Hủy
Tài Chính

Các quỹ đầu tư sẽ tiếp tục rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam?

Ngọc Tâm Thứ Sáu | 13/01/2023 11:09

Hình ảnh minh họa dòng vốn của quỹ Đài Loan. Ảnh: 123fr.

Tổng giá trị vào ròng của các quỹ ETF đạt 5.800 tỉ đồng trong tháng 12, nâng tổng giá trị cả năm 2022 lên 24.220 tỉ đồng.
 

Bất chấp diễn biến kém tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng tiền từ các quỹ ETF và quỹ chủ động khởi sắc trong năm 2022, đặc biệt trong quý IV/2022 sau sự kiện “thiên nga đen” liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Tiếp nối tháng 11, các quỹ ETF tiếp tục giao dịch tích cực trong tháng 12. Trong tổng cộng 14 quỹ được Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research theo dõi, có 8 quỹ nhận được dòng vốn tăng thêm trong tháng, với tổng giá trị 5.883 tỉ đồng. 

 

Trong đó, nổi bật nhất là các quỹ Fubon (+2.230 tỉ đồng), VanEck (+1.499 tỉ đồng) và VNDiamond (+1.264 tỉ đồng). Ngược lại, chỉ có 2 quỹ bị rút vốn với giá trị không đáng kể là SSIAM VNX50 và Mirae Assets VN30. Như vậy, tổng giá trị vào ròng của các quỹ ETF đạt 5.800 tỉ đồng trong tháng 12, nâng tổng giá trị cả năm 2022 lên 24.220 tỉ đồng (so với mức 13.500 tỉ đồng trong năm 2021), trong đó riêng quý IV ghi nhận mức vào ròng hơn 14.100 tỉ đồng. 

Đối với các quỹ chủ động, quán tính dòng tiền vào ròng trong tháng 12 thậm chí còn tích cực hơn, với cường độ giải ngân đồng đều và ghi nhận là tháng vào ròng thứ 3 liên tiếp. Tổng giá trị vào ròng tháng ghi nhận hơn 2.500 tỉ đồng, mức cao nhất trong khoảng thời gian quan sát của chúng tôi (kể từ tháng 1/2010). Điều này đã giúp các quỹ chủ động đảo chiều vào ròng gần 2.000 tỉ đồng trong năm 2022, trong đó riêng quý IV là vào ròng hơn 4.000 tỉ đồng.

SSI Research cho biết trong quá khứ, chỉ có 2 giai đoạn các quỹ chủ động ghi nhận mức vào ròng liên tục trong 3-6 tháng với khối lượng trung bình trên 10 triệu USD mỗi tháng là cuối 2017 đến đầu 2018 và cuối 2019. Tuy nhiên, SSI Research cho biết họ cũng ghi nhận điểm khác biệt trong thời gian này là cơ cấu nhóm quỹ tham gia đa dạng hơn, đặc biệt nhóm quỹ đến từ khu vực châu Á.

 

Khối ngoại tiếp tục duy trì là động lực của thị trường chứng khoán trong tháng 12, với việc mua ròng hơn 13.000 tỉ đồng (và 16.800 tỉ đồng nếu loại bỏ giao dịch thỏa thuận đột biến của EIB và tương đương với mức mua ròng kỷ lục trong tháng 11). “Trên thực tế, khác với các quỹ ETF, việc giải ngân dòng tiền từ các quỹ chủ động vào thị trường chứng khoán thường có độ trễ và do vậy việc khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh trong tháng 12 là yếu tố không có quá nhiều bất ngờ. Tính chung trong năm 2022, khối ngoại mua ròng 29.300 tỉ đồng (trong đó riêng quý IV là gần 29.000 tỉ đồng)”, SSI Research cho hay. 

Xét về chu kỳ kinh tế, năm 2023 được nhìn nhận là một năm Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức (và khó dự đoán), tuy nhiên SSI Research cho hay đây cũng thường là thời kỳ các dòng tiền lớn giải ngân vào thị trường chứng khoán. Các yếu tố khác hỗ trợ thị trường mang tính chất dài hạn như việc Trung Quốc nới lỏng chính sách kiểm soát COVID-19 kích hoạt dòng tiền chảy vào các quốc gia sẽ được hưởng lợi về xuất khẩu và du lịch hay các cơ quan quản lý đã bước đầu triển khai các biện pháp giúp Việt Nam có thể nâng hạng lên thị trường mới nổi. 

“Chúng tôi đưa ra quan điểm tích cực về dòng vốn các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chúng tôi thể hiện quan điểm trung lập hơn đối với dòng vốn do rủi ro dòng tiền khối ngoại vào Việt Nam, tuy có độ trễ, vẫn tương đồng với các quốc gia trong khu vực (xu hướng bán ròng trong tháng 12 khi các quỹ chuyển hướng vào thị trường Trung Quốc)”, SSI Research nhận định. 

Có thể bạn quan tâm

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn đối diện với nhiều rủi ro


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới