Hủy
Startup

Okiva: Sàn livestream của Việt Nam

Bảo Trung Thứ Tư | 01/01/2020 15:31

Ảnh: laodong.vn.

Công cụ bán hàng thông qua livestream của một startup Việt Nam...
 

Khái niệm “video nội dung là vua mới” (Video content is the new king) đã trở thành hướng đi mới trong ngành marketing trong 3 năm trở lại đây, khi ngày càng nhiều công ty đua nhau xây dựng đội ngũ làm video để đẩy mạnh bán hàng. Tuy nhiên, trong năm 2019, những video quảng cáo tĩnh, dàn dựng công phu vẫn phải chịu thua một xu hướng mới nổi lên đó chính là bán hàng qua phát sóng trực tiếp - livestream.

Kênh bán hàng đắc dụng

Từ năm 2016 khi mạng xã hội Facebook chính thức mở tính năng livestream, ngoài việc cập nhật tin tức một cách nhanh nhất từ hơn 2 tỉ người dùng trên thế giới, một làn sóng bán hàng mới đã bắt đầu xuất hiện khi nhiều cửa hàng nhỏ lẻ đã có thêm kênh miễn phí để quảng cáo sản phẩm. Theo Brands Việt Nam, doanh thu ngành hàng livestream ở Việt Nam đã chiếm hơn 10% quảng cáo trực tuyến, tương ứng với số tiền 20 triệu USD trong năm 2018. Còn theo Streamlabs, ngành công nghiệp này trên thế giới đã trị giá gần 15 tỉ USD và ngày càng tăng.

 

Sau thời gian khảo sát tiềm năng của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, Hàng Minh Lợi đã từ Úc quay về Việt Nam để xây dựng một startup công nghệ, nhằm phát triển kênh livestream dành riêng cho việc bán hàng có tên Okiva.

Theo anh giới thiệu, đây là sàn thương mại điện tử livestream video đầu tiên tại Việt Nam, xây dựng trên nền tảng riêng biệt, giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu thao tác khi giới thiệu sản phẩm, chốt đơn hàng và thu thập thông tin người mua. Người bán cũng có thể quản lý hàng hóa, đơn hàng và chăm sóc khách hàng trên Okiva như một nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt.

Minh Lợi chia sẻ: “Khi trở về Việt Nam, tôi nhận thấy hầu hết các sàn thương mại điện tử chỉ là nơi để buôn bán chứ chưa có nền tảng livestream giúp khách hàng có thể chốt đơn trực tiếp. Trong khi đó, nếu livestream ở Facebook thì khá mất thời gian và không thuận tiện cho cả người bán lẫn người mua”.

Ngoài ra, Minh Lợi cũng cho biết App Okiva không hoạt động tách biệt mà có thể kết nối với Facebook để giúp các shop tận dụng lượng khách hàng quen thuộc. Đây là phương án dự phòng trong trường hợp chủ shop bị Facebook hạn chế thời gian livestream thì họ vẫn bán hàng bình thường trên ứng dụng Okiva.

Vào ngày 21.12 vừa qua, sau nhiều vòng tuyển chọn gắt gao, đấu với khoảng 200 startup công nghệ, Okiva đã được Vietnam Silicon Valley rót vốn 40.000USD. Tuy nhiên, Hàng Minh Lợi cho biết Okiva hiện được định giá từ 1-2 triệu USD sau nhiều vòng gọi vốn thành công trước đó từ quỹ liên kết giữa Bộ Khoa học Công nghệ và quỹ đầu tư từ Hàn Quốc. Trước mắt, Okiva hướng tới các nước trong khối Đông Nam Á, tạo nên một mạng lưới bán hàng livestream xuyên biên giới.

Livestreams chốt đơn hàng

Xuất phát từ các nước phương Tây, livestream trở thành xu hướng bán hàng được các nhà kinh doanh và cả các sàn thương mại điện tử lựa chọn. Vào năm 2015, nhà mốt Kohl’s lần đầu tiên ra mắt mô hình bán hàng qua livestream áp dụng trực tiếp vào các show trình diễn thời trang, thu hút nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng.

 

Không nằm ngoài xu hướng, các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam đơn cử như Lazada của Alibaba, Shopee đã đồng loạt triển khai mô hình livestream như Shoppertainment hay Shopee Live, để tăng doanh số. Bởi vì, theo nghiên cứu của Rawshots vào năm 2020, 82% lưu lượng internet sẽ dành để xem video và với video marketing sẽ làm tăng tỉ lệ click vào bài lên 63%. Hơn nữa, 90% khách hàng thấy rằng xem video về sản phẩm giúp dễ ra quyết định mua hàng hơn và trong đó có tới 63% người dùng sẽ mua ngay sau khi xem.

Ông Zhou Junjie, Giám đốc Thương mại của Shopee, cho rằng yếu tố để livestream trở nên hấp dẫn chính là tính xác thực. Nhờ livestream, người dùng nhìn thấy sản phẩm thật, cảm nhận rõ hơn về tính năng, công dụng cũng như có cơ hội nghe các lời nhận xét, đánh giá sản phẩm từ các chuyên gia, người nổi tiếng hoặc từ những người mua trước. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với mô hình này là làm thế nào giữ chân người xem lâu nhất có thể và từ đó tạo tương tác qua bình luận, lượt thích, trao đổi qua lại và cuối cùng đạt hiệu quả là chốt đơn hàng.

Bà Tiffany Wan, Tổng Giám đốc VS Media, một công ty sáng tạo nội dung và hỗ trợ người bán hàng livestream, cho biết để thu hút người xem, video livestream cần có nội dung hấp dẫn, vừa giải trí và có thông tin bổ ích. Theo các chuyên gia nhận định, livestream sẽ trở thành một phương thức bán hàng đầy tiềm năng khi các đơn vị liên tiếp tạo ra những tính năng, nội dung mới nhằm thu hút người dùng, khơi mào cho cuộc đua mới về nội dung, đầy tính sáng tạo, giải trí giữa các sàn thương mại điện tử.

►Gia sư Edubox

►Start-up Scotland làm dầu từ bã cà phê


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới