Hủy
Người Tiên Phong

Hành trình của đồng bạc xanh

Thứ Hai | 30/11/2015 10:55

Bạn có bao giờ thắc mắc rằng đồng bạc USD được in tại Mỹ đã đi qua hành trình như thế nào để đến tay bạn tại Việt Nam?
 

7 giờ sáng ở khu ngoại ô Manhattan, Những chuyến xe tải màu đỏ, bọc thép có hàng chữ vàng “Dumbar Armored” nối đuôi nhau chạy xuyên qua các tuyến phố sầm uất của New York. Được đặt dưới chế độ an ninh tuyệt mật, chúng chuyên chở một loại hàng đặc biệt. Ðó là những đồng bạc xanh USD. Trải qua trung bình 570 âm mưu tấn công mỗi năm, một vài trong số những chiếc xe này sẽ chạy thẳng ra sân bay, nơi máy bay chuyên dụng đợi sẵn để đưa những đồng tiền này tới nhiều trung tâm tài chính khác nhau trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Vì sao tiền USD lại có sức mạnh thống trị thế giới đến như vậy? Trước khi chế độ bản vị vàng sụp đổ và ngay từ Thế chiến thứ I, Mỹ đã nắm giữ 3/4 trữ lượng toàn cầu được dự trữ tại các nhà băng nước này. Theo đó, chính sách tỉ giá hối đoái cố định, tức gắn giá trị USD với vàng, được Mỹ duy trì theo hệ thống Bretton Woods đã kéo dài đến tận năm 1971. Lúc này, Tổng thống Nixon mới tuyên bố áp dụng chính sách tỉ giá hối đoái thả nổi.

Ngày nay, đồng bạc xanh chiếm đến hơn 60% tỉ trọng các loại tiền tệ đang lưu thông trên toàn cầu. Tổng trị giá của lượng tiền mặt đang lưu hành hiện nay trên khắp thế giới là 1.400 tỉ USD. Quốc gia đứng đầu và chiếm tới 33% tổng lượng dự trữ USD là Trung Quốc với hơn 3.500 tỉ USD, gồm cả tiền mặt lẫn chuyển khoản.

Đồng USD ở Việt Nam

Tiền mặt USD được người Việt coi là loại hàng hóa đặc biệt và có giá trị cao, nên phải trải qua hành trình nhập khẩu phức tạp từ Mỹ. Căn cứ trên nhu cầu thanh toán tiền mặt USD của khách hàng, từng ngân hàng thương mại sẽ lên kế hoạch nhập khẩu cụ thể. Nhu cầu sử dụng đồng bạc xanh thường xuất phát từ nhóm doanh nghiệp thanh toán hàng nhập khẩu, hoặc cá nhân du lịch nước ngoài hay du học.

Từng ngân hàng trong mỗi thời điểm sẽ có kế hoạch nhập khẩu hoặc xuất khẩu tiền mặt USD nhằm dung hòa các lợi ích. Đầu tiên là đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tiếp đến là để giảm thiểu chi phí lưu kho. Đây cũng được xem là một trong những nghiệp vụ sinh lời cho ngân hàng, nhất là khi họ dự báo được chính xác biến động của giá vàng hoặc tỉ giá VND/USD.

Hãy trở lại hành trình nhập khẩu tiền mặt USD. Trước giai đoạn thông quan khoảng 1 tuần, khi có nhu cầu nhập hay xuất, từng ngân hàng phải đệ trình xin phép và được sự đồng ý cấp phép chính thức từ Ngân hàng Nhà nước đối với thông tin mỗi lô hàng, gồm tổng giá trị, ngày cụ thể và đối tác nhập/xuất.

Tại Mỹ, Bank of America và American Express là 2 trong nhiều đối tác có hạn mức giao dịch với các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, sự chênh lệch về mức phí cũng như giá bán ra hoặc thu hồi về tiền giấy giấy mà các ngân hàng Mỹ đề nghị là khác nhau, vì căn cứ trên xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng đối tác.

Dù ngân hàng tại Việt Nam chỉ với khoảng 3 triệu USD tiền mặt là có thể thực hiện giao dịch xuất nhập khẩu loại ngoại tệ này, nhưng thông lệ phải là tối thiểu 10 triệu USD thì các ngân hàng mới thỏa thuận mức phí với đối tác Mỹ và tiến hành xin giấy phép. Theo chia sẻ của một nhân sự cao cấp phụ trách ngoại hối tại Việt Nam, tổng doanh số 2 chiều xuất và nhập trong năm của một ngân hàng tốp 2 thị trường thường đạt tới hơn 1 tỉ USD. Với mức chi phí xuất nhập phải trả cho các ngân hàng Mỹ trong khoảng từ 0,04-0,1%, các ngân hàng thương mại lớn luôn “cộng sinh” với các ngân hàng nhỏ hơn và trở thành trung gian giúp xin hạn ngạch và tiến hành giao dịch.

Đương nhiên, với nhu cầu ngoại tệ thanh toán luôn tăng hằng năm thì khoản thu này quả là không nhỏ. Các ngân hàng bị hạn chế nguồn kiều hối và nguồn thu từ khách hàng sẽ buộc phải “đi đường vòng” và trả thêm chi phí cho ngân hàng lớn, nhằm đảm bảo khả năng thanh toán ngoại tệ mặt. Nhu cầu này đặc biệt tăng mạnh trong những dịp cao điểm như trước Tết.

In tiền và bạc giả

Trong giai đoạn 2005-2015, tuy số lượng tiền USD trung bình mỗi năm được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) in ra là khoảng 7,5 tỉ tờ, nhưng tổng giá trị lại không ngừng gia tăng. Năm 2015, tổng giá trị tiền mặt USD đang lưu thông trên toàn cầu đạt 1.405 tỉ USD, tức tăng gấp đôi so với thời điểm 2005, khi tổng giá trị chỉ là 780 tỉ USD.

Hanh trinh cua dong bac xanh
Thống kê về hoạt động in tiền của FED

Mặt khác, do sự làm giả ngày càng tinh vi, hiện chi phí mà Cục In ấn thuộc Bộ Tài chính Mỹ (BEP) phải tiêu tốn nhằm in thêm tiền mặt hằng năm cũng đắt lên gấp 1,5 lần sau 10 năm, từ 479 triệu USD (2005) lên 718 triệu USD (2015). Trong đó, chi phí in ấn chiếm 90%. Các hoạt động khác như vận chuyển, đảm bảo chất lượng, chống tiền giả và thu hồi tiền cũ chiếm 10% còn lại.

Chi phí in tiền mặt không ngừng tăng lên này cũng lý giải một phần lý do vì sao các ngân hàng thương mại luôn niêm yết hai tỉ giá mua bán tiền mặt USD và giá mua bán USD chuyển khoản khác nhau. Thông thường, tỉ giá mua USD chuyển khoản mà các ngân hàng đưa ra luôn cao hơn tỉ giá mua tiền mặt USD, bởi họ sẽ phải chịu thêm chi phí phát sinh (phí hoán đổi ngoại tệ, phí hải quan, phí kiểm đếm, phí an ninh) nếu lưu giữ đồng bạc xanh tại Việt Nam.

Trong năm 2015, 85% lượng tiền USD in mới là dùng để thay thế tiền cũ tiêu hủy và chỉ có 15% là để đáp ứng nhu cầu kinh tế. Nguyên nhân xuất phát từ việc tuổi thọ của từng mệnh giá tiền mặt USD là không đồng đều. Đồng tiền mau phải thay mới nhất là tờ 10 USD, với chi phí in 10,3 cent cho mỗi tờ nhưng chỉ đạt tuổi thọ 4,5 năm trước khi tiêu hủy. Còn tờ 2 USD thì trở thành món hàng hiếm để người Việt tặng nhau trong dịp năm mới như ngụ ý kèm theo lời chúc sức khỏe, thành công và may mắn. Đơn giản vì tờ bạc này đã không còn được in từ năm 2009 và trở nên khan hiếm ngoài nước Mỹ.

Năm 2013, Chính phủ Mỹ đã cho in và đưa vào sử dụng 3,5 tỉ USD tiền 100 USD mới trên toàn cầu. Ðây là tờ tiền có tuổi thọ trung bình cao nhất, lên tới 15 năm. Chủ tịch FED cho biết: “Chúng tôi ước tính khoảng 2/3 số tờ giấy bạc 100 USD được lưu hành bên ngoài nước Mỹ phục vụ cho mục đích dự trữ ngoại hối của các quốc gia nắm giữ”. Cũng vì lý do này mà tờ 100 USD và 20 USD là 2 tờ tiền bị làm giả nhiều nhất trên toàn cầu.

Cũng liên quan đến tiền giả, nhiều người tin rằng Cơ quan Mật vụ Mỹ (CIA) được thành lập để bảo vệ Tổng thống, vì cơ quan này được thành lập chỉ 2 tuần sau khi Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát. Tuy nhiên, nhiệm vụ trọng tâm ban đầu của CIA là chống nạn làm tiền USD giả. Nguyên do là thời Tổng thống Lincoln còn tại vị, 1/3 tiền tệ lưu thông ở Mỹ được cho là giả.

Minh Nguyệt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới