Hủy
Người Tiên Phong

Nhuộm vải bằng lá cây, tại sao không?

Thứ Hai | 20/05/2013 15:47

Thật khó tin được, hầu hết các loại lá cây đang hiện hữu đều có thể biến thành nguyên liệu để nhuộm nên những thớ vải đầy màu sắc. Nhưng điều này đã trở thành hiện thực với ý tưởng nhuộm vải bằng lá cây của tác giả Hoàng Thị Lĩnh, Hà Nội.
 

Nhuộm vải bằng củ, quả, hay lá cây là phương pháp đã được dân gian áp dụng từ lâu. Chẳng hạn củ nâu ở đồng bằng Trung du phía Bắc hay hạt điều màu (hạt cà ri) ở miền Nam… Vốn là chuyên gia hóa nhuộm, từng được 1 số tổ chức phi chính phủ mời tham gia vào dự án giúp dân tộc thiểu số nâng cao độ bền màu của hàng thổ cẩm tại các tỉnh miền núi năm 1996, bà Lĩnh đã sớm tiếp cận với phương thức nhuộm màu cho vải bằng những loại nguyên liệu mới. Qua thời gian nghiên cứu, tác giả đã phát hiện trong thiên nhiên có sẵn các nguồn nguyên liệu làm chất nhuộm từ vỏ, quả, hạt, củ và đặc biệt là các loại lá cây rụng ở khắp mọi nơi thậm chí ngay tại các thành phố, đô thị.

Những loại lá như lá chè già (bị vứt bỏ trên các nông trường chè), lá bàng, lá xà cừ, lá xoài, lá vải, lá ổi, lá cà phê… đều là những nguồn nguyên liệu có thể được sử dụng trong sản xuất trong khi đây là những loại rất phổ biến ở nước ta.

Vải nhuộm bằng những nguyên liệu này có độ bền màu khá tốt (cấp 4-5/5) do quy trình xử lý sau nhuộm theo công nghệ hiện đại. Các sản phẩm cũng an toàn với sức khỏe người mặc do không sư dụng hóa chất độc hại trong quá trình nhuộm. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, sản phẩm hay bị bạc màu do bản chất của chất màu có độ bền không cao với thời tiết.

Ngoài ra, vải nhuộm từ các loại lá cây trong tự nhiên thường có màu sắc trầm và không nhiều gam màu, đặc biệt không có màu chói như đỏ, tím, xanh tươi nên vẫn chưa thực sự bắt mắt người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng đã ảnh hưởng sâu sắc đến nếp nghĩ, nếp sống của người dân khiến nhiều người, kể cả một số nhà khoa học vẫn chưa tin là có thể sản xuất trên quy mô công nghiệp.

Hiện tại giá thành sản phẩm loại này vẫn còn cao hơn chút ít so với vải nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp. Tuy nhiên, nếu sản xuất đại trà, thường xuyên trên các máy công nghiệp thì chắc chắn giá thành sẽ bằng hoặc thấp hơn khi sử dụng thuốc nhuộm loại tốt.

Theo bà Lĩnh, ưu điểm vượt trội của vải nhuộm bằng lá cây là tính thân thiện với người dùng và mội trường. Do không sử dụng các hóa chất trong quá trình nhuộm nên nước thải của quy trình sản xuất không chứa các chất độc hại và dễ phân hủy sinh học. Chất thải của công nghệ này (bã lá sau khi tách chiết dung dịch nhuộm) có thể tận dụng làm phân vi sinh thay thế phân bón hóa học. “Nhuộm vải bằng lá cây là chúng ta đã tận dụng nguồn nguyên liệu chất màu dễ tái sinh góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên của đất nước và giảm thiểu đáng kể sự ô nhiễm môi trường”, bà Lĩnh cho hay.

Hiện tại bà Lĩnh đã đăng ký thương hiệu Ecol cho sản phẩm vải nhuộm, khăn bông các loại, khăn choàng tơ tằm, tất…, đã sản xuất công nghiệp và có bán trên thị trường. Bản thân bà Lĩnh cũng đang sử dụng từ khăn rửa mặt, khăn tắm, khăn choàng, tất đến váy áo... bằng vải do chính tay mình nhuộm.

Băn khoăn lớn nhất của bà Lĩnh hiện nay là có những tư vấn cho hướng phát triển tiêu thụ sản phẩm Ecol để hàng năm không phải bỏ đi quá nhiều lượng lá rụng trên khắp nước, nhất là lượng lớn lá bàng trên các đảo như Phú Quốc. Bà cũng mong muốn có nhà kinh doanh đứng ra giới thiệu để sản phẩm được nhiều người biết đến và có hướng tiêu thụ sản phẩm một cách lâu dài.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới