Hủy
Người Tiên Phong

Từ cây lên kiểng

Đức Tài Thứ Tư | 16/11/2016 12:30

Thị trường cây cảnh có đòi hỏi không nhỏ về quy mô cũng như khả năng đầu tư của doanh nghiệp.
 

Những chùm nho tím chín mọng nước mọc đều trên thân gỗ, thay vì treo mình trên những giàn nho xanh quen thuộc. Giống nho mới này không chỉ lạ mắt mà còn đang tạo ra cảm hứng mới đối với nhiều người đam mê cây cảnh và mở ra lĩnh vực kinh doanh rất hấp dẫn.

Cây nho thân gỗ có tên là Jabuticaba, xuất xứ từ Brazil, Paraguay và Argentina, đang được giới chơi cây kiểng Việt Nam săn lùng. Jabuticaba có thể được trồng ở dạng bonsai, hoặc trong khu đất rộng để phát triển thành cây lâu năm. So với các loài thực vật khác, Jabuticaba có tuổi thọ vượt trội. Nhiều cây tại Nam Mỹ có sức sống lên tới cả ngàn năm. Nho ra quả màu xanh, khi chín đổi sang màu tím. Nho có vị ngọt và nhiều nước rất thơm ngon, có thể ăn ngay hoặc làm mứt, ngâm rượu… Chính vì độc, lạ và phù hợp với kiểu trồng tại vườn hoặc trong chậu bonsai nên nho Jabuticaba đang được rất nhiều người săn lùng về làm cảnh và ăn quả. Giá cây này cũng được đẩy lên khá cao từ 300.000 đồng lên tới 18 triệu đồng/cây tùy theo độ tuổi.

“Do đặc thù của công việc nên tôi thường xuyên ra nước ngoài. Trong lần đi Trung Quốc, tôi đặc biệt ấn tượng với những trái nho xum xuê chen nhau nằm dọc thân cây nên quyết định nhập một số cây về Việt Nam”, ông Đỗ Văn Trung, Giám đốc Công ty Tư vấn thương mại Đức Lộc (Hà Nội), kể về cơ duyên đến với nho thân gỗ. Ông Trung cũng đã mang về nhiều giống cây khác để phát triển trong vườn ươm được hình thành từ diện tích khu vườn có sẵn.

Ông Trung chia sẻ, ban đầu, do giá bán cao và giống cây mới nên không nhận được tín hiệu tốt từ thị trường. Sau khi thay đổi phân khúc, tập trung vào giới có thu nhập cao và sưu tầm những giống cây lạ, tình hình kinh doanh tốt hơn nhiều. Hiện nay, trong số các loại cây cảnh lạ nhập khẩu, nho thân gỗ vẫn hút khách nhất. Một ngày, Công ty nhận được 20-30 đơn đặt hàng, mỗi cây giống có giá 150.000-350.000 đồng. Riêng loại cây 20 năm tuổi nhập về từ Trung Quốc có giá 40 triệu đồng, bán nhiều cho giới chơi cây cảnh ở Hà Nội và TP.HCM.

Thu hút không kém so với cây nho thân gỗ, cây kiểng mini cũng đang cuốn hút những người đam mê về nghệ thuật bonsai. Đây là những cây cảnh nhỏ bằng đầu ngón tay, có kích thước từ 3-15cm, được uốn và lên dáng bên những mô hình non bộ, hay những bức tượng. “Ban đầu từ những cây cảnh bình thường như mai chiếu thủy, linh sam, dương… tôi  sử dụng phương pháp trồng riêng để chiết thành những cây có kích thước nhỏ hơn. Trồng và chăm sóc cây cảnh mini khá công phu và cầu kỳ. Một cây mini loại thường đã mất 2-4 năm chăm sóc”, ông Nguyễn Vinh, nghệ nhân bonsai tại xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn, cho biết. Bên cạnh đó, ông Vinh cũng sáng tác những hòn non bộ nhỏ có kích thước vài cm để trang trí cùng cây. Sản phẩm nhỏ nhất chỉ cao 4cm nhưng có giá bán lên đến 6 triệu đồng. Một bộ cây cảnh bonsai hoàn chỉnh bao gồm cây cảnh mini và hòn non bộ mini có giá lên tới vài chục triệu đồng.

Tu cay len kieng
Nho thân gỗ đang được nhiều nhà vườn phát triển tại Việt Nam. Ảnh: nongsan22.blogspot.com

Kinh doanh cây kiểng mini đang trở thành xu hướng rất phát triển khi đời sống người dân đô thị ngày càng nâng cao. Câu chuyện kinh doanh cây cảnh của cô gái Mai Châu (Đăk Lăk) trở thành động lực của nhiều người. Mai Châu có vườn ươm có hơn 1.000 loại cây với 3 nhóm chính là cây may mắn, xương rồng và trúc nước (phất lộc). Bán chạy nhất hiện nay là cỏ long thảo (còn gọi là cỏ may mắn), xương rồng đủ loại, sen đá, sen cánh bướm… giá từ 35.000-200.000 đồng/chậu. Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận mang về cho cô gái này được hơn 200 triệu đồng mỗi tháng.

Hay bạn trẻ thế hệ 8X Nguyễn Văn Thanh Bình ở Đà Lạt cũng nổi tiếng với vườn cây cảnh quý hiếm như nho thân gỗ, bonsai cherry, Việt quất, đỗ quyên Úc... Trong 3 năm gần đây, mỗi năm, Bình thu nhập từ 200-300 triệu đồng từ việc bán các loại cây giống quý hiếm từ khu vườn khoảng 4ha.

Tuy nhiên, kinh doanh cây cảnh cũng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường. Thực tế cho thấy, thị trường này đòi hỏi quy mô lớn cũng như khả năng đầu tư của doanh nghiệp trong kỹ thuật gieo trồng, nhập khẩu, lai tạo giống mới. “Đối với các công ty mới, việc tìm đơn hàng không hề dễ. Bởi lẽ, doanh nghiệp Việt trong ngành chỉ thích làm việc với những đầu mối quen lâu năm chứ ít muốn tiếp xúc với đơn vị mới. Vì thế, khi chào hàng, thay vì chỉ giới thiệu những loại cây quen thuộc, tôi đưa thêm các loại cây độc đáo có nhiều mức giá khác nhau. Đặc biệt, các loại cây này là những giống mới, thị trường không có hoặc rất hiếm. Có như vậy mới có thể tạo được liên kết với khách hàng mới”, ông Trung cho biết.

Ngoài nho thân gỗ, Công ty Đức Lộc cũng đẩy mạnh đầu tư để nhập các giống cây đinh hương, mai anh đào, phượng tím, phong lá đỏ, cây sang, sen bóng mát… Công ty cũng đầu tư 10ha đất để ươm các giống cây bóng mát, cây bụi, cây đại thụ cho các dự án cây xanh đô thị ở Việt Nam hay các công trình xây dựng… Mô hình của Công ty được phân chia thành 4 nhóm chính phục vụ các công trình cây xanh thuộc: dân dụng, hạ tầng cảnh quan và bảo trì, nên hiện tại Công ty cũng đã được nhiều hợp đồng về một số dự án lớn. Đến nay, tổng giá trị khu vườn của Đức Lộc lên đến hơn chục tỉ đồng.

Chia sẻ thêm về khó khăn của nghề này, ông Trung cho biết thời gian đầu, Công ty thua lỗ vì nhiều giống cây nhập về không phù hợp với thổ nhưỡng của Việt Nam nên dễ chết nếu không biết cách chăm sóc. Dựa trên thực tế đó, ông Trung rút ra kinh nghiệm, trước khi nhập bất cứ giống gì đều phải nghiên cứu kỹ về đặc tính sinh trưởng và tạo cho chúng một môi trường thử nghiệm riêng.

Trước khi cung cấp ra thị trường, ông cũng hướng dẫn và giới thiệu cho người trồng hiểu hơn về đặc tính sinh trưởng cũng như cách chăm sóc cây. Định hướng về kinh doanh trong thời gian tới, ông Trung cho biết sẽ tập trung thêm vào các loại giống mới thiên về thảo mộc để người trồng ngoài việc chơi cây cảnh còn có thể chữa bệnh.

Đức Tài


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới