Hủy

Cơn sốt tranh Art Déco đắt giá của nữ hoàng đồng tính Lempicka

Thứ Hai | 19/08/2013 13:11

Tại Paris, đang có triển lãm về những bức tranh biểu tượng của thời đại, về tư tưởng thịnh hành trong giai cấp thượng lưu thời trước.
 

Ảnh 1: Tranh sơn dầu "The Pink Tunic" (1927) của nữ họa sĩ Tamara de Lempicka. Bức tranh hiện đang được trưng bày trong một cuộc triển lãm tại viện bảo tàng Pinacothèque, Paris được tổ chức từ trung tuần tháng Tư cho đến hết 8/9 tới. Ảnh: Pinacothèque/Bloomberg
Tranh sơn dầu "The Pink Tunic" (1927) của nữ họa sĩ Tamara de Lempicka. Bức tranh hiện đang được trưng bày trong một cuộc triển lãm tại viện bảo tàng Pinacothèque, Paris được tổ chức từ trung tuần tháng Tư cho đến hết 8/9 tới. Ảnh: Pinacothèque/Bloomberg

Lấy chồng hai lần nhưng nữ họa sĩ Tamara de Lempicka yêu phụ nữ hơn đàn ông.

Temara de Lempicka được cả thế giới vinh danh là nữ hoàng nghệ thuật Art Déco. Viện bảo tàng Pinacothèque tại Paris đã tập hợp khoảng 60 tác phẩm để mở ra cuộc triển lãm kể lại giai đoạn vinh quang sự nghiệp của họa sĩ người Ba Lan. Nghệ thuật vẽ tranh của Tamara de Lempicka trở thành biểu tượng của một thời đại, do phản ánh rõ rệt tư tưởng thịnh hành trong giai cấp thượng tầng của xã hội thời bấy giờ.

Tamara de Lempicka không chỉ là một trong những nhân vật có tiếng nhất xã hội Paris, bà còn là họa sĩ tranh chân dung "mốt" nhất lúc bấy giờ.

Tại nước Mỹ, nơi Lempicka sống nửa đời còn lại, đã có thời người ta si mê bà lẫn tranh của bà điên cuồng; một trong số đó là nữ ca sĩ Madona, một người rất "chăm" sưu tập tranh của Lempicka. Madonna cũng là người đã khai thác nhiều nhất thế giới hội họa của Lempicka để đưa vào trong các phim video ca nhạc của cô là Vogue, Express Yourself và Open Your Heart.

Giới nghệ thuật Paris chưa bao giờ nhìn nhận phong cách nghệ thuật của Lempicka một cách nghiêm túc, song bà đã đạt được nhiều thành công rực rỡ trong sự nghiệp tại thành phố này.

Đó là thành quả xứng đáng cho một Lempicka đã dốc sức xây dựng hình ảnh nghệ sĩ đầy tham vọng, lộng lẫy, yêu chuộng tiền tài danh vọng. Khi đó, bà thường xuyên lui tới giới thượng lưu quý tộc, các dòng họ hoàng gia hay bá tước, các doanh nhân và kỹ nghệ gia giàu có.

Cuộc triển lãm hiện đang diễn ra tại viện bảo tàng Pinacothèque không phải là sự kiện đầu tiên về Tamara de Lempicka. Trước đó, một sự kiện khác tương tự đã diễn ra hồi năm 2006 tại khu ngoại ô đông đúc của Paris - Boulogne-Billancourt.

Lempicka (phát âm theo tiếng Ba Lan là Lèmpitska), tên thật là Maria Gorska sinh năm 1898 tại Warsaw, phần lãnh thổ Ba Lan thời còn thuộc về Đế chế Nga hoàng. Sau Thế chiến thứ nhất, Lempicka chạy tị nạn và chuyển tới sống ở Paris.

Bấy giờ, chồng bà, một luật sư, không thể kiếm tiền đủ nuôi sống cả gia đình, Lempicka bị buộc phải trở thành một trụ cột khác trong gia đình bà.

Trước đó, thời còn ở Nga, Lempicka đã bắt đầu vẽ tranh và xem đó như một thú vui riêng. Khi phải chịu áp lực kiếm tiền, Lempicka bắt đầu phát triển nghề vẽ theo một phong cách riêng.

Những bức vẽ chân dung có bố cục gọn, đường nét sắc như những bức ảnh poster và cuồn cuộn sức sống là thứ mà ngày nay người ta gọi là nghệ thuật Art Déco, một loại nghệ thuật giàu tính thiết kế và trang trí thịnh hành trong những năm 1920 và 1930.

Những mẫu vẽ khiêu gợi

Bức họa có tên "Nude with Buildings" (1930) của Tamara de Lempica. Bức tranh vải bố này cũng thuộc triển lãm tại viện bảo tàng Pinacothèque. Ảnh: Pinacothèque/Bloomberg
Bức họa có tên "Nude with Buildings" (1930) của Tamara de Lempica. Bức tranh vải bố này cũng thuộc triển lãm tại viện bảo tàng Pinacothèque. Ảnh: Pinacothèque/Bloomberg
Đa phần, Lempicka vẽ phụ nữ. Bà cũng không hoàn toàn giấu diếm về khuynh hướng giới tính của mình khi rất nhiều bức họa trong triển lãm tại Paris chứa đựng hình ảnh phụ nữ khỏa thân trong đủ loại tư thế gợi tình.

Lúc sinh thời, Lempicka quen giao du với Suzy Solidor, một nữ ca sĩ hát tại các câu lạc bộ đêm, người từng xuất hiện khỏa thân trong tranh của Lempicka. Đó là một trong những bức chân dung tuyệt vời nhất của bà. Tiếc rằng triển lãm lần này tại Paris không trưng bày bức họa về Solidor.

Thêm vào đó, còn một người khác bám đuổi Lempicka kịch liệt là hoàng thân Gabriele d’Annunzio. Gabriele d’Annunzio là nhà thơ người Ý, hơn Lempicka 35 tuổi, và mang tiếng là kẻ dâm đãng có thừa. Ông này ấp ủ ý định "lên giường" cùng nữ họa sĩ, trong khi Lempicka hi vọng bà sẽ được vẽ chân dung người đàn ông này. Họ đều có kết cục không vừa lòng nhau.

Đến năm 1927, phát chán về lối sống phóng khoáng và nhiều tin đồn thất thiệt về vợ, chồng Lempicka quyết định ly dị.

Năm 1939, Lempicka kết hôn lần thứ hai, chồng bà lần này là một quý tộc người Hungary. Họ chuyển tới Hollywood.

Lempicka xa rời thời hoàng kim vớ những buổi tiệc tùng trác táng thâu đêm, những dạ hội thời trang với hàng loạt kiểu áo đắt tiền. Trường phái nghệ thuật Art Déco sau một thập niên cực thịnh, đột ngột thoái trào. Tất cả những xu hướng hay phong trào thời thượng bỗng trở nên lỗi thời. Sau chiến tranh, tên tuổi của Tamara de Lempicka chìm hẳn vào quên lãng. Tên tuổi của bà chỉ được nhắc tới khi người ta khám phá lại phong trào Art Deco vào giữa những năm 1970, thông qua các cuộc triển lãm nghệ thuật tại các viện bảo tàng lớn trên thế giới.

Lempicka mất tại Cuernavaca, Mexico, tro cốt bà được dải xuống núi lửa Popocatepetl.

Nghệ thuật Art Nouveau và Art Déco

Ảnh 3: Tượng điêu khắc mang tên "The Crying Rock" (ra đời khoảng năm 1900) của nghệ sĩ Hector Lamaire. Bức tượng bằng sứ là một trong số tác phẩm trưng bày tại viện bảo tàng Pinacothèque. Ảnh: Pinacothèque/Bloomberg
Tượng điêu khắc mang tên "The Crying Rock" (ra đời khoảng năm 1900) của nghệ sĩ Hector Lamaire. Bức tượng bằng sứ là một trong số tác phẩm trưng bày tại viện bảo tàng Pinacothèque. Ảnh: Pinacothèque/Bloomberg

Viện bảo tàng Pinacothèque vốn nổi tiếng bởi những tác phẩm nghệ thuật kỳ dị và lạ thường. Triển lãm lần này về nữ hoàng Art Déco là một phần quan trọng trong mảng Art Nouveau của bảo tàng.

Hai loại trường phái Art Nouveau và Art Déco được xem như "những phong trào đối nghịch nhau", trong đó Art Déco hoàn toàn đối kháng và ngược lại với Art Nouveau". Song, đó mới là một nửa sự thực.

Trong khi Art Déco mới xác lập danh tiếng tại Paris trong năm 1925 thì trường phái Art Nouveau đã đi cả chiều dài lịch sử. Các phong trào nghệ thuật hiện đại của thế kỷ 20 được xây dựng trên nền tảng của Art Nouveau, trường phái tập trung vào các đường cong và màu sắc của thiên nhiên thế chỗ cho các đường thẳng nhân tạo.

Phong cách Art Nouveau.
Phong cách Art Nouveau trong kiến trúc.
Art Nouveau là một trường phái quốc tế, một phong cách nghệ thuật, kiến trúc, nghệ thuật ứng dung (đặc biệt là nghệ thuật trang trí) phổ biến vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Nghĩa của Art nouveau trong tiếng Pháp là nghệ thuật mới, nó còn được biết đến với cái tên Jugendstil, tức nghệ thuật trẻ trong tiếng Đức, hay một tên khác là Stile Liberty trong tiếng Anh.

Ngoài triển lãm về nữ hoàng Art Déco, viện bảo tàng Pinacothèque cũng mở triển lãm chuyên về những thứ thuộc về "Art Nouveau": từ tranh, ảnh poster, đồ vật, trang sức, các tác phẩm in thạch bản,...thuộc các bộ sưu tập tư nhân của nhiều nhà sưu tập người Pháp.

Ảnh 4: Tranh màu in của nghệ sĩ Georges Clairin, có tên "Sarah Bernhardt on her Sofa" (1876). Tác phẩm được trưng bày trong khuôn khổ triển lãm tại viện bảo tàng Pinacothèque. Ảnh: Pinacothèque/Bloomberg
Tranh in màu của nghệ sĩ Georges Clairin, có tên "Sarah Bernhardt on her Sofa" (1876). Tác phẩm được trưng bày trong khuôn khổ triển lãm tại viện bảo tàng Pinacothèque. Ảnh: Pinacothèque/Bloomberg

Nguồn Bloomberg, BBC/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới