Hủy
Người Tiên Phong

Việt Nam gia nhập AEC: Lo nhưng đừng sợ

Thứ Sáu | 25/09/2015 06:30

Cuối năm 2015, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Thị trường lúc đó không còn là 90 triệu dân mà là 600 triệu dân.
 

Đó là quan điểm của phần lớn các diễn giả tham gia Diễn đàn CEO Việt Nam 2015 với chủ đề "Khởi đầu sứ mệnh: Tư duy 90 hay 600?" diễn ra vào chiều ngày 24/9.

Cuối năm 2015, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Thị trường lúc đó sẽ không còn là 90 triệu dân Việt Nam mà là 600 triệu dân ASEAN.

Thị trường Việt Nam lọt vào tầm ngắm chính của doanh nghiệp ngoại

Có mặt tại diễn đàn, ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Việt Nam có quan hệ kinh tế với 160 thành viên WTO, 14 đối tác chiến lược, 10 đối tác toàn diện và đặc biệt chú trọng việc xây dựng AEC. Gia nhập AEC, các nước trong khu vực sẽ được tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động. Hiện với 600 triệu dân, quy mô GDP của ASEAN vào khoảng 2.500 tỷ USD.

Còn Tiến sĩ Hans-Paul Burkner, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) cho biết, năm ngoái, nền kinh tế ASEAN xếp thứ 7 trên thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh và Pháp. Vì thế, không nên đánh giá thấp thị trường ASEAN.

"Nhiều công ty trên thế giới xem ASEAN là địa điểm lý tưởng để hoạt động kinh doanh. Người tiêu dùng ASEAN chính là động cơ thúc đẩy mới cho các công ty. Tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh ở Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và dự kiến đạt tổng cộng 300 triệu người vào năm 2020, do đó nhu cầu tiêu dùng rất lớn", ông nhấn mạnh.

Nghiên cứu của BCG cũng cho thấy Việt Nam và Indonesia là thị trường mục tiêu chính trong kế hoạch mở rộng của các doanh nghiệp nước ngoài.

Viet Nam gia nhap AEC: Lo nhung dung so
 

Khảo sát các CEO có mặt tại diễn đàn về 4 thách thức nội tại chính của doanh nghiệp cho thấy, 20% số CEO cho rằng thách thức lớn nhất là về vốn, chỉ 10% cho rằng đó là sự kết nối và tạo mạng lưới doanh nghiệp, trong khi 30% coi việc thu hút nhân tài và có đến 40% coi việc quản trị là thách thức.

Theo quan điểm của ông Hans, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước nên lo lắng khi Việt Nam tham gia AEC. Tuy nhiên ông cho rằng, "lo nhưng đừng sợ". 

Cùng quan điểm với ông Hans, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, "gia nhập AEC là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam nếu chúng ta biết định hướng đúng, nhưng chúng ta cũng luôn phải lo, bởi nếu không lo, chúng ta sẽ chủ quan mà đi xuống".

Không chỉ tư duy 90 hay 600 mà tư duy toàn cầu

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói, khi thị trường mở cửa, Việt Nam gia nhập toàn cầu thì các doanh nghiệp cũng không nên hạn chế tư duy ở góc nhìn 90 hay 600 mà hãy nghĩ về tư duy toàn cầu, đồng thời ông cũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện thủ tục, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ đổi mới công nghệ…

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, khi làm ăn dù ở trong nước hay ra nước ngoài, các doanh nghiệp Việt bao giờ cũng phải nghĩ đến câu chuyện tư vấn pháp luật. Khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao giờ họ cũng thuê luật sư đi trước, tìm hiểu môi trường đầu tư có rủi ro hay không, nền kinh tế có ổn định không. Có rủi ro, không ổn định thì họ sẽ không vào. Vì thế, ra nước ngoài đầu tư, bài học luật sư rất quan trọng và cần trở thành tư duy làm ăn của doanh nghiệp.

Bộ trưởng nói, hệ thống pháp luật ở Việt Nam rất phức tạp và số lượng văn bản quy phạm pháp luật "rất khủng khiếp". Thống kê của 63 tỉnh thành trên cả nước, hiện có trên 1 triệu văn bản quy phạm pháp luật. Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã rất cố gắng để giảm bớt cơ quan và hình thức ban hành văn bản pháp luật như đề nghị cấp huyện, xã không được ban hành. Tới đây, các bộ cũng không được ban hành thông tư liên tịch...

Viet Nam gia nhap AEC: Lo nhung dung so
 

Ông Hans cho rằng giải pháp đối diện với thách thức khi Việt Nam chính thức gia nhập AEC là ở chính nội tại doanh nghiệp.

"Chúng ta chứng kiến nhiều doanh nghiệp châu Âu tới nghiên cứu rồi không bước vào được. Chúng ta phải hiểu năng lực, vị thế, cơ hội của mình để có kế hoạch đi đâu, nhanh hay chậm", ông chia sẻ. Do đó, doanh nghiệp nội địa nên nhanh chóng thay đổi, nắm bắt xu thế thị trường và để tạo lợi thế, cần phải hiểu được hoạt động của mình, hiểu được khách hàng.

Thêm nữa, điều trước tiên là doanh nghiệp cần phải giữ được thị phần của mình trong nước trước khi bước sang thị trường Thái Lan, Indonesia... Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải dám thử đổi mới và cần xây dựng chiến lược để giải quyết các thách thức.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là con người, ông Hans nhấn mạnh, nếu không có con người thì sẽ không làm được gì cả, nếu chúng ta có chiến lược tốt nhưng ko có con người thực hiện chiến lược thì sẽ đưa công ty đi xuống.

Trường Văn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới