Hủy

“Đảo nhiệt” TP.HCM

Thanh Hằng Thứ Sáu | 19/07/2019 14:39

Ảnh: TQH

TP.HCM đang hứng chịu hiện tượng “đảo nhiệt” do việc giảm mảng xanh trong quá trình đô thị hóa.
 

Từ ngày hàng cây xà cừ trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1)biến mất, chị Chung rút ngắn đáng kể khoảng thời gian di chuyển đi ăn trưa từ tòa nhà Saigon Trade Center sang bên kia đường khi “nắng nóng từ mặt đường phả lên hầm hập khi không còn bóng cây”. Là một đô thị có mật độ dân cư đông và tốc độ phát triển nhanh chóng, TP.HCM không tránh khỏi hiện tượng “đảo nhiệt đô thị”. “Đảo nhiệt” là gì và hiện tượng này đã diễn tiến như thế nào tại TP.HCM?

“Các quận nội thành cao hơn 3-50C so với các quận, huyện ngoại thành TP.HCM”, Tiến sĩ Dương Thị Thúy Nga, Đại học Khoa học Tự nhiên, nói về nhiệt độ đo vào một ngày mùa khô trong tháng 3.2019. Ở khu vực thành thị, một trong những vấn đề lớn là sự gia tăng nhiệt độ, dẫn đến việc hình thành hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), từ thập niên 1990 đến thập niên 2010, nhiệt độ trung bình hằng năm tại TP.HCM đã tăng gấp đôi so với tốc độ tăng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Sự tăng cao này tỉ lệ thuận với sự gia tăng tốc độ đô thị hóa của khu vực.

Một nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân thuộc Đại học Bách khoa TP.HCM được thực hiện năm 2015 cho thấy nhiệt độ dao động trong TP.HCM có xu hướng ngày càng tăng và khu vực nhiệt độ cao đang được mở rộng dần về phía ngoại ô. Trong vòng 20 năm, xu hướng hình thành đảo nhiệt đô thị bề mặt với 2 địa điểm điển hình cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa nhiệt độ bề mặt của khu vực thành thị và khu vực nông thôn với sự mở rộng không gian của đảo nhiệt gấp 4 lần vào năm 2015 so với năm 1995.

“Dao nhiet” TP.HCM

Việc giảm mảng xanh trong quá trình đô thị hóa cũng ảnh hưởng nặng nề đến hiện tượng này. “Vào khoảng 12h-14h những ngày nắng nóng, khoảng chênh lệch giữa nhiệt độ bề mặt đất so với nhiệt độ không khí ở độ cao 2m lên đến 100C. Lý do là bề mặt bê tông hấp thụ nhiệt lớn nên khi nắng nóng nhiệt độ bề mặt cao hơn nhiệt độ ở độ cao 2m khá nhiều”, Tiến sĩ Nga phân tích.

Nhiệt độ thành phố dao động từ 21-470C, trong đó các khu công nghiệp và khu sản xuất ở quận 7 và Thủ Đức có nhiệt độ cao tới hơn 400C. Nhiệt độ 35-400C chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm, khu dân cư thiếu cây cối hoặc mật độ thưa thớt, khu đất trống như quận 1, quận 10, Gò Vấp… Nhiệt độ dao động từ 30-350C tập trung ở khu vực cây xanh, đồng cỏ và đất nông nghiệp, chủ yếu ở huyện Củ Chi và Bình Chánh và một phần của huyện Hóc Môn. Nhiệt độ thấp nhất, dưới 300C đo được tại những khu rừng, mặt nước và vùng ven sông Sài Gòn.

Các nghiên cứu cho thấy những nơi đo được nhiệt độ cao là nơi đất bề mặt được bao phủ bởi bê tông, vật liệu xây dựng, giao thông và những nơi có mật độ thực vật thấp, thiếu bóng mát, mặt nước và là nơi hoạt động của con người.

“Dao nhiet” TP.HCM

Ở các khu đô thị, vào ban ngày, các tòa nhà, nhựa đường, các khu công nghiệp... hấp thụ nhiệt lớn, ban đêm mới tỏa ra làm chậm quá trình làm mát. Các công viên cây xanh cũng như thực vật ở khu vực trung tâm thành phố cũng rất ít nên làm không khí trở nên nóng hơn. Nhiều tòa nhà cao tầng làm chắn gió tự nhiên, giảm đối lưu, dân số nhiều, số lượng xe nhiều và khí thải carbon cũng góp phần tăng hiện tượng đảo nhiệt đô thị.

Vậy có giải nhiệt được không? “Mái nhà xanh có thể giảm thiểu hiện tượng đảo nhiệt”, ông Phạm Trần Hải, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, nói về mô hình đang được áp dụng tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), trong đó các mái nhà được phủ xanh bởi các loại cây trồng, đồng thời lưu trữ nước mưa bên dưới để sử dụng cho mục đích tưới tiêu. Tuy nhiên, “rào cản cho mô hình này chính là chi phí đầu tư ban đầu lớn cộng với chi phí bảo hành”, ông Hải phân tích.

Một hướng khác để giảm tình trạng nhiệt độ cao trong đô thị là phủ xanh thành phố, theo đề xuất của ông Hải. Việc phủ xanh có thể bao gồm trồng cây trên đường và trồng cây trên các bề mặt cao ốc, như cách Singapore đang thực hiện. Tỉ lệ phủ xanh của TP.HCM hiện nay là 18%, bằng 1/3 so với Singapore. Tỉ lệ đất công viên, vườn hoa tại TP.HCM ở mức 0,7m2 trên đầu người cũng khiêm tốn so với mức 30m2 tại Singapore và 41m2 tại Seoul. Để hiện thực hóa mục tiêu này đòi hỏi không chỉ thay đổi nhận thức từ người dân, mà còn cần chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như tại Singapore. Việc thông gió tốt cũng sẽ giúp giảm nhiệt độ, Tiến sĩ Vân đề xuất trong nghiên cứu. Điều này cũng đúng với bề mặt nước mở lớn.

Tiến sĩ Nga thì đề xuất phát triển hệ thống quản lý và phân tích dữ liệu về nhiệt độ đô thị tại TP.HCM. Khi bang California (Mỹ) thiết kế Chỉ số đảo nhiệt đô thị, họ đã giới thiệu đây là công cụ để các khu vực có mục tiêu giảm nhiệt. Họ đưa ra một chỉ số nhất quán để xác định một hòn đảo nhiệt độ đô thị, đồng thời cho thấy vị trí và cường độ của chúng trên bản đồ ở quy mô địa phương. Tương tự, hệ thống tại TP.HCM được kỳ vọng sẽ giúp mọi người theo dõi sự thay đổi nhiệt độ trên từng điểm nhỏ của thành phố để tham chiếu ra quyết định trong các hoạt động. Chắc chắn nỗ lực này cần sự quản lý của Nhà nước và phối hợp của các bên liên quan. Hướng đến xây dựng đô thị thông minh, thành phố có quy hoạch được không gian đô thị ít “đảo nhiệt” hơn.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới