Việt Nam: Top 10 lãnh thổ đáng sống cho chuyên gia nước ngoài
Người nước ngoài làm việc ở TP.HCM. Ảnh: QH
T hông tin gây bất ngờ trong thời gian gần đây là Việt Nam đã nằm trong danh sách 10 quốc gia, vùng lãnh thổ đáng sống nhất thế giới với giới chuyên gia nước ngoài. Khảo sát do HSBC Expat thực hiện, tiến hành trên 18.000 người có độ tuổi từ 18 trở lên, đang sinh sống và làm việc ở 163 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp thế giới.
Xu hướng xuất ngoại
Hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra những cơ hội dịch chuyển nguồn nhân lực toàn cầu. Châu Á muốn thu hút các chuyên gia phương Tây, còn phương Tây khát lao động châu Á. Riêng giới trẻ thế giới ngày càng muốn bước chân ra khỏi biên giới xứ sở, để thử thách bản thân, phát huy tối đa năng lực cá nhân, học hỏi các kỹ năng mới và tìm kiếm những cơ hội hấp dẫn từ thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, không ít người vươn ra thị trường lao động quốc tế vì gặp phải khó khăn khi tìm việc ở quê nhà.
Trường hợp của Cho Min-kyong, 27 tuổi, kỹ sư tốt nghiệp từ một trường đại học danh giá của Hàn Quốc là một ví dụ. Dù có trong tay bằng cấp chuyên môn tốt, thông thạo ngoại ngữ nhưng cô vẫn không sao tìm được việc do các công ty ở Hàn Quốc ít có nhu cầu tuyển dụng. Cơn khát việc làm trầm trọng đã buộc Cho Min-kyong và gần 5.800 sinh viên Hàn Quốc tốt nghiệp năm ngoái phải tìm việc bên ngoài Hàn Quốc, thông qua các chương trình do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức như K-move. Nhờ các chương trình này mà lao động trẻ Hàn Quốc đã tới 70 quốc gia. Trong số đó, khoảng 30% đến Nhật làm việc còn 25% đến Mỹ. Chính quyền Hàn Quốc không đặt ra bất cứ điều kiện nào với người lao động làm việc ở nước ngoài. Nhưng với một số quốc gia khác, như Singapore, sau 6 năm làm việc, người lao động phải trở về nước làm việc do Singapore lo ngại chảy máu chất xám.
Trong khi đó, những tập đoàn đa quốc gia đến từ châu Âu, Mỹ như Microsoft, General Motors và Ford... luôn chiêu mộ và xây dựng đội ngũ các nhà quản lý, nhân viên sẵn sàng làm việc ở nước ngoài. Như General Motors, tập đoàn xe hơi hàng đầu của Mỹ thậm chí có tới 83% nhà quản lý và nhân viên có kinh nghiệm quốc tế. Một số doanh nghiệp lớn, tập đoàn nhà nước, tổ chức chính quyền ở các nước sở tại như Việt Nam cũng rất cần chuyên gia ngoại giúp sức.
Dù là đến từ đâu và xuất ngoại vì lý do gì thì theo đánh giá của ông ông John Goddard, Giám đốc Toàn cầu của HSBC Expat, “những người đi làm ăn xa nhà trước năm 35 tuổi đều gặt hái nhiều lợi ích”. Bằng chứng là 47% người tham gia cuộc khảo sát xác nhận, họ nhận được nhiều thăng tiến nghề nghiệp khi làm việc ở nước ngoài. Khoảng 1/3 chuyên gia trẻ cho biết, họ được tăng thu nhập.
Cụ thể, mức lương trung bình của chuyên gia khi chuyển ra nước ngoài sinh sống và làm việc tăng 35%, từ 40.353USD lên 54.484USD. Gần 50% số người khảo sát chia sẻ, họ sở hữu ít nhất 1 bất động sản. Ngoài ra, các chuyên gia đã nâng cao sự hiểu biết và tích lũy các kỹ năng mới khi làm việc ở nước ngoài. Họ cũng tự tin hơn và trở nên sáng tạo hơn. Vì thế, theo khảo sát của HSBC, hầu hết các chuyên gia đều dự tính sẽ ở nước ngoài trung bình 11 năm.
Điểm đến Việt Nam
Việt Nam đã tạo sự chú ý khi lần đầu tiên, từ vị trí 19 trong bảng xếp hạng năm ngoái tiến lên vị trí thứ 10 trong năm nay. Điều này phần nào phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam đã dần cải thiện và độ mở của nền kinh tế cũng ngày càng tăng. Nhiều chuyên gia nước ngoài còn nhận xét, môi trường làm việc tại Việt Nam rất thuận lợi. Việt Nam hiện chỉ đứng sau Thụy Sĩ và Ba Lan trong chỉ số “Kỳ vọng cá nhân”. Đặc biệt, 71% chuyên gia nước ngoài đã cảm thấy tự tin về nền kinh tế Việt Nam và 76% người cho rằng họ yên tâm về tình hình chính trị ổn định.
Các chuyên gia nước ngoài cũng đánh giá cao những đón tiếp nhiệt tình của người dân Việt Nam. 58% người khảo sát cho rằng họ cảm thấy thân thuộc như ở quê nhà chỉ sau vài tháng chuyển đến. Cùng những cảm nhận cuộc sống, 60% chuyên gia cho rằng, họ sẽ ở lại Việt Nam lâu hơn 5 năm. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 4, sau Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia, được các chuyên gia nước ngoài dày dạn kinh nghiệm lựa chọn sinh sống và làm việc.
Khi đến Việt Nam, mức lương trung bình cho các chuyên gia ngoại từ 78.750 USD/năm, cao hơn con số trung bình toàn cầu (75.966 USD/năm). Chưa kể, do chỗ ở, học phí, vận chuyển, hóa đơn y tế... ở Việt Nam thấp hơn so với quê nhà nên thu nhập khả dụng của các chuyên gia ngoại luôn cao hơn. Các chuyên gia này còn được công ty hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt như chỗ ở, chi phí về thăm nhà, vé máy bay, trợ cấp y tế, chăm sóc sức khỏe... Việt Nam cũng được đánh giá ít căng thẳng, môi trường làm việc thoải mái, ăn ý. Đây là những yếu tố giúp các chuyên gia cảm thấy thích thú gắn bó. Hiện tại, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam chủ yếu tham gia vào các ngành như giáo dục, marketing, tài chính, ngân hàng.
Tuy nhiên, có một số trải nghiệm ở Việt Nam như tổ chức tài chính (tài khoản ngân hàng, bảo hiểm, thanh toán thuế), dịch vụ sức khỏe (bác sĩ địa phương, bảo hiểm) vẫn chưa được các chuyên gia ngoại phản hồi tích cực. Ngoài ra, Việt Nam cũng không được chấm điểm cao trong các chỉ số về chất lượng cuộc sống (đứng thứ 12), chăm sóc con cái (đứng thứ 26). Tính chung, chỉ 57% chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam đồng ý, họ được tận hưởng chất lượng sống tốt hơn quê nhà, bao gồm mọi thứ từ y tế đến văn hóa. Con số này thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 67%.
Dù vậy, theo các nhà phân tích, nếu không xác định làm việc lâu dài ở công ty, nếu còn trẻ tuổi thì việc đi ra nước ngoài làm việc sẽ là một cơ hội tốt mà các chuyên gia cần nắm bắt. Đây sẽ là dịp để họ tích lũy thêm kinh nghiệm quốc tế quý giá, gia tăng trải nghiệm, tạo dựng hành trang và lợi thế cho bản thân trong hành trình nghề nghiệp sau này.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Dung Phạm
-
Thái Tuệ
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Lam Hồng