Hủy
Nhật ký COVID-19

Ảnh hưởng của COVID-19 có thể kéo dài đến hết năm 2021 hoặc hơn nữa

Ngọc Thuỷ Thứ Bảy | 22/08/2020 20:55

ads

Hình ảnh diễn đàn “Từ sống sót đến thịnh vượng” với chủ đề “Vững vàng vượt khủng hoảng” do FPT tổ chức. Ảnh: Ngọc Thuỷ

Trên 200 lãnh đạo doanh nghiệp Việt ở TP.HCM, Hà Nội đã tham gia buổi họp trực tiếp, bàn về câu chuyện "từ sống sót đến thịnh vượng"
 

Trong diễn đàn “Từ sống sót đến thịnh vượng” với chủ đề “Vững vàng vượt khủng hoảng” do FPT tổ chức , trên 200 lãnh đạo doanh nghiệp Việt đã cùng ngồi lại, bàn tính cách thức vượt qua khủng hoảng thời COVID-19.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT: “Đây là cơ hội để các doanh nghiệp cổ vũ động viên, chia sẻ những câu chuyện người thật việc thật, bàn cách hình thành các liên minh trong cộng đồng”. Tại diễn đàn, các công ty lớn như  VPBank, PNJ, Tập đoàn Minh Phú, AA Corporation, Tập đoàn Thiên Long, FPT, Deloitte…đã chia sẻ những câu chuyện và giải pháp thực tiễn vượt khủng hoảng.

Đa số lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận, đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt hoạt động của công ty. Khảo sát nhanh tại sự kiện cho thấy, 85% lãnh đạo doanh nghiệp dự báo ảnh hưởng của cơn bão COVID-19 sẽ kéo dài từ nay đến hết năm 2021 và thậm chí có thể dài hơn. Tuy nhiên, trong số này, có trên 50% lãnh đạo cho rằng “trong nguy vẫn có cơ”.

Điều các doanh nghiệp cần đối mặt và chuẩn bị sẵn sàng là tiến hành chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ. Cụ thể, có 5 vấn đề trọng yếu mà doanh nghiệp phải chú ý: Đổi mới sáng tạo chuyển đổi tổ chức, Tăng trưởng doanh thu, Bảo vệ người lao động, Duy trì nguồn vốn lưu động và Giảm gián đoạn chuỗi cung ứng. Đây được xem là một con đường không thể khác.

Để giải quyết những vấn đề này, các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã thống nhất đưa ra những giải pháp ưu tiên cấp bách.

Đầu tiên, để đảm bảo sự sống còn ở doanh nghiệp, nhà lãnh đạo cần phải hành động quyết đoán, kịp thời, phải đưa ra những chiến thuật, quyết định tuy áp dụng trong ngắn hạn nhưng vẫn mang tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo cũng cần trao gửi niềm tin, truyền cảm hứng “chiến đấu” cho đội ngũ, để họ cùng hướng đến một mục tiêu chung, giúp doanh nghiệp vững vàng vượt qua khủng hoảng.

Thứ hai, số hóa, tự động hóa phải được xem là việc không thể không làm. Đây là cách để tạo ra những thay đổi, mang lại giá trị mới và lợi nhuận, hiệu quả nhất cho doanh nghiệp. Đơn cử trong ngành nuôi và chế biến tôm, ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào chuỗi giá trị nuôi và chế biến tôm đã giúp tỷ lệ nuôi tôm thành công tăng lên, có thể đạt mức 90-95% thậm chí là 100%.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường, doanh nghiệp cần phải bảo toàn nguồn nhân lực, quan tâm và nuôi dưỡng đội ngũ nhân tài; đồng thời, triển khai các giải pháp giúp tăng năng suất lao động. Muốn thế, phải tăng thu nhập để kích thích tinh thần nhân viên. Cùng đó là triển khai các chương trình đào tạo nội bộ để tạo ra đội ngũ sẵn lòng học hỏi, thay đổi, nghĩ ra các sáng kiến để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đối với bài toán tăng doanh thu, theo ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc phụ trách chuyển đổi số FPT, doanh nghiệp cần tái cấu trúc lại quy trình kinh doanh, đầu tư hạ tầng, để đẩy mạnh bán hàng online. Bằng chứng, doanh thu mảng online trong giai đoạn COVID-19 của FPT Retail đã tăng trưởng mạnh. Nhiều khách hàng của FPT đã ứng dụng các giải pháp tự động hóa của FPT (như FPT SPro, FPT.AI, akaBot… ) giúp tiết kiệm lên tới 60% chi phí, đồng thời gia tăng đến 80% năng suất.

Đối với bài toán gián đoạn chuỗi cung ứng, các lãnh đạo đồng tình cần ứng dụng nền tảng Hội chợ trực tuyến để giúp kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước dễ dàng. Mới đây, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM đã đưa 50 showroom vào ứng dụng nền tảng này và dự kiến đến tăng con số này sẽ lên mức 100 showroom vào cuối năm nay.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới