị, thông qua triển khai các công cụ kỹ thuật số.

Minh Nguyệt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới