Hủy

Rộ mốt học cưỡi ngựa Tây ở Hà Nội

Thứ Tư | 16/04/2014 07:18

Anh Ngô Lê Thắng - chủ trang trại ngựa ở Mai Dịch (Hà Nội) cho biết, vào những ngày cuối tuần, có khá đông người đến học cưỡi ngựa.
 

Đàn ngựa hơn 20 con, trong đó có nhiều con được anh Ngô Lê Thắng đưa về Việt Nam từ các nước Anh, Đức, Lào… Tất cả những chú ngựa này đều cao ráo, đẹp mã, không lùn như ngựa Việt Nam, nên nhiều người vẫn quen gọi là ngựa Tây. Trang trại của anh Thắng thu hút khá đông người đến học cưỡi, đặc biệt vào những dịp cuối tuần.

Theo tiết lộ từ một người bạn có cùng sở thích với anh Thắng, số tiền để đưa đàn ngựa nói trên về Việt Nam lên tới hàng tỷ đồng. Sau khi lựa chọn và mua được những chú ngựa ưng ý từ nước ngoài, chủ nhân phải chi tiền vận chuyển, làm thủ tục hải quan.

Bãi chăn thả tập cho đàn ngựa.
Bãi chăn thả tập cho đàn ngựa.

Trong số này, có một vài con được ông chủ trại ngựa đưa về Việt Nam theo đường hàng không . Nhưng không phải cứ đưa về, thả đó, rồi mặc cho chúng muốn ăn gì cũng được. Anh Thắng cho biết, những con ngựa này to hơn ngựa Việt Nam, nên không chỉ ăn cỏ đơn thuần. Thức ăn của chúng là cám được làm từ lúa mạch, khoáng chất, thóc và ngô. Mỗi ngày, trung bình một con "ngốn" hết 200.000 đồng tiền thức ăn, chưa kể người nuôi phải bỏ công chăm sóc, tắm rửa, theo dõi xem có bệnh tật hay không.

Tất cả những kiến thức về nuôi và chăm sóc ngựa được anh Thắng học hỏi dần dần, qua sách vở, cũng như kinh nghiệm từ những người có cùng sở thích. "Có một số vị khách người nước ngoài, khi đến trại ngựa tham quan cũng chỉ cho mình những kiến thức về nuôi và chăm sóc ngựa. Với những vấn đề chưa tìm ra cách giải quyết, có người nhiệt tình tìm hiểu cả mấy ngày, rồi cùng mình vạch ra phương án giải quyết", anh Thắng chia sẻ.

Cô Mikhal Efrat là huấn luyện viên chuyên nghiệp người Isarel cho các học viên.
Từ việc bỏ hàng tỷ đồng để đưa về Việt Nam, đến nuôi, chăm sóc những con ngựa này, anh Thắng đều làm bởi đam mê. Anh tâm sự, chưa nghĩ đến việc sẽ kiếm tiền từ việc cho mượn ngựa để chụp ảnh nnhư một số người đang làm, nên khách đến tham quan trang trại, anh luôn chào đón.

Tại trại ngựa của anh Thắng, một dịch vụ duy nhất đang được áp dụng là học cách cưỡi ngựa. Không tự phát hay làm theo phong trào, ở trại ngựa, học viên sẽ được học bài bản, từ cách ngồi vững trên yên cương cũng như cách điều khiển ngựa theo ý mình. Mức học phí cho mỗi giờ học cưỡi ngựa là 450.000 đồng.

"Mức này có vẻ đắt, nhưng so với số tiền bỏ ra đầu tư để mang được những con ngựa về đây chưa thấm vào đâu", ông chủ trại chia sẻ. Anh Thắng cũng nói thêm, khách hàng chấp nhận mức giá này, vì tại đây, học viên được hướng dẫn bài bản bởi huấn luyện viên người Isarel - cô Mikhal Efrat. Cũng theo ông chủ trang trại ngựa Tây, những người đến học cưỡi ngựa phần lớn là các bạn trẻ, những gia đình có con nhỏ và một bộ phận người nước ngoài. "Nhiều người muốn cho con được tiếp xúc với môn thể thao nổi tiếng, thậm chí có nhiều vị phụ huynh người nước ngoài cũng đưa con đến đây để học cưỡi", anh Thắng tiết lộ.

Toàn cảnh về trang trại ngựa Tây của anh Thắng:

Nguồn Zing


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới