Hủy
Người Tiên Phong

Quý ông “quê nhà”: Người xây cầu nối Việt Nam - New Zealand

Thứ Tư | 28/10/2015 08:00

Từng học lại lớp 3 vào lúc 23 tuổi, ngày nay ông Nguyễn Trương Khoa là CEO của Viet River Holding và Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp New Zealand - ASEAN.
 

Trong thời gian ngắn sắp tới, sẽ có làn sóng các doanh nghiệp new zealand sang việt nam tuyển dụng lao động chân tay ngành xây dựng. Ðặc biệt, những công ty này sẽ phải bảo lãnh tất cả các khoản chi phí mà người lao động cần bỏ ra khi muốn xuất ngoại. Người lao động sẽ được hưởng lương, thưởng, bảo hiểm đúng theo quy định pháp luật New Zealand. Nhờ hợp đồng lao động kéo dài tối thiểu 1,5 năm, họ còn có cơ hội được nhập quốc tịch nước sở tại một cách hợp pháp nếu có năng lực và nguyện vọng.

Người đã đứng ra đàm phán với các doanh nghiệp New Zealand để đảm bảo những quyền lợi khung kể trên chính là doanh nhân Việt kiều Nguyễn Trương Khoa, thành viên ban quản trị tập đoàn xổ số New Zealand Lottery Grants Board, kiêm Tổng Giám đốc (CEO) quỹ Viet River Holding.

Cầu nối giữa Việt Nam và New Zealand

Thuở hàn vi từng làm công việc chân tay, hơn ai hết, ông Khoa hiểu rõ những cơ cực của nghề này. Vì thế, khi hỗ trợ Christchurch (New Zealand) sau thảm họa động đất năm 2011 khiến lượng lớn cư dân bỏ đi, ông đã thảo luận cùng các doanh nghiệp của thành phố này về cơ hội đưa lao động Việt Nam sang. Dự án này dự kiến sẽ chính thức vận hành từ đầu năm sau.

Không chỉ riêng dự án nói trên, ông Khoa còn được biết đến như một “con thoi” kết nối thương mại giữa Việt Nam và New Zealand. Ông từng chia sẻ tin vui với người viết vào năm 2012, khi báo tin Việt Nam vừa ký kết chương trình bảo đảm chính thức xuất khẩu trái thanh long sang New Zealand. Trong kim ngạch xuất khẩu trái cây ước đạt 2 tỉ USD của Việt Nam năm nay, trái thanh long dự kiến sẽ chiếm tỉ trọng 47% trong tổng giá trị các loại hoa quả xuất khẩu.

Thực tế, New Zealand là một thị trường cực kỳ khắt khe về kiểm dịch thực phẩm. Vì thế, sự kiện thanh long Việt Nam được phép nhập khẩu vào quốc đảo này sẽ tạo ra một ưu thế cạnh tranh vô cùng lớn so với các nước ASEAN còn lại. Từ năm 2009, khi Việt Nam và New Zealand vừa ký kết Hiệp định hợp tác toàn diện, ông Khoa đã liên tục đi về giữa 2 quốc gia để kết nối những cơ hội giao thương mới.

Tất nhiên, từ lúc đám phán cho đến khi trái thanh long Việt chính thức được xuất ngoại là cả một quá trình lâu dài. Theo ông Khoa, sau khi kết thúc đàm phán vào năm 2012, New Zealand đã cử chuyên gia sang hướng dẫn cách trồng và xử lý thanh long sao cho phù hợp với tiêu chuẩn nhập khẩu. Ðến đầu năm 2014, khi lứa thanh long đầu tiên chín cây và đáp máy bay sang New Zealand thì cũng là lúc vị doanh nhân Việt kiều này tiếp tục những dự án mới.

Trong quan điểm của mình, ông Khoa ví von rằng nếu lãnh đạo các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long Việt nhìn thấy trong bụi gai (thị trường New Zealand nhỏ, quy định khắt khe) có những đóa hồng (bàn đạp để xâm chiếm thị trường Úc và Thái Bình Dương rộng lớn), thì chắc chắn loại quả này sẽ có nhiều cơ hội thành công trên bản đồ trái cây toàn cầu.

Học hỏi không bao giờ là muộn

Dù đã kiến tạo nền tảng học vấn sâu rộng thuộc đủ lĩnh vực từ kinh tế, du lịch (Đại học Victoria) đến cao học ngành kế toán (Đại học Massey) và là thành viên Hiệp hội kiểm toán Úc - New Zealand, những ngày đầu trên đường học thuật mà ông Nguyễn Trương Khoa lại không hề êm ái.

“Tại sao không đi làm thợ hồ xây dựng hay lao công mà nuôi thân? Không còn trẻ nữa học làm chi?”. Từng phải nghe những lời châm chọc này cách đây 1/4 thế kỷ, chàng trai gốc Bến Tre vẫn quyết giữ hoài bão của bản thân khi bắt đầu học lại từ lớp 3, lúc vừa đến New Zealand năm 23 tuổi.

Luôn là người đến thư viện sớm nhất và về muộn nhất, ông Khoa được Ðại học Victoria xét đặc cách cho nhập học nhờ xuất sắc vượt qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Chỉ 4 năm sau đó, ông tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế (1996) và Cử nhân Du lịch (1997). Với vị doanh nhân này, động cơ vĩnh cửu nuôi dưỡng sức mạnh, ý chí lập nghiệp trên đất khách chính là “nồi cơm Thạch Sanh”, nơi hội tụ niềm hy vọng của cha mẹ hòa cùng danh dự, nhân phẩm của người Việt.

Sau này, tranh thủ mỗi chuyến công tác về nước, “thần đồng lớp 3” năm xưa và hiện là Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp New Zealand - ASEAN luôn khuyến khích các bạn trẻ Việt tiếp cận cuộc sống với góc nhìn lạc quan.

“Nếu có ngày cuộc đời xô đẩy bạn phải đi bán vé số, hãy là người bán vé số lạc quan và cần mẫn nhất. Quan trọng là giữ tinh thần lạc quan, đam mê trong mọi hoàn cảnh”, ông nói. Đối với ông, cốt lõi giúp bao thế hệ doanh nhân gốc Việt thành công trên xứ người kết tinh trong 2 chữ: kiên định.

Từng trải qua từng nấc thang sự nghiệp, từ cấp quản lý trung gian (Orica, Accident Compensation Corporation, Le Cordon Bleu), đến Giám đốc Tài chính (BRANZ), Giám đốc Ðiều hành (BCITO), rồi Tổng Giám đốc (Greyhound Racing New Zealand) và hiện là thành viên ban quản trị tập đoàn sổ xố lớn nhất New Zealand Lottery Grants Board, ông Khoa lại thích rèn luyện những cú xoáy bóng tennis với bạn bè ở xứ Kiwi hơn những thú vui xa xỉ khác. Ông được giới doanh nhân gọi là “Vietnam connector” của New Zealand, vì bất cứ doanh nghiệp nào muốn tìm hiểu môi trường kinh doanh, thể chế pháp luật của xứ sở này, ông đều bố trí thu xếp để trợ giúp mà chưa bao giờ từ chối.

Vị doanh nhân Việt kiều này cũng luôn tự nguyện làm cầu nối tương tác âm thầm trong quan hệ ngoại thương giữa đất khách và quê nhà. Nhiều hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand từ năm 2009 đến nay đều là những thành quả chứng minh cho tầm nhìn kinh doanh ông Khoa luôn hướng đến. Ðó là việc đặt lợi ích cộng đồng lên cao hơn các con số, nếu muốn tăng trưởng kinh doanh bền vững.

Khi giới chính khách 2 nước kỷ niệm sự phát triển rực rỡ quan hệ ngoại giao đã đạt được trên mọi lĩnh vực trong 10 năm gần đây, nhà hảo tâm Nguyễn Trương Khoa lại ẩn danh tham gia những dự án từ thiện như “Bữa cơm có thịt”, “Trái tim cho em”, “Nỗi đau da cam”, “Ủng hộ đồng bào bão lụt”... rồi nhẹ nhàng rời đi không để lại dấu vết. Và cứ thế, người doanh nhân tầm thước ấy lại hoan hỉ bước tiếp trên hành trình lan tỏa quan điểm nhân văn trong kinh doanh.

Có lẽ không chỉ riêng với người viết, mỗi lượt doanh nhân Việt tìm đến New Zealand xúc tiến thương mại hay những cựu sinh viên từng tiếp xúc với Nguyễn Trương Khoa đều ấn tượng bởi giọng nói ấm áp và thần thái đĩnh đạc của ông. Ðặc biệt, vị doanh nhân này luôn kết thúc câu chuyên bằng lời chào ý nhị: “Hẹn gặp tại quê nhà!”

Minh Nguyệt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới