Hủy

Hoài niệm cát xét

Thứ Bảy | 27/04/2013 11:03

Máy cát xét và băng nhạc tuyển là thứ của cải trí thức trẻ Sài Gòn phải sắm cho được, già hơn và giàu hơn một chút thì chơi băng cối Akai.
 

Tôi mua năm nghìn xôi từ người đàn ông bán dạo áo bỏ trong quần tề chỉnh, từ vỉa hè Phạm Ngọc Thạch chỗ tôi ngồi phải hét thật to át tiếng rao hàng. Tiếng rao không phải rao bằng miệng mà mở loa giấu đằng sau yên xe đạp: "Xôi đơi, xôi đậu đen đậu xanh đậu phộng xôi gấc đơi, xôi đơi", loa oang oang một đoạn phố.

Tôi gọi í ới mãi người bán mới nghe thấy vì còn mải mê vừa đạp xe vừa ngắm những tán lá xanh trên cao, sáng chủ nhật nắng ngời và xôi thì thơm lựng, tôi hỏi người đàn ông lãng mạn còn sót lại của thế kỷ hăm mốt đã phát tiếng rao ra loa từ máy gì và được trả lời, đĩa CD.

sf

Một người bán xôi dạo cũng dùng đĩa CD làm phương tiện "truyền thông đại chúng", ba mươi năm trước tôi học nhạc chỉ mơ có cái máy cát xét mà cứ hoài ở ngoài tầm với. Tôi còn giữ lá thư tôi viết khi còn là một đứa bé con, nhỏ hơn con trai tôi bây giờ, chắc mới lên bảy, gửi cho người cậu ruột: Cậu ơi cái máy cát xét nhà mình lại bị kẹt nút eject, cháu cứ phải nhét một que tăm xuống dưới hộc băng rồi lấy tay nạy nhè nhẹ nó mới bật ra, hôm nọ mấy cuốn băng Thái Thanh cậu để ở nhà bị rối mất mấy đoạn, cháu đã làm theo lời cậu vặn ốc ra cuộn lại ngay ngắn...

Đó là chiếc máy một hộc băng và hai loa tháo rời được hiệu National mua năm 1973 mà khi đem về nhà, nó gây hiệu ứng choáng ngợp cả xóm vì vẻ hiện đại và chất lượng âm thanh của nó.

Cậu tôi thường đặt hai chiếc loa mỏng dẹt ra hai đầu divan, "đại bản doanh" của ông, nơi lúc nào cũng có trà ngon, thuốc lá đen Bastos Luxe và cà phê pha phin, nơi lúc nào cũng có mấy cuốn sách loại bỏ túi vứt lăn lóc xen với những cuốn sổ ghi chép, vài cây bút máy và mấy chồng băng nhạc. Đường Võ Tánh, nay là đoạn Nguyễn Trãi thuộc quận 1, bấy giờ là nơi cậu tôi dạo quanh đến mòn gót giày để mua bằng được các băng cát xét mới phát hành, xem ra khu ấy vào dạo ấy còn hấp dẫn hơn bây giờ đầy các cửa hàng thời trang hào nhoáng.

Máy cát xét và băng nhạc tuyển là thứ của cải trí thức trẻ Sài Gòn phải sắm cho được, già hơn và giàu hơn một chút thì chơi băng cối Akai nhưng đó là câu chuyện khác và băng cối dù gì cũng không thọ bằng băng cát xét nhỏ, băng cát xét còn sống hùng sống mạnh mãi đến khi bị CD thay thế.

Sau năm 1975, nhà tôi không còn món đồ gì đáng giá. Mẹ tôi cải thiện kinh tế, mua xe đạp và mua quạt máy chứ không gồng nổi mua máy cát xét. Tôi toàn nghe ké nhạc ở nhà bạn, mua băng trắng đem nhờ bạn thu cho rồi nghe tại chỗ. Quãng năm 1986, ông chú ruột tặng cho một cái Walkman chạy băng, tôi quý như vàng.

Nhưng những cái máy mini kiểu ấy đâu có bền. Dùng quãng vài tháng và nhất là dùng mười mấy tiếng mỗi ngày như tôi, máy bắt đầu trở chứng: đánh rối băng, mô tơ quay sai tốc độ, đầu từ mòn, các nút bật tắt bị gãy vỡ. Như một cách… trả thù thời khốn khó, vào lúc bắt đầu làm công việc biên tập âm nhạc, 1997, tôi ra chợ trời Nhật Tảo tha về không chỉ một, mà bốn đầu đọc cát xét toàn các hiệu lớn Denon, Nakamichi, Sansui, xếp chật căn gác, còn băng cát xét thì xếp kín tủ… quần áo.

Một thứ phức cảm theo phân tâm học. Ta có thể đặt tên là phức cảm cát xét.

Tôi quen với Lê Quang Đạo, hỗn danh Đạo đầu bạc, cũng từ chuyện cát xét, Đạo vốn là dân sưu tập đĩa hát và là người sang băng thuê thuộc đẳng cấp có một không hai ở Sài Gòn.

Bây giờ, thời của nhạc số, tạo một playlist trên iTunes là chuyện con nít, nhưng ngày xưa, người khôn của khó, mua một cuốn băng trắng Maxell loại có lớp chrome trộn với oxyde sắt (Type II) cũng phải nhịn mấy bữa sáng, thì gửi vàng cũng phải chọn mặt, dân nghiện nhạc ngoại quốc chọn Đạo, nhà anh lúc nào cũng đông nghịt khách hàng chờ lấy băng.

Playlist, hay là nhạc mục tuyển chọn cho một băng sang từ đĩa, Đạo rất giỏi biên tập. Bài này nối vào bài kia một cách tự nhiên, hấp dẫn, như dắt ta đi trọn một bảo tàng nhạc pop/rock không có điểm dừng chân, không bao giờ chán, quên hết thời gian. Hai mươi mấy bài kín một băng C90 (thời lượng 90 phút) và băng tuyển nào cũng hay, hay từ cách sắp xếp bài đến chất lượng âm thanh, chỉ có Đạo làm được và như một nhà giả kim lão luyện, Đạo là thần tượng của lớp trẻ Sài Gòn mê nhạc. Chỉ thông qua cuốn băng cát xét, không cần thêm một lời tự tán dương nào.

Máy cát xét, băng cát xét nay đã thành đồ cổ. Tôi lùng mua chiếc máy nào còn kha khá cho con tôi học Anh ngữ, mà toàn đồ đồng nát. Thì đấy, ngay ông bán xôi còn dùng CD (may là ông chưa dùng đến iPod phát nhạc nén mp3) thì cát xét ắt phải thất sủng. Và thất truyền. Tủ băng cũ của tôi nay tứ tán, rơi vỡ thất lạc gần hết, mà dẫu có còn thì cũng chẳng còn máy để phát. Cát xét chỉ còn trong tâm tưởng. Như tình đầu vậy.

Chỉ còn trong tâm tưởng.

Quốc Bảo

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới