Hủy
Tài Chính

Cổ phiếu Nike tăng vọt khi doanh số bán hàng trực tuyến tăng 82%

Phùng Mỹ Thứ Tư | 23/09/2020 13:37

Người mua sắm xếp hàng chờ vào cửa hàng Nike trong đợt giảm giá mùa hè ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Nguồn ảnh: Bloomberg.

Doanh số bán hàng của Nike tại Trung Quốc trong giai đoạn gần đây nhất tăng 6%, trong khi doanh số bán hàng tại Bắc Mỹ giảm 2%.
 

Theo CNBC, cổ phiếu của Nike tăng 13% trong phiên giao dịch kéo dài hôm 22.9 khi công ty báo cáo doanh số bán hàng trực tuyến tăng 82% và đưa ra triển vọng kêu gọi nhu cầu tăng trong những ngày lễ.

Công ty đã sử dụng đại dịch COVID-19 như một cơ hội để đẩy nhanh hoạt động kinh doanh kỹ thuật số và bộ phận may mặc dành cho phụ nữ của họ đã tăng trưởng gần 200%. 

Nike dường như đã phục hồi sau cơn đại dịch, công bố lợi nhuận hàng quý vững chắc nhờ doanh số bán giày thể thao và quần áo tập luyện trực tuyến tăng vọt. Nguồn ảnh: Onrede.
Nike dường như đã phục hồi sau cơn đại dịch, công bố lợi nhuận hàng quý vững chắc nhờ doanh số bán giày thể thao và quần áo tập luyện trực tuyến tăng vọt. Nguồn ảnh: Onrede.

Khi các bậc phụ huynh mua sắm các mặt hàng cho mùa tựu trường và hoạt động kinh doanh của hãng tăng trở lại ở các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, thương hiệu Jordan của Nike đang trông “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

 

Triển vọng mới cho năm tài chính 2021, Nike kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng mạnh so với năm 2020. Triển vọng được đưa ra vào thời điểm nhiều đối thủ của nó đang né tránh hướng dẫn tài chính. 

Giám đốc điều hành John Donahoe cho biết: “Chúng tôi biết rằng kỹ thuật số là bình thường mới. Người tiêu dùng ngày nay có nền tảng kỹ thuật số và đơn giản là họ sẽ không quay trở lại thời kỳ trước đó”.

Dựa trên dữ liệu của Refinitiv, các nhà phân tích Phố Wall mong đợi rằng thu nhập trên mỗi cổ phiếu giá 95 cent so với 47 cent dự kiến trước đó. Doanh thu đạt khoảng 10,59 tỉ USD so với dự báo 9,15 tỉ USD trước đó.

Doanh thu của Nike giảm 0,6% từ 10,66 tỉ USD hồi năm ngoái xuống còn 10,59 tỉ USD, nhưng vẫn cao hơn mong đợi của các nhà phân tích. Doanh số bán hàng ở Trung Quốc tăng 6%, trong khi doanh thu ở Bắc Mỹ, thị trường lớn nhất của Nike, giảm 2%. Tuy nhiên, doanh thu 4,23 tỉ USD ở Bắc Mỹ vẫn vượt xa dự đoán của các nhà phân tích là 3,39 tỉ USD. 

Kết quả mới nhất là một sự đảo ngược mạnh mẽ cho Nike sau khi trải qua một đợt sụt giảm lớn hơn trong quý trước. Vào cuối tháng 6, Nike đã báo cáo một khoản lỗ bất ngờ khi doanh thu của hãng giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do bị ảnh hưởng bởi việc tạm thời đóng cửa các cửa hàng trong thời gian đại dịch. 

Tuy nhiên, phần lớn các cửa hàng của Nike đã mở cửa trở lại mặc dù lượng khách đến cửa hàng có giảm so với năm ngoái. Giống như nhiều nhà bán lẻ khác, Nike vẫn đang giới hạn số lượng người có thể đến cửa hàng của mình cùng một lúc, để cố gắng hạn chế sự lây lan của virus. 

Điều đang nói là khách hàng đến cửa hàng Nike với ý định mua và tỉ lệ chuyển đổi đang tăng lên. Trong khi đó, hàng tồn kho của Nike đạt 6,7 tỉ USD vào cuối kỳ gần nhất, tăng 15% so với năm ngoái nhưng giảm 9% so với quý trước. 

Hiện, Nike đang tiếp tục quản lý một cách chiến lược hàng tồn kho dư thừa do một số lượng đáng kể từ việc đóng cửa các cửa hàng và giảm lượng hàng bán buôn trên toàn cầu. 

Bên cạnh đó, nhà sản xuất giày thể thao lớn nhất ở Mỹ đã và đang đầu tư vào trang web, ứng dụng dành cho thiết bị di động và các cửa hàng thuộc sở hữu của mình. Bởi lẽ, ngày càng có nhiều người tiêu dùng rời xa các cửa hàng bách hóa và trung tâm mua sắm. 

Nike đã và đang mở rộng các địa điểm hàng đầu ở các thị trường lớn cũng như các cửa hàng quy mô nhỏ hơn để làm trung tâm nhận hàng cho các đơn đặt hàng trực tuyến. Các khoản đầu tư đang thúc đẩy sức mạnh tương đối của Nike so với các nhà bán lẻ khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. 

Hàng chục thương hiệu khác bao gồm: Brooks Brothers, J.Crew, JC Penney và Neiman Marcus…đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong năm nay. 

Tuy nhiên, một số thương hiệu và nhà bán lẻ tập trung vào thể thao cũng báo cáo kết quả khả quan trong những tuần gần đây, khi người tiêu dùng đang tìm kiếm quần áo thoải mái và dụng cụ tập luyện trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Nike và các công ty cùng ngành đã được hưởng lợi từ xu hướng này. 

Rõ ràng, đại dịch đang đẩy nhanh tiềm năng kỹ thuật số của Nike. Doanh số bán hàng kỹ thuật số của công ty hiện chiếm ít nhất 30% tổng doanh số hàng quý. Đây là ngưỡng mà Nike trước đó hướng đến vào năm 2023. 

Giám đốc tài chính Matt Friend cho biết: “Nike đang phục hồi nhanh hơn dựa trên đà tăng trưởng của thương hiệu và tốc độ tăng trưởng kỹ thuật số”. Dự kiến ​​doanh thu sẽ gần như không đổi so với năm 2019. Nhu cầu sẽ tăng lên trong nửa cuối năm, khi người tiêu dùng quay trở lại mua các mặt hàng với giá đầy đủ, giúp Nike đạt được kỳ vọng cả năm". 

Tính đến thời điểm đóng cửa thị trường hôm 22.9, cổ phiếu của Nike tính đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty có vốn hóa thị trường là 182,5 tỉ USD. 

Có thể bạn quan tâm:

► COVID-19 thúc đẩy sự thay đổi kỹ thuật số cho các công ty ở châu Á


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới