Hủy

Các chuỗi cà phê Hàn Quốc bùng nổ khắp thế giới

Thứ Sáu | 10/07/2015 11:16

Trào lưu này thành công tới mức một chuỗi cà phê kiểu Pháp của một công ty Hàn cũng đang cực kỳ ăn nên làm ra tại chính Paris.
 

Tại tiệm cà phê Ullabong ở tỉnh Gyeongsangnam của Hàn Quốc, mỗi ly latte được phục vụ cho khách, người pha chế sẽ viết thêm một câu... chửi trên lớp bọt sữa. Trong khi đó, hai chú cừu được nuôi trong khuôn viên một tiệm cà phê dành cho giới học sinh ở thủ đô Seoul và cũng chẳng thiếu những cửa tiệm có dịch vụ tư vấn pháp lý hay dịch vụ ngâm chân tại chỗ.

Những tiệm cà phê kỳ quặc này cho thấy sự phóng khoáng của người Hàn trong quá trình du nhập phong cách cà phê kiểu Tây. Việc hãng Starbucks lần đầu bước chân vào Hàn Quốc cách đây 16 năm đã chính thức châm ngòi cho ngành công nghiệp cà phê của Hàn Quốc. Từ một nước có truyền thống uống trà, ngày nay, người Hàn uống cà phê trung bình 12 lần mỗi tuần - thường xuyên hơn cả việc ăn kimchi.

Hàn Quốc đã có những quy định nhằm làm chậm sự tăng trưởng của những chuỗi cà phê và tiệm bánh lớn, bao gồm cả quy định về khoảng cách tối thiểu giữa những cửa tiệm. Điều này lại thúc đẩy các thương hiệu cà phê tại Hàn Quốc bước chân ra thị trường thế giới. Không chỉ quanh quẩn tại châu Á, các công ty này còn tìm kiếm và mở rộng ra xa hơn nữa.

Được thành lập năm 2008, Caffé Bene đang là thương hiệu thống trị ngành công nghiệp cà phê Hàn Quốc với hơn 900 cửa tiệm. Caffé Bene cũng đang đi tiên phong trong việc bành trướng ra nước ngoài, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. Tại đây, liên doanh của công ty này ghi nhận doanh thu tăng trưởng tới gấp rưỡi trong năm ngoái.

Chuỗi cửa hàng Caffé Bene cũng đã tiến vào thị trường Mỹ. Và để tạo sự khác biệt với những chuỗi cà phê của Mỹ, Caffé Bene đã thêm vào menu của mình những món kiểu Hàn như bánh waffle và bingsu, kem tuyết hay món misugaru (latte pha với gạo đen và nâu).

Wan Hui, một nhà phân tích tại Euromonitor cho rằng, nhiều chuỗi cà phê Hàn Quốc đang khôn khéo tận dụng sức mạnh từ ngành công nghiệp giải trí của nước này - vốn thu hút sự hâm mộ cuồng nhiệt từ giới trẻ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Cô cho rằng nhân tố chính dẫn tới sự tăng trưởng của Caffé Bene tại Trung Quốc là nhờ sản phẩm này xuất hiện trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng 'Secret Garden'. Trong phim, một cảnh hôn cực kỳ lãng mạn đã được khơi mào từ việc nhân vật nữ chính để bọt sữa trong ly Caffé Bene dính trên môi.

Nhờ biến được giới hâm mộ trào lưu văn hóa K-Pop và K-drama trở thành các khách hàng trung thành, những tiệm cà phê và nhà hàng kiểu Hàn gsẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong ngành dịch vụ thực phẩm tiêu dùng của Trung Quốc, Wan Hui cho biết thêm.

Tuy nhiên, với thị trường cà phê đang ngày càng chật chội ở những thành phố lớn của Trung Quốc, các thương hiệu Hàn đang tìm cách mở rộng xa hơn nữa. Tiên phong trong số đó chính là Tous Les Jours, một chuỗi bánh ngọt và cà phê thuộc sở hữu của tập đoàn CJ. 

Hiện nay Tous Les Jours đang có 70 cửa hàng tại Trung Quốc, cộng với 73 cửa hàng ở Đông Nam Á. Mặc dù mang cái tên Pháp và sở hữu bởi người Hàn, nhưng Tous Les Jours đã khôn khéo thiết kế các cửa hàng của mình để phù hợp với văn hóa địa phương như bố trí bãi đậu xe máy ở Việt Nam hay phục vụ bữa ăn tối nhẹ trong tháng Ramadan ở Indonesia.

Ông Ahn Hun-soo, trưởng bộ phận kinh doanh toàn cầu của CJ Foodville cho biết, công ty đã hưởng lợi từ những thành công của các thành viên khác trong tập đoàn CJ, trong đó bao gồm cả ngành kinh doanh âm nhạc, truyền hình và điện ảnh. "CJ đã xuất hiện tại các nước châu Á được một thời gian dài và chúng tôi hiểu rất rõ thị trường này", ông Ahn nói.

Một đối thủ khác có tên gốc Pháp là Paris Baguette đã phát triển mạnh mẽ đến tận ...Paris, nơi họ vừa khai trương thêm cửa hàng thứ nhì. Paris Baguette đang có tổng cộng 178 cửa tiệm tại các thị trường nước ngoài, chủ yếu ở Trung Quốc và Mỹ. SPC Group - công ty sở hữu chuỗi Paris Baguette - cho biết, cửa hàng đầu tiên của họ ở Paris hiện đạt doanh số cao hơn 25% so với giai đoạn mới khai trương vào mùa hè năm ngoái, thu hút tới 850 lượt khách mỗi ngày.

Những quy định của Hàn Quốc có thể làm chậm sự tăng trưởng của những quán cà phê lớn nhưng cũng tạo điều kiện cho các tiệm cà phê nhỏ lẻ được mở rộng. Những thương hiệu mới xuất hiện vẫn có thể phá vỡ luật chơi trên thị trường.

Điển hình trong số đó là Ediya Coffee. Thương hiệu này đang tìm cách tăng số lượng các cửa hàng tại Hàn Quốc từ 1.360 tiệm lên đến 3.000 tiệm trong vòng ba năm tới.

"Chúng tôi đã mở cửa hàng tại Bắc Kinh năm 2005 nhưng vì không hiểu văn hóa Trung Quốc nên đã thất bại. Vì vậy, phương châm của chúng tôi là: Đừng vội vàng!", ông Shin Seong-il, Phó Giám đốc điều hành của Ediya cho biết. "Ngành công nghiệp này đang bùng nổ nhưng vẫn còn không gian để phát triển", ông Shin cho biết thêm.

Cũng giống như những chuỗi khác, chuỗi cà phê của ông Shin thường mở cửa trễ vào ban đêm để phục vụ cho những người làm việc khuya. Ông cho biết: "Đây là một đặc điểm văn hóa của chúng tôi. Người Hàn có xu hướng làm việc trễ và thức khuya. Có những cửa hàng cà phê luôn mở cửa 24 giờ một ngày và họ đang khá thành công".

Trường Văn

Nguồn FT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới