Doanh nghiệp dệt may tìm giải pháp đa dạng hóa thị trường
Ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ những giải pháp để vượt khó trong các tháng cuối năm tại Hội thảo kết nối cung cầu chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam sau đại dịch.
Tại Hội thảo kết nối cung cầu chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam sau đại dịch do Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu 2022, nhiều ý kiến doanh nghiệp chia sẻ rằng: Trong nửa cuối năm nay tình hình xuất khẩu của dệt may phải đối diện rất nhiều khó khăn.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho biết: Năm 2022 các doanh nghiệp dệt may đã từng bước phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Số liệu xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 đã thể hiện rõ rệt sự phục hồi này khi kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 18,65 tỉ USD, tăng 21,6 % so với cùng kỳ năm 2021.
Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hồng cho biết ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức như: Sức cầu tại một số thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU đang suy giảm do lạm phát tăng cao; diễn biến phức tạp của xung đột Nga - Ukraine cũng đang khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam.
Chưa kể ảnh hưởng do biến động tỷ giá trong hoạt động xuất nhập khẩu, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch hay các yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi, yêu cầu xanh hóa dệt may từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới cũng là vấn đề các doanh nghiệp đang đối mặt.
Hội thảo kết nối cung cầu chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam sau đại dịch trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu 2022. |
Theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, đơn hàng xuất khẩu dệt may vào EU, Mỹ của doanh nghiệp đang giảm 30%-40%. Thậm chí tới đây thị trường Nhật Bản có thể cũng sẽ giảm mua và dự báo xuất khẩu dệt may sẽ giảm mạnh vào quý 1-2023.
Để duy trì phục hồi và giải quyết việc làm cho người lao động, ông Việt cho biết doanh nghiệp chỉ có cách kiểm soát chi phí; tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ; nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn của nhãn hàng, nhu cầu thị trường để giữ chân khách hàng; đồng thời đa dạng hóa thị trường bằng cách mở thêm một số thị trường mới cũng như chú trọng nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa thông qua thương hiệu V-SIXTYFOUR.
Dù vậy, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu về dài, các doanh nghiệp cho rằng cần có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, cụ thể là các Tham tán, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp thông tin, kết nối với nhà nhập khẩu.
“Thông qua các Tham tán thương mại, Thương vụ ở các nước chúng tôi mong muốn được hỗ trợ tìm kiếm đầu ra và nguồn nguyên liệu uy tín hơn, hiệu quả hơn”- ông Phạm Văn Việt chia sẻ. Chú thích ảnh: Ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ những giải pháp để vượt khó trong các tháng cuối năm tại Hội thảo kết nối cung cầu chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam sau đại dịch.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Vũ Hoài