Hủy
Tài Chính

“Chất xúc tác” của thị trường trong tháng 9

Nhật Lệ Thứ Tư | 11/09/2024 11:16

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

 
 
Tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu sẽ hướng về cuộc FOMC sắp tới khi FED khả năng cao sẽ kết thúc thời kỳ thắt chặt tiền tệ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong nửa cuối tháng 8, nhưng thanh khoản trong cả tháng lại không được cải thiện, và mức tăng cũng chưa được lan tỏa khi số lượng cổ phiếu thuộc nhóm có thanh khoản giảm, điểm số giảm vẫn chiếm đa số trên sàn HOSE đạt 45,64%. Bên cạnh đó, số cổ phiếu có giá trị tăng, nhưng khối lượng giảm chiếm đến 26,51%. Như vậy nhìn về tổng thể trong tháng 8 thị trường vẫn còn khá suy yếu, lực cầu vẫn thận trọng khi VN-Index tiến gần về vùng đỉnh cũ 1.301,51 (06/2024). Trong khi đó, tín hiệu tích cực về thanh khoản đến từ nhóm VN30, các nhà đầu tư đang quan tâm nhiều hơn đến nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, chuẩn bị cho kỳ đánh giá nâng hạng trong thời gian tới.​

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), biến động nhân sự ở thượng tầng Trung Ương qua đi và mức độ ảnh hưởng của việc đồng Yên tăng giá, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bất ngờ tăng lãi suất, là không lớn đối với các vị thế trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này giúp cho chỉ số VN-Index phục hồi trở lại vùng định giá cân bằng (P/E 14x-15x) trong tháng 8 dưới bối cảnh kết quả kinh doanh quý II ghi nhận tăng tích cực, cũng như triển vọng tăng trưởng cao trong nửa cuối năm khá vững chắc.

Thanh khoản VN30 phục hồi trong tháng 8, trong khi VN Index, HNX Index và UPCOM tiếp tục suy giảm. Nguồn: Bloomberg, VDSC (Dữ liệu ngày 30/08/2024). ​
Thanh khoản VN30 phục hồi trong tháng 8, trong khi VN Index, HNX Index và UPCOM tiếp tục suy giảm. Nguồn: Bloomberg, VDSC (Dữ liệu ngày 30/08/2024). ​

Sang tháng 9, bối cảnh vĩ mô duy trì tích cực và việc tháo gỡ nút thắt nhằm đáp ứng tiêu chí nâng hạng theo FTSE Russell nếu có tiến triển sẽ là những chất xúc tác giúp thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì động lượng phục hồi và quay lại xu hướng tăng.

Tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu sẽ hướng về cuộc FOMC diễn ra từ ngày 17-18/9 khi FED khả năng cao sẽ kết thúc thời kỳ thắt chặt tiền tệ bằng quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau bốn năm. Cắt giảm 25 điểm cơ bản đang là kịch bản cơ sở. Tuy nhiên, 50 điểm cơ bản, theo CME FedWatch, đang có xác suất tăng lên khá cao sau những dữ liệu kinh tế không mấy lạc quan. Bên cạnh đó, cuộc họp quyết định lãi suất của Ngân hàng Nhật Bản vào ngày 20/9 cũng cần chú ý. 

 

Việt Nam vẫn thuộc danh sách theo dõi để có thể nâng hạng lên Thị trường mới nổi thứ cấp theo đánh giá của FTSE Russell trong kỳ đánh giá phân hạng tháng 9 hằng năm. So với thời điểm đánh giá gần nhất, các cơ quan chức năng liên quan đã có những nỗ lực thiết thực tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.

“Về điểm số, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.250-1.325 trong tháng 9 nhằm đưa mức chênh lệch lợi tức (4%) giữa thị trường chứng khoán và trái phiếu Chính phủ 10 năm về tiệm cận giá trị trung bình 5 năm (3,6%, tương ứng với P/E 15,2x). Đây là mức thị trường đã chạm nhiều lần kể từ đầu năm khi tâm lý thị trường duy trì được động lượng tích cực”, VDSC nhận định.

Có thể bạn quan tâm 

Điều gì sẽ xảy ra sau khi FED hạ lãi suất lần đầu tiên?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới