Hủy
Người Tiên Phong

Làm gì để thu hút chuyên gia nước ngoài?

Hoàng Quân Thứ Tư | 11/10/2017 08:00

Quý Hòa

Có đến 79% các chuyên gia nước ngoài tại Việt nam nhận được các ưu đãi cộng thêm trong hợp đồng lao động.
 

Cuối năm ngoái, bảng xếp hạng top những quốc gia đáng sống nhất thế giới của trang web InterNations đề ra 5 tiêu chí đánh giá cơ bản: sự thoải mái khi tới định cư ở một đất nước hoặc vùng lãnh thổ; chất lượng cuộc sống; chi tiêu cá nhân; môi trường làm việc và khả năng ổn định và hòa nhập. Những tiêu chí này đã giúp Việt Nam vượt lên đứng thứ 11 trong danh sách những quốc gia đáng sống nhất thế giới.

Tuy nhiên, năm nay, trong một cuộc khảo sát mới của HSBC về đời sống của các chuyên gia nước ngoài - HSBC Expat Explorer 2017, những tiêu chí nói trên lại không giúp cho Việt Nam giành được ngôi vị cao. Cùng với một số tiêu chí khác, Việt Nam chỉ giành được vị trí thứ 30 trên bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về mọi mặt cho chuyên gia nước ngoài, giảm 11 bậc so với năm 2016.

Trong khi đó, Thụy Sĩ, tuy không phải là nước đứng đầu bảng về các tiêu chí đảm bảo đời sống cho các chuyên gia một cách toàn diện, nhưng lại được đánh giá cao ở 2 tiêu chí cốt lõi nhất để thu hút chuyên gia nước ngoài: mức thu nhập cao và tỉ lệ gia tăng thu nhập. Vậy so với Thụy Sĩ nói riêng và các nước đang dẫn đầu nói chung, Việt Nam đang được đánh giá ra sao?

Lam gi de thu hut chuyen gia nuoc ngoai?
 

Tính trung bình trên toàn cầu, các chuyên gia nước ngoài kiếm được 99.903USD mỗi năm và tại Thụy Sĩ, con số này gấp đôi đạt 193.006USD và là nước mà các chuyên gia nước ngoài có thể kiếm được nhiều tiền nhất. Trong khi đó, mặc dù Việt Nam chỉ mang lại mức thu nhập 88.096USD mỗi năm nhưng có đến 72% số người tiết kiệm được nhiều hơn và 67% số người đồng ý rằng thu nhập được cải thiện hơn so với khi làm việc tại quê nhà. Giá trị này cao hơn mức trung bình toàn cầu của cùng tiêu chí khi so sánh với các quốc gia khác. Cũng theo khảo sát, có 36% số người trả lời thu nhập tăng 25% từ khi bắt đầu công việc ở Việt Nam.

Với thu nhập cao và ổn định, người Việt Nam sẽ có xu hướng mua bất động sản. Xu hướng này lại không hoàn toàn thuộc về người nước ngoài bởi tỉ lệ các chuyên gia trở thành khách hàng của các công ty bất động sản khá khiêm tốn - chưa đến 1/5 (18%). Con số này chỉ bằng phân nửa so với tỉ lệ trung bình toàn cầu. Số lượng chuyên gia chưa sở hữu nhà ở, căn hộ ở Việt Nam hoặc tại quê nhà của họ lên đến 43%. Báo cáo không nêu rõ lượng khách hàng tiềm năng cho các công ty bất động sản này hiện cư ngụ tại đâu, nhưng điều này phần nào có thể lý giải được lý do các khu căn hộ cao cấp cho người nước ngoài thuê tại thị trường Việt Nam đang phát triển khá tốt.

Nhiều người vẫn hay đặt câu hỏi tại sao Việt Nam lại thu hút được nhiều chuyên gia đến sinh sống và làm việc. Đúng là theo các tiêu chí đánh giá một quốc gia đáng sống, Việt Nam là quốc gia được đánh giá mang đến hạnh phúc. Hầu hết gần 50% số người đồng tình cho rằng Việt Nam có nhiều kỳ nghỉ hơn, tận hưởng được nhiều hơn các dịch vụ như giúp việc nhà và chăm trẻ và có nơi ở tiện nghi hơn.

Là một quốc gia đang phát triển nên cơ hội còn dành cho nhóm lao động cấp cao này không hề ít, do đó đây cũng là lý do để Việt Nam thu hút được người nước ngoài có chuyên môn đến làm việc và sinh sống. Nguyên nhân chính khác được cho rằng bên cạnh một số chuyên gia phải đi theo lệnh điều chuyển của công ty, điều kiện sinh sống Việt Nam dễ thích ứng và giúp người nước ngoài có thể cải thiện được chất lượng cuộc sống. Mặc dù vậy, ở tiêu chí này Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia có tỉ lệ đồng thuận là nơi phát triển sự nghiệp cao nhất lần lượt là 73% và 70%.

Trong khi sự cạnh tranh việc làm của người dân Việt Nam khá khốc liệt, việc ứng tuyển của người nước ngoài vào các vị trí tại doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn. Đặc biệt là chế độ đãi ngộ, có đến 79% các chuyên gia nước ngoài tại Việt nam nhận được các ưu đãi cộng thêm trong hợp đồng lao động, phổ biến nhất là phụ cấp y tế và chăm sóc sức khỏe, phụ cấp chỗ ở và vé máy bay về thăm nhà hằng năm. Sự đánh giá này đều đạt tỉ lệ hơn 40-49%, cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình toàn cầu.

Hơn một nửa số chuyên gia được hỏi đều lạc quan về nền kinh tế tại các quốc gia sở tại, nhưng cũng có đến một nửa lo ngại về sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị trên thế giới. Bởi đây là 2 nguyên nhân chính có thể gây ảnh hưởng đến an toàn tài chính cá nhân. Riêng về tính ổn định chính trị, Việt Nam lại nhận thêm điểm cộng bởi có đến gần 70% các chuyên gia nước ngoài cảm thấy lạc quan về nền kinh tế. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại những hạn chế trong việc chuyển tiền quốc gia và tỉ giá ít cạnh tranh, bất ổn kinh tế thế giới sẽ phần nào ảnh hưởng đến an toàn tài chính của các chuyên gia.

Cho dù Việt Nam vẫn được xem là khá cạnh tranh trong mắt các chuyên gia nước ngoài khi xét về các yếu tố kinh tế, nhiều chính sách đãi ngộ đối với nhân tài trong công tác tuyển dụng của các doanh nghiệp nhưng chỉ có 28% các chuyên gia nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cảm nhận được chất lượng cuộc sống hiện hữu từ chăm sóc sức khỏe đến văn hóa địa phương tốt hơn so với quê nhà.

So với tỉ lệ toàn cầu là 43% thì tỉ lệ các chuyên gia đã làm cha mẹ đồng ý Việt Nam có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn so với quê nhà chỉ là 27%. Các tiêu chí khác chưa được đánh giá cao là việc hài lòng với các dịch vụ y tế, quản lý tài chính cá nhân… Do đó, tiêu chí về trải nghiệm và gia đình chính là điểm yếu mà Việt Nam còn chưa đáp ứng được.

“Rõ ràng các chuyên gia nước ngoài kỳ vọng ở Việt Nam các điều kiện thuận lợi hơn để quản lý tài chính, chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng con cái”, ông Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản của HSBC Việt Nam, cho biết.

Hoàng Quân


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới