Hủy

Ký ức về Kazimir Malevich tại bảo tàng Stedelijk Amsterdam

Chủ Nhật | 03/11/2013 08:02

Triển lãm là một cuộc hành trình kỳ công khám phá trí tưởng tượng của người khổng lồ của hội họa thế kỷ 20.
 

Tháng 3/1927, Kazimir Malevich, 48 tuổi, đã tới Berlin để xem lại các tác phẩm của mình. Tháng 6 năm đó ông trở về Nga và nhận ra rằng tương lai của ông rất ảm đạm tại nơi mà các nhà lãnh đạo coi trường phái nghệ thuật phi hiện thực là thứ văn hóa đồi truỵ. Vì thế mà ông để lại khoảng 70 tác phẩm tại Berlin.

Năm 1930, do nghi ngờ ông là gián điệp của Đức, công an Liên Xô đã bắt giam ông. Sau ngày ra tù, người sáng lập ra trường phái Siêu việt (Suprematism) - môn nghệ thuật trừu tượng và mang tính cách mạng nhất - đã phải quay trở lại trường phái hội họa hữu hình để tránh khỏi sự kiểm duyệt của nhà nước. Điều này có lẽ đã không làm vấy bẩn danh tiếng của ông với tư cách là một nghệ sĩ cấp tiến. Đôi khi ông thay đổi thời gian ghi trên các bức tranh để chứng tỏ các tác phẩm này được sáng tác trước khi ông hoàn thành bức Volte-face theo trường phái trừu tượng. Năm 1935, Malevich qua đời vì ung thư và tin chắc rằng các tác phẩm theo trường phái siêu việt cũng sẽ theo ông vĩnh viễn biến mất khỏi thế giới này.

Mystic Suprematism (1920-1922)
Mystic Suprematism (1920-1922)

Cuộc triển lãm hoành tráng tại viện bảo tàng Stedelijk ở Amsterdam chứng minh Malevich đã sai. Mặc dù phần lớn các tác phẩm bị hủy hoại bởi phát xít và bom của quân đội Đồng Minh, một số các tác phẩm còn sót lại của ông ở Berlin đã được viện bảo tàng Stedelijk mua lại vào năm 1958. Ngày nay, các tác phẩm mà ông để lại ở Berlin đã trở thành tâm điểm của cuộc triển lãm này. Chúng ta có thể hiểu sâu hơn về các tác phẩm của Malevich nhờ những bản phác thảo và những bức tranh được nhà sưu tập người Nga Nikolai Ivanovich Khardzhiev lưu giữ. George Kostakis, nhà sưu tập người Nga gốc Hy Lạp, cũng sở hữu một số tác phẩm của ông và hiện nay đang trưng bày trong viện Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại ở Thessaloniki. Triển lãm này còn trưng bày một số tác phẩm của các nghệ sĩ cùng trường phái với Malevich như Mikhail Larionov, Natalia Goncharova, Lyubov Popova, Olga Rozanova, El Lissitzky và Alexander Rodchenko.

Triển lãm là một cuộc hành trình chi tiết và kỳ công khám phá trí tưởng tượng bay bổng của người khổng lồ của hội họa thế kỷ 20. Mặc dù cho tới tận những năm 60, tài năng của Malevich mới được công nhận, một số các bức tranh của ông đã được trưng bày ở MoMA (Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại) ngay từ những năm 30. Ảnh hưởng của của ông đối với trường phái Ấn tượng trừu tượng (Abstract Expressionism) và trường phái Tối giản (Minimalism) là không thể phủ nhận.

Malevich sinh tại Kiev năm 1879, cha ông là quản đốc nhà máy đường. Năm 1905, ông theo học tại trường nghệ thuật ở Moscow. Tuy nhiên, kiến thức thực sự mà ông có được chính là từ những bức tranh của các họa sĩ Pháp (Monet, Cézanne, Matisse, Picasso, Braque) có trong bộ sưu tập của hai người bảo hộ cho ông là Sergei Shchukin và Ivan Morozov.

Woman in Childbirth (1908)
Woman in Childbirth (1908)

Tác phẩm có thời gian sáng tác sớm nhất trong số các tác phẩm trưng bày là bức “Women with Newspaper in her Lap” (1904) với những gam màu khá nhẹ nhàng như trắng, phấn hồng, xanh tím và xanh lá cây. Đây là sự thử nghiệm ban đầu của ông với trường phái ấn tượng chưa cho thấy dấu hiệu nào về sự dữ dội sau này. Vài năm sau đó, khả năng biểu đạt đầy huyền ảo của chủ nghĩa tượng trưng cùng với những màu sắc tinh tế trong các bức tranh dân gian và tôn giáo của Nga đã ảnh hưởng rất nhiều tới phong cách sáng tác của ông. Có thể nhận thấy dấu ấn này trong một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: "Woman in Childbirth "(1908) và "Shroud of Christ "(1908).

Shroud of Christ (1908).
Shroud of Christ (1908)

Sự cô đọng của khả năng biểu đạt chứng tỏ sức trẻ của ông trong sáng tác. Trong bức chân dung tự họa 1908-1910 ông mô tả mình như một nhà tiên tri mắt xanh, với nước da màu lục nhạt được làm sáng bởi màu cam. Đôi mắt nhìn trực diện vào người xem với sức mạnh của kẻ săn mồi trên hình nền là những cơ thể khỏa thân uốn lượn như những ngọn lửa đỏ đang rực cháy.

Chân dung tự họa (1908-1910)
Self-Portrait (Chân dung tự họa, 1908-1910)

Ba bức tranh Malevich sáng tác năm 1912 nhằm đề cao người lao động. Bức "The Mower" được ghép từ những mảng cắt tạo cảm giác gần gũi và chân thật, “The Woodcutter" mô tả một người máy hình ống mềm mại trong thời đại công nghiệp mới; bức tranh bán trừu tượng "Head of a Peasant Girl", mô tả một cô gái với khuôn mặt được thể hiện bằng các mảng cong giống như thể cô là một con hải quỳ. Những bức họa này cho thấy tài năng của ông trong việc phân tích các cấu trúc.

The Woodcutter (1912)
The Woodcutter (1912)

Cảnh đẹp như thơ của Mátxcơva đem lại cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ. Malevich cũng có nét tương đồng với Aleksei Kruchenykh, người sáng tạo ra “Zaum”, một thể loại thơ lấy cảm hứng từ tiềm thức. Cùng với họa sĩ kiêm nhà soạn nhạc Mikhail Matyushin, Malevich đã sáng tác ra bản opera mô tả sự cầm tù của mặt trời.

Đây là nơi nuôi dưỡng tài năng biểu đạt trừu tượng thuần túy của Malevich. Khi thiết kế sân khấu và trang phục, Malevich đã phác họa các khối hình lập thể bị che lấp một phần bởi những hình tam giác màu đen đầy bí ẩn, với bối cảnh gồm nhiều đường cắt chằng chịt. Điều đó cho thấy ông ngày càng bị phân tâm bởi khả năng biểu đạt của hình thái thuần túy.

Black Square
Black Square

Hai năm sau, tất cả các dấu vết của hiện thực đã biến mất trong các bức tranh. Những ký ức về triển lãm 0,10 của ông tại Petrograd năm 1915 đã được viện bảo Stedelijk tại hiện lại. Triển lãm trưng bày 38 bức tranh trừu tượng thuần túy với tâm điểm là bức "Black Square" mà Malevich thường treo ở góc phòng tranh, nơi chỉ dành cho các biểu tượng tôn giáo.

Những bức tranh này gây ra một vụ tranh cãi. (Nhà phê bình Aleksandr Benois than thở: "Tất cả những gì chúng ta cho là thánh thiện và thiêng liêng [...] đã biến mất.") Trong thời đại của chúng ta, ảnh hưởng của những bức tranh này đã giảm đi. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, thật khó có thể cưỡng lại sự mê hoặc của chúng. Cảm giác không trọng lượng của các khối hình như được giữ bằng nam châm vô hình, còn khó tưởng tượng hơn là năng lượng đến từ vũ trụ hoặc các sinh vật đến từ các hành tinh khác.

Suprematism of the Spirit (1920)
Suprematism of the Spirit (1920)

Ý tưởng mà những bức tranh này thực sự muốn biểu đạt vẫn còn là một điều bí ẩn. Malevich mô tả trường phái Tối thượng là sự chiến thắng của màu sắc và hình khối đối với chủ nghĩa hiện thực. Ông viết như một nhà thơ - "Tôi đã phá vỡ giới hạn của đường chân trời" (thoát khỏi những trói buộc của chủ nghĩa hiện thực truyền thống) - và tư duy như một linh mục. Ngoài việc bức "Black Square" đã được thần thánh hóa, nó còn tỏa ra một vầng hào quang thần bí, như thể biểu tượng tôn giáo đã được thăng hoa thành những gì tinh túy nhất của trường phái trừu tượng. Một chuỗi rất nhiều những bức tranh vẽ thánh giá bao gồm bức "Suprematism of the Spirit" (1920), bố cục của bức tranh là một hình vuông màu trắng đè lên cây thánh giá màu đen bị cắt bởi một thanh dài màu đỏ mô tả biểu tượng của Thiên chúa giáo chính thống Nga về sự chiến thắng của Chúa Kitô đối với cái chết.

Suprematist Composition (1915)
Suprematist Composition (1915)

Malevich còn rất say mê khoa học. Ông tuyên bố Suprematism là một bài thánh ca dành cho người kỹ sư, là cách duy nhất để một kỹ sư ngợi ca "vẻ đẹp tươi mới của cuộc sống hiện đại – những phát minh tuyệt vời, chinh phục không gian và tốc độ". Tương tự như Chủ Nghĩa Vị Lai Ý, cốt lõi của nó là sự vận động - nhưng không giống như các mô hình cực đoan của các họa sĩ Ý, Malevich mô tả sự chuyển động bằng các mảng hình khối mà bản chất của chúng là tĩnh.

Đỉnh cao trong sự nghiệp của ông là những bức tranh màu trắng trên nền trắng, bốn bức trong số đó đang được trưng bày tại viện bảo tàng Stedelijk. Những họa sĩ tiên phong theo trường phái trừu tượng đơn sắc như Yves Klein, Ad Reinhardt và Robert Ryman, với những nét vẽ dứt khoát qua lăng kính của những màu sắc như tím, bạc, trắng tuyết, ngọc trai, kem – đã biện minh một cách thuyết phục cho quan điểm của Malevich rằng màu trắng mới chính là biểu tượng của"chuyển động thuần túy".

Sau khi đạt tới đỉnh cao này, Malevich tuyên bố rằng "đã không còn chỗ cho hội họa" nữa. Một nửa của triển lãm cho thấy ông đã chuyển hướng sang việc kiến tạo ra những cấu trúc không tưởng, được ông gọi là "planit", cùng với một số họa sĩ theo trường phái duy tâm như El Lissitsky.

An Englishman in Moscow (1914)
An Englishman in Moscow (1914)

Tuy nhiên, quan niệm "nghệ thuật vị nghệ thuật" dưới chế độ Stalin bị cho là đồi trụy. Malevich đã phải cố gắng để thích ứng với nhu cầu nghệ thuật phải phục vụ cho cuộc sống hàng ngày; các họa tiết trang trí trên tách cà phê trang của ông là một trong những biểu tượng thiết kế nội thất điển hình nhất. Khi ông từ Berlin trở về Nga, cách duy nhất để tồn tại là quay về với chủ nghĩa hiện thực, mà 10 năm trước đây ông đã cho rằng đó là trường phái của những kẻ bị "rối loạn tâm thần”.

Sau sự suy tàn của chủ nghĩa bản thể, rất nhiều những bức tranh sơn dầu thuộc trường phái Hậu ấn tượng tạo cảm giác hiện thực bị bóp méo. Tuy nhiên, một loạt các bức"Running Man" (1930), "Girl with a Red Pole" (1932-1933), " Girl with a Comb in Her Hair" (1932), "Woman with Rake" (1930-1932) – tạo một phong cách riêng mà bố cục là sự kết hợp của các khối màu phẳng đơn sắc đặt chồng lên nhau. Những bóng ma của chủ nghĩa không tưởng vẫn còn mãi ám ảnh Malevich.

Running Man (1930)
Running Man (1930)

Girl with a Red Pole (1932-1933)
Girl with a Red Pole (1932-1933)

Woman with Rake (1930-1932)
Woman with Rake (1930-1932)

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới