Hủy

Tìm thuốc "trường sinh bất lão"

Thứ Bảy | 21/04/2018 23:03

Khoa học vẫn nỗ lực tìm ra những công nghệ để giúp con người trẻ mãi không già, thậm chí là tái sinh.
 

Các bệnh bại liệt, thương hàn, sởi, uốn ván, sốt vàng da, đậu mùa, bạch hầu và thủy đậu gần như đã bị xóa sổ hoàn toàn ở nhiều khu vực trên thế giới. Vaccine và thuốc đặc trị đã cho phép con người chống trả các vi khuẩn, ký sinh trùng và virus có thể gây tử vong. Vậy còn lý do gì để con người không thể kéo dài tuổi thọ của mình?

Có thể ngăn tuổi già?

Quy luật sinh-lão-bệnh-tử không chừa một ai. Khi chúng ta già đi, các tế bào trong cơ thể sẽ ngưng làm việc và có thể hư hỏng, gây ra các căn bệnh như ung thư, bệnh tim mạch, hen suyễn và bệnh mất trí nhớ (Alzheimer).

Nhìn chung, các chứng bệnh liên quan đến tuổi già gây ra khoảng 100.000 ca tử vong mỗi ngày. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu tin rằng chúng ta có thể đã sai lầm trong cách nghiên cứu về tình trạng lão hóa. Họ cho rằng chúng ta nên coi chứng lão hóa như một căn bệnh - tức là có thể được phòng ngừa và chữa khỏi.

Ý tưởng trên dựa trên những khám phá mới đây, theo đó cho thấy quá trình lão hóa sinh học có thể hoàn toàn phòng ngừa và chữa trị được. Từ góc độ sinh học, cơ thể chúng ta lão hóa ở các tốc độ khác nhau tùy theo các yếu tố di truyền và môi trường sống.

Tim thuoc

Các khiếm khuyết nhỏ trong bộ ADN và trong tế bào của chúng ta bắt đầu gây ra các lỗi; các lỗi này dần tích tụ đến mức độ nào đó thì mô bị phá hủy.

Các nhà khoa học đang hy vọng tạo ra đột phá trong vấn đề nghiên cứu lão hóa, trong đó có một số trung tâm nghiên cứu ưu tiên tìm kiếm các phương cách ngăn chặn lão hóa sinh học. Nghiên cứu trên động vật cho thấy thật ra chúng ta có thể kéo dài đáng kể vòng đời của một số loài, và điều đó mở ra hy vọng rằng việc này cũng có thể diễn ra ở người. Một loại thuốc trị tiểu đường thông dụng, metformin, có khả năng kéo dài tuổi thọ của các loài gặm nhấm.

Bảy nhân tố sinh học

Một trong những nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu tuổi thọ con người là Aubrey De Grey. De Grey là nhà khoa học chính tại Viện Nghiên cứu Chiến lược về Các kỹ thuật về sự già yếu, một cơ quan nghiên cứu về thuốc tái tạo có trụ sở ở bang California tập trung vào kéo dài tuổi thọ khoẻ mạnh ở con người. Ông giải thích rằng mục tiêu của họ là xây dựng một bộ các liệu pháp cho người trung niên và người già để giúp họ giống như người trong độ tuổi dưới 30 cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Có bảy nhân tố sinh học mà De Grey cho rằng chịu trách nhiệm phần lớn cho sự hư tổn tế bào, gây ra sự lão hóa và kéo theo các chứng bệnh tuổi già.

Các nhân tố này gồm việc các tế bào ở một bộ phận không được tái tạo đủ nhanh; tình trạng các tế bào tự phân bào không kiểm soát được như xảy ra ở trường hợp ung thư; tình trạng các tế bào lẽ ra đã đến lúc chết thì lại không chết vốn là một nguyên nhân khác gây ra ung thư; sự tổn hại mã ADN của cơ quan sản xuất năng lượng nhỏ trong các tế bào được gọi là ti thể; sự tích tụ các vật chất thải ra bên trong tế bào; các chất thải tích tụ bên ngoài tế bào; và sự xơ cứng cấu trúc hàng rào lưới bên ngoài tế bào, được gọi là ma trận ngoại bào vốn cho phép các mô có độ co giãn, linh hoạt.

Chặn đứng lão hóa

"Cách chữa trị vấn đề đầu tiên về vấn đề có quá ít tế bào là liệu pháp tế bào gốc," De Grey giải thích. Cách làm này cung cấp cho các mô một lượng tế bào trẻ để thay thế các tế bào chết đi trong quá trình lão hóa.

Các vấn đề khác, chẳng hạn khi các tế bào đã đến kỳ chết nhưng không chết, có thể cần giải pháp phức tạp hơn. "Về nguyên tắc, chúng ta có thể sử dụng cách chọn gene thích hợp để áp dụng biện pháp 'gene tự sát' - tức là các tế bào chứa biểu hiện gene sẽ sản xuất ra các protein có khả năng giết chết tế bào. Mẹo ở đây là việc chỉnh sửa gene sao cho chúng chỉ có thể tạo ra loại protein chết chóc đó nếu sự phát triển của tế bào gây hại nhiều hơn lợi.

Tim thuoc

De Grey không cho rằng tất cả các cách làm này sẽ có thể chặn đứng hoàn toàn quá trình lão hóa nhưng chúng có thể giúp con người sống thêm chừng 30 năm nữa. Nguyên tắc của cách làm này là nếu ai đó được điều trị khi 60 tuổi sẽ trở về tuổi 30 về mặt sinh học. Tuy nhiên, do những liệu pháp này không giúp điều trị vĩnh viễn được, các tế bào của họ sẽ trở thành 60 tuổi một lần nữa trong 30 năm kế tiếp.

Liệu pháp truyền máu

George Church, một nhà di truyền học tại Trường Y Đại học Harvard cho rằng "Nếu bạn có thể kiểm soát cả môi trường và di truyền, bạn có thể giúp cho bệnh nhân sống trẻ trung và khỏe mạnh lâu hơn rất nhiều so với những người khác.

Trong số các cách làm nổi bật để tăng tuổi thọ là một quy trình nghe có vẻ rùng rợn thường được biết đến với tên gọi 'liệu pháp dơi hút máu'. Các bệnh nhân mất trí nhớ được truyền huyết tương từ những người hiến máu trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 30 đã có những dấu hiệu cải thiện trong một thử nghiệm gần đây. Các bệnh nhân mới phát bệnh Alzheimer đã lấy lại khả năng tự tắm rửa hay mặc quần áo, hay làm những công việc khác, như việc nhà.

Thuật tái sinh

Trong khi thử nghiệm này vẫn còn đang tiếp tục, một công ty Mỹ Ambrosia công bố giải pháp cho những khách hàng lớn tuổi trẻ lại bằng cách tiếp máu của những thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 25 với giá 8.000 USD mỗi lần.

Công ty này nói rằng liệu pháp truyền máu có thể giúp tăng cường hoạt động của những tế bào ở người già, cũng như giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân Alzheimer thời kỳ đầu và giúp chuyển tóc bạc của bệnh nhân 60 tuổi thành đen hơn.

Tuy nhiên nghiên cứu của họ vẫn chưa được công bố trên bất kỳ tạp chí chuyên ngành nào và đã bị chỉ trích là không tính đến hiệu ứng placebo, tức là làm an lòng bệnh nhân hơn là có công dụng thực sự.

Một số công ty thậm chí còn giới thiệu cơ hội cho các khách hàng giàu có để gìn giữ thi thể để chờ cơ hội "tái sinh" khi có điều kiện. Tuy nhiên, cho đến giờ vẫn chưa có khách hàng nào của họ được hồi sinh trở lại từ phòng trữ lạnh.

Trong khi các nhà khoa học tìm mọi cách để kéo dài tuổi thọ, thậm chí tìm cả giải pháp "bất tử" thì có những lo sợ rằng việc sống thọ quá lâu có thể dẫn đến dân số bùng nổ. Hay họ đặt ra câu hỏi liệu các công nghệ có bị những kẻ độc tài lắm tiền của lạm dụng để kéo dài tuổi thọ? Trong khi những người khác đặt vấn đề liệu chúng ta có cảm thấy buồn chán với cuộc sống cứ kéo dài ra mãi hay không?

Nguồn BBC Future


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới