Hủy
Phong Cách Sống

Nhộn nhịp không khí đón Tết nguyên đán ở nhiều nước châu Á

Thứ Ba | 17/02/2015 10:50

Giống như Việt Nam, người dân ở nhiều nước châu Á đang tất bật chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán.
 

Dường như ai cũng muốn chuẩn bị một cái Tết thật tươm tất với hy vọng những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến với mình trong Năm mới.

Kể từ sau Rằm tháng chạp (15/12 âm lịch), người dân Trung Quốc làm ăn xa đều rục rịch bắt đầu về quê hương ăn tết để được đoàn tụ gia đình, họ hàng và làng xóm. Những ngày giáp Tết, người dân Trung Quốc tất bật dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, mua sắm đồ Tết để làm những món ăn ngon thờ cúng tổ tiên.

Nếu như mỗi gia đình ở Việt Nam đều sắm sửa cây quất, cành đào thì gia đình nào ở Trung Quốc thường phải có ít nhất 3 thứ là đèn lồng, pháo hoa và câu đối đỏ. Chị Tabitha, sinh viên người Anh đến Thượng Hải học tiếng Trung từ nhiều năm qua rất thích nghệ thuật thư pháp của người Trung Quốc:“Ký tự Trung Quốc rất phức tạp song rất có ý nghĩa. Tôi rất thích viết thư pháp và thường sắm cho mình cây cọ, giấy để viết câu đối, thư pháp tặng bạn bè vào dịp Tết cổ truyền. Ở lớp tôi, vào dịp này, mọi người tặng chữ và dán nó ở khắp mọi nơi ở nhà, trên lớp. Hiểu được ý nghĩa của chữ, mới thấy người Trung Quốc thích treo câu đối trước nhà vào dịp Tết”.

Còn sinh viên John Smith, người Mỹ lại thích làm và ăn bánh bao- loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ tất niên và giao thừa của người Trung Quốc:“Thật sự tôi rất thích bánh bao. Tôi có thể thưởng thức nó ở bất cứ lúc nào. Bánh bao có hàng ngày song nó có vẻ ngon hơn trong các dịp lễ Tết. Giờ tôi không phải mua bánh bao mà đã biết làm. Mùa hè năm tới khi về nước, chắc chắn tôi sẽ làm bánh bao cho gia đình tôi”.

Theo đánh giá chung, người dân Trung Quốc vẫn hối hả chuẩn bị Tết, song với tâm thế ít hào hứng hơn. Bởi lẽ, nền kinh tế quốc gia lớn thứ 2 thế giới năm qua chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 7,4%, thấp nhất trong 24 năm qua. Chính vì thế, người dân sắm Tết theo xu hướng thắt lưng buộc bụng hơn.

Người dân Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đón Tết nguyên đán và cũng là một trong hai ngày lễ lớn nhất trong năm cùng với Tết Trung thu. Năm mới của Hàn Quốc chính thức cũng bắt đầu từ ngày 1/1 âm lịch. Những ngày trước Tết, các gia đình cũng dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, tất bật mua sắm để đón Tết. Ngoài bánh kẹo, hoa quả, món tok-kuk ( loại nước canh chế từ thịt bò và gà) món kim chi hay canh bánh gạo không thể thiếu trong mâm cỗ tất niên và giao thừa của người Hàn Quốc. Năm nay, người dân Hàn Quốc cũng có 5 ngày để ăn Tết.

Trẻ em nước ngoài mặc trang phục truyền thống Hàn Quốc đón Tết
Trẻ em nước ngoài mặc trang phục truyền thống Hàn Quốc đón Tết


Diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam, những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội sông nước và Lễ hội đường phố cùng nhiều hoạt động khác. Vào dịp Tết, các gia đình ở Singapore thường thích du xuân, tham gia các hoạt động ngoài trời, đi lễ chùa. Nhiều địa điểm biểu diễn ngoài trời đang hoàn tất các sự kiện ngoài trời như trình diễn món ăn truyền thống, thi viết thư pháp và các trò chơi đón xuân vui nhộn. Hàng nghìn du khách đổ về Singapore vào dịp này để đón Tết cùng với người dân quốc đảo sư tử.

Chị Lưu Đào, một cư dân cho biết:“ Năm nay, gia đình tôi sẽ đến Lễ hội Hoa đăng. Tôi, chồng tôi và con tôi đều cầm tinh con dê. Nên vì thế, năm nay, chúng tôi sẽ thoái mái đi du xuân, đến các lễ hội, đi chùa cầu may để có  một năm mới an lành cho cả gia đình chúng tôi”

Còn tại Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ…không khí Tết Nguyên đán cũng đang tràn ngập khắp mọi nơi.

Dù được tổ chức theo những hình thức, phong tục khác nhau song Tết truyền thống luôn là dịp để mọi người gặp nhau, gia đình sum họp trong sự hòa thuận, yêu thương và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

Nguồn VOV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới