Hủy

Hong Kong đang trở thành trung tâm đấu giá nghệ thuật của thế giới

Chủ Nhật | 27/05/2012 08:12

Hong Kong còn nhiều cơ hội phát triển khi các nhà triển lãm phương Tây cố tìm hiểu thị hiếu, thói quen chi tiêu của giới sưu tập mới ở Châu Á.
 

Với việc tổ chức một trong những hội chợ nghệ thuật hàng đầu thế giới, Hong Kong đang là điểm đến của thế hệ mới các nhà sưu tập giàu có.

Có thể dùng tên của bức họa trường phái trừu tượng dài 6 foot Anh (1 foot = 0,3048m) của họa sĩ Trung Quốc, Chu Teh-Chun, sáng tác năm 2006, “Mở rộng” (Expansion) để mô tả tham vọng của Hội chợ Nghệ thuật Quốc tế Hong Kong (Art HK). Tác phẩm này đã được bán cho một nhà sưu tập người Trung Quốc với giá khoảng 900.000 USD.

Tuy được tổ chức lần đầu cách đây 5 năm, song Art HK đã nhanh chóng trở thành hội chợ nghệ thuật danh tiếng của Châu Á, thu hút trên 60.000 khách mỗi năm đến tham quan các gian hàng trưng bày tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hong Kong.

Theo giám đốc hội chợ, Magnus Renfrew, năm nay, ít nhất 700 phòng triển lãm nghệ thuật được tổ chức trong 266 gian hàng của hội chợ. Nhiều thương nhân như Pearl Lam từ Thượng Hải và Emmanuel Perrotin từ Paris đã chờ đến hội chợ này để khai trương các phòng triển lãm mới của họ ở Hong Kong. Các nhãn hiệu sang trọng như Veuve Clicquot và Shanghai Tang cũng tổ chức các bữa tiệc thâu đêm nhân sự kiện này.

Một tác phẩm sắp đặt tại hội chợ ArtHK 2012
Một tác phẩm sắp đặt tại hội chợ ArtHK 2012

Toàn bộ những sự kiện trên đều nằm trong kế hoạch dài hạn của Hong Kong là trở thành trung tâm giao lưu buôn bán tác phẩm nghệ thuật hoạt động quanh năm, cạnh tranh với London hoặc New York.

Art HK thực sự còn rất nhiều cơ hội phát triển khi các nhà triển lãm nghệ thuật đến từ phương Tây đang cố gắng thấu hiểu thị hiếu đang thay đổi và thói quen chi tiêu của các nhà sưu tập mới ở Châu Á – những người chơi có quyền lực thực sự ở đây.

Tinh thần mọi người nói chung rất vui vẻ và lạc quan. Một vài gian hàng đã bán hết toàn bộ tác phẩm trưng bày, nhưng những phòng trưng bày lớn như Pace công bố doanh số bán ổn định đối với các tác phẩm có giá dưới 1 triệu USD, phần lớn bán cho người mua từ Châu Á và Châu Âu. Các thương nhân cho biết ít nhất 300 nhà sưu tầm Australia đăng ký tham dự, và phần lớn họ vui mừng vì có một hội chợ tương đối gần nhà.

Mặt khác, số lượng các nhà sưu tầm Mỹ - vốn thường lũ lượt kéo đến các hội chợ nghệ thuật quy mô lớn trên toàn thế giới - có mặt tại Art HK lại thấp một cách đáng ngạc nhiên. Các thương nhân lý giải rằng người Mỹ có thể đang tập trung ở hội chợ Frieze New York, trong khi số khác đang dành dụm tiềm để tham dự Hội chợ Art Basel vào tháng tới – Hội chợ nghệ thuật đương đại của Thụy Sỹ.

Mới đây, chủ sở hữu Art Basel, MCH Group, đã mua đa số cổ phần sở hữu của Art HK, do vậy, mùa xuân tới Art HK sẽ đổi tên thành Art Basel Hong Kong.

Ngày 16/5/2012, một nhóm các nhà sưu tập danh tiếng đã xuất hiện trong buổi giới thiệu những nhân vật quan trọng của hội chợ, trong đó có cả François Pinault, ông chủ của Christie; Uli Sigg, cựu đại sứ Thụy Sỹ tại Trung Quốc; Rudy Tseng, cựu giám đốc điều hành Walt Disney đến từ Đài Loan; và Richard Chang, giám đốc hãng đầu tư Tira Holdings tại Bắc Kinh.

Các phòng triển lãm cũng có đôi chút thay đổi để khách tham quan cảm thấy dễ chịu và thoải mái. Gian trưng bày của Annely Juda đến từ London gắn giá bán bằng tiếng Quan thoại cho các tác phẩm – công việc mà thương nhân thường chỉ thì thầm với những người mua triển vọng theo từng trường hợp cụ thể.

Thương nhân David Juda cũng gắn nhãn đánh dấu bên cạnh tác phẩm “Felled Totem, September 8th, 2009” trị giá 950.000 USD của David Hockney để mọi người biết rằng tác phẩm này đã tìm được người mua. Trong các hội chợ khác, ông Juda không làm việc này, nhưng ông cho biết “Tôi nghe thấy rằng đó là ý tưởng hay ở đây để tái khẳng định với mọi người khi tác phẩm đã được bán”.

Nhiều phòng triển lãm trưng bày các tác phẩm mới của các nghệ sĩ Châu Á. Tại một trong những gian trưng bày tỉ mỉ và công phu nhất, Gagosian Gallery đã bố trí thêm một gian bên cạnh có trải thảm để giới thiệu một cặp bức họa mới vẽ bằng bút chì của Zeng Fanzhi, họa sĩ Trung Quốc nổi tiếng với loạt tranh “Mặt nạ” (Mark Series 1996 No.6).

Bên cạnh đó, Gagosian còn sử dụng những bức tường còn lại của gian phòng này để giới thiệu các tác phẩm của danh họa Pablo Picasso, Alberto Giacometti và Claude Monet. Việc này dường như đã có tác dụng: Các bức họa của Zeng được bán vào ngày đầu tiên, nhưng giá bán không được công bố.

Thương nhân Stephane Custot đến từ London, người đã bán bức họa trừu tượng của Chu Teh-Chun, cũng mang đến hội chợ bức “Bust of a Man” trị giá 2,2 triệu USD của Picasso.

Stephane Cusot cho biết khách quan quan có xu hướng nghiêng về những nghệ sĩ của quê hương họ. Ở đây (Art HK) tranh của Chu Teh-Chun dễ bán hơn tranh của Picasso.

Rudy Tseng, nhà sưu tập Đài Loan, nghĩ rằng sức mạnh của Art HK nằm ở sự pha trộn nghệ thuật phương Đông và phương Tây. Trong hội chợ năm nay, ông tiết lộ rằng ông thích bức tranh khổ lớn “Stripe” của họa sĩ người Đức, Gerhard Richter, trưng bày tại gian hàng của Marian Goodman. Ông cũng khen ngợi tác phẩm điêu khắc kích cỡ lớn như người thật khủng long và tê giác của cặp đôi nghệ sĩ Bắc Kinh, Sun Yuan và Peng Yu.

Nguồn DVT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới