Hủy
Tài Chính

Chất lượng tài sản ngân hàng dự báo vẫn tích cực trong dài hạn

Việt Hà Thứ Sáu | 22/10/2021 16:23

MBBank; Techcombank; VPBank; Vietcombank và ACB đang là những ngân hàng có tỉ lệ CASA cao hơn 20%.

Với nền lợi nhuận tốt và quá trình chủ động dự phòng nợ xấu, chất lượng tài sản của ngành ngân hàng được dự báo sẽ vẫn tích cực trong dài hạn.
 

Trong nửa đầu năm 2021, lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng niêm yết đều tăng mạnh nhờ chi phí vốn giảm đến từ môi trường lãi suất thấp. Ngoài ra, NIM của hầu hết các ngân hàng đều có sự cải thiện do lãi vay cần thời gian điều chỉnh lâu hơn so với lãi suất huy động hay lãi suất liên ngân hàng. Về mặt trích lập dự phòng, có sự phân hóa trong chính sách của các ngân hàng, một số ngân hàng chủ động trích lập dự phòng rất cao như ACB, Vietcombank,…cũng có một số ngân hàng lại giảm tỉ lệ trích lập trong nửa đầu năm.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MB (MBS), tỉ lệ nợ xấu trong nửa đầu năm 2021 giảm nhẹ nhờ các ngân hàng chủ động trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu, cùng với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2020 cũng như nửa đầu năm 2021. Các khoản nợ tái cấu trúc cũng giảm mạnh nhờ chính sách của các ngân hàng hầu hết đều đặt mục tiêu sẽ trích lập hết các khoản nợ này trong năm 2021, tận dụng thời điểm lãi suất còn đang thấp.

 

Với việc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14 với nội dung chính là giãn thời gian tái cơ cấu cũng như miễn giảm lãi phí cho khách hàng, đồng thời lại giữ nguyên thời điểm cần trích lập dự phòng cụ thể của ngân hàng, MBS dự báo tỉ lệ nợ xấu cũng như nợ tái cấu trúc trong nửa cuối năm 2021 sẽ tăng, đồng thời có tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh của toàn ngành.

Tuy nhiên, việc hầu hết các ngân hàng có được nền lợi nhuận tốt trong năm 2020 cũng như tiến hành tăng cường chủ động trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu, chất lượng tài sản của ngành ngân hàng được dự báo sẽ vẫn tích cực trong dài hạn, do đó giúp lợi nhuận của ngành tăng trưởng bền vững thời kỳ hậu COVID-19.

Cũng theo MBS, cho vay bán lẻ được dự báo sẽ là xu hướng của ngành ngân hàng trong trung và dài hạn nhờ vào lãi suất cho vay cao, tiềm năng tăng trưởng lớn đến từ các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế đang tăng trưởng cao, và đặc biệt khả năng áp dụng chuyển đổi số nhanh chóng hơn so với cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn. Do đó, các ngân hàng cũng đang chạy đua về mặt CASA (tiền gửi không kỳ hạn) nhằm đảm bảo lợi thế chi phí vốn cho cuộc đua dài hạn này.

Trong nửa cuối năm 2021, MBS cho rằng với việc các ngân hàng tiếp tục chính sách giảm lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, NIM của các ngân hàng được kỳ vọng sẽ giảm nhẹ. Đồng thời, với việc chủ động trích lập dự phòng phần lớn các khoản nợ tái cấu trúc, MBS kỳ vọng kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ không có sự tăng trưởng mạnh như cùng kỳ 2020, tuy nhiên vẫn ở mức tích cực.

MBBank; Techcombank; VPBank; Vietcombank và ACB.  đang là những ngân hàng có tỉ lệ CASA cao hơn 20%. Nguồn: MBS.
MBBank; Techcombank; VPBank; Vietcombank và ACB đang là những ngân hàng có tỉ lệ CASA cao hơn 20%. Nguồn: MBS.

Ở góc độ đầu tư, MBS nhìn nhận mặc dù định giá ngành ngân hàng hiện tại cao hơn so với mức thấp năm 2020, với các yếu tố vĩ mô thuận lợi về dài hạn (tăng trưởng kinh tế cao, hệ thống pháp luật hoàn thiện, sức khỏe của các ngân hàng tốt, khối ngân hàng thương mại cổ phần dần đóng vai trò lớn hơn) MBS kỳ vọng ngành Ngân hàng vẫn sẽ có triển vọng tích cực trong dài hạn. Các ngân hàng được đánh giá tích cực dựa trên tệp khách hàng đa dạng, lợi thế cạnh tranh lớn và quản trị rủi ro tốt bao gồm MBBank; Techcombank; VPBank; Vietcombank và ACB.

Có thể bạn quan tâm 

Sự trỗi dậy của các ngân hàng tư nhân

Các ngân hàng lãi lớn từ đầu tư chứng khoán


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới