Hủy
Người Tiên Phong

Nguyễn Thái Sơn: Vị CEO quân đội

Hải Vân Thứ Năm | 17/10/2019 08:00

Ảnh: Ông Nguyễn Thái Sơn chỉ đạo tại nhà máy GE.

Một cựu sĩ quan quân đội Mỹ chia sẻ câu chuyện lãnh đạo doanh nghiệp...
 

Cơ duyên đã đưa một cựu sĩ quan người Mỹ gốc Việt trở về quê hương để điều hành một nhà máy sản xuất thiết bị cho một dự án nhiệt điện lớn tại Việt Nam.

Cái nôi GE

Ở Mỹ, Tập đoàn GE có chương trình hỗ trợ cho các cựu quân nhân nếu họ có nguyện vọng làm việc tại công ty sau khi xuất ngũ, giúp áp dụng và phát huy những kỹ năng họ đã có trong quân đội vào công việc. Nguyễn Thái Sơn, một sĩ quan quân đội Mỹ được đào tạo và thực hành rất nhiều kỹ năng lãnh đạo, trong đó có những phẩm chất lớn như việc đặt nhiệm vụ, con người và tầm nhìn lên hàng đầu. Điều này phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của một công ty như GE.

Với Nguyễn Thái Sơn, cuộc chuyển đổi từ phục vụ trong quân đội sang môi trường doanh nghiệp tại GE khá suôn sẻ. Từ khi gia nhập GE (năm 2001), ông đã bắt nhịp công việc khá nhanh và không gặp quá nhiều trở ngại, phần nào nhờ vào sự tương đồng giữa văn hóa và chính sách làm việc giữa GE với quân đội. “Ở cả hai nơi, chúng tôi đều cần tập trung vào kỷ luật và chấp hành, tính cam kết cao và không được phép thất bại trong mọi nhiệm vụ”, ông nói. Ông nhớ thời gian ở nhiệm sở đầu tiên với vai trò của một sĩ quan phòng tai (Damage Control Assistant) của một khu trục hạm. Hạm trưởng của ông luôn yêu cầu 2 điều với tất cả sĩ quan trên chiến hạm: Phải nắm rõ nhiệm vụ được giao và phải chăm sóc nhân viên. Theo Nguyễn Thái Sơn, tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Clemson, GE cũng có triết lý làm việc như vậy.

Nguyễn Thái Sơn cho biết bất kể bạn làm việc ở văn phòng đặt tại khu vực nào, các giá trị doanh nghiệp của GE luôn được bảo toàn, đó là liêm chính, trung thực, tôn trọng con người, an toàn và tuân thủ luật pháp. Thế nhưng, sự khác biệt sẽ đến từ văn hóa địa phương. Theo ông, để đảm bảo hoạt động hiệu quả tại các khu vực khác nhau, các công ty đa quốc gia cần coi trọng sự khác biệt này và tìm cách kết hợp được các tiêu chuẩn toàn cầu với tiêu chuẩn của từng quốc gia về luật pháp, quy định môi trường, sức khỏe và an toàn.

Cũng cần nói thêm, khi rời quân ngũ, Nguyễn Thái Sơn đã mong muốn được làm việc ở môi trường doanh nghiệp. Ông muốn làm việc ở châu Á, khu vực đang phát triển rất nhanh. Xuất thân là người châu Á, quen thuộc với nền văn hóa của khu vực này, cộng thêm khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt và căn bản tiếng Hoa, Nguyễn Thái Sơn tin rằng đây là sẽ một nơi lý tưởng để phát triển sự nghiệp.

Thế nhưng, phải đến năm 2007, ông mới được GE bổ nhiệm vị trí mới tại châu Á. Ông đã có vài năm làm việc tại Singapore, trải qua nhiều vị trí trong chuỗi cung ứng như quản lý sản xuất (Manufacturing Leader), quản lý phát triển nguồn (Sourcing Leader) tại đây. Cuối năm 2014, ông mới quay về Việt Nam sau một thời gian dài xa xứ. Nguyễn Thái Sơn đã nắm giữ vị trí Giám đốc nhà máy GE tại Dung Quất, Quảng Ngãi từ tháng 9.2017. Hiện ông quản lý 300 nhân viên và giám sát các hoạt động liên quan đến vận hành, sản xuất, an toàn và phát triển nhân sự.

“Tôi đã phải làm quen lại với văn hóa Việt. Môi trường kinh doanh cũng có nhiều sự khác biệt. Tuy vậy, tôi quyết tâm phải làm thật tốt để có thể đóng góp phần nào cho sự phát triển của công ty và cộng đồng”, ông nói. Nguyễn Thái Sơn đã vận dụng rất nhiều kỹ năng học được từ môi trường làm việc bên Mỹ vào công việc tại Việt Nam, như xác định mong muốn của mình, có hướng đi rõ ràng và tìm sự giúp đỡ từ những người xung quanh.

Rèn luyện từ Cuộc sống quân ngũ

Nguyễn Thái Sơn lớn lên ở Atlanta, bang Georgia, miền Nam nước Mỹ, nơi cộng đồng người châu Á khi đó chỉ là một nhóm nhỏ. Người bản địa cũng không có nhiều cơ hội tiếp xúc với cộng đồng người nhập cư đến từ các nền văn hóa khác nhau. Khi còn nhỏ, Nguyễn Thái Sơn đã khá chật vật để học tiếng Anh cũng như văn hóa Mỹ nhưng ông luôn tự nhủ phải kiên trì với mục tiêu của mình. “Một khi đã đặt ra mục tiêu, hãy tập trung vào mục tiêu ấy và cố gắng không ngừng, tìm sự giúp đỡ từ những người xung quanh, vì bạn không thể thành công một mình được”.

Một điều quan trọng khác giúp ông thích nghi với nước Mỹ cả trong học tập lẫn hòa nhập văn hóa chính là nhận thức về môi trường xung quanh. “Mỹ là một miền đất hứa, nơi mà bạn có thể đạt được mọi mục tiêu, miễn là bạn kiên trì và chăm chỉ. Bạn sẽ được những người khác tin tưởng, tôn trọng và giúp đỡ”, ông nói.

Trên thực tế, những trải nghiệm trong quân ngũ, trong cuộc sống và công việc có lẽ đã tôi luyện cho Nguyễn Thái Sơn một trái tim đủ mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh. Những thách thức trong năm đầu tiên ở Học viện Hải quân Mỹ thực sự là một bài kiểm tra về sức mạnh cảm xúc và tinh thần. “Tôi nhận ra rằng, nếu không có sức mạnh về tinh thần và thể chất, tôi sẽ bị loại ngay từ đầu”, ông nói về khoảng thời gian sau tốt nghiệp phổ thông, đã bị ném vào một môi trường quá khắc nghiệt với cuộc sàng lọc để tìm những người đủ tố chất phục vụ trong quân đội. “Khi bạn được may mắn đứng cùng hàng ngũ những người ưu tú, bạn sẽ luôn cảm thấy có động lực và quyết tâm rằng nếu người khác làm được, tôi cũng sẽ làm được”, ông nói.

Một điểm nữa, trong quân đội, bạn luôn phải làm việc theo nhóm. Một người chỉ nghĩ cho bản thân mình sẽ gây nguy hiểm cho cả đội. Vì vậy, lòng tin là điều vô cùng quan trọng. Vì nhiệm vụ chung nên nó phải được thiết lập một cách nhanh chóng. Một thành viên có thể hy sinh tính mạng của mình cho những thành viên khác hoàn thành nhiệm vụ. Bài học từ quân đội hoàn toàn phù hợp với môi trường doanh nghiệp. Đó là khi có lòng tin, chúng ta có thể cùng nhau đạt được những điều không tưởng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới