Hủy
Tài Chính

Đường Quảng Ngãi: Thách thức kép “Corona+ Atiga”

Mỹ An Thứ Ba | 31/03/2020 10:00

Ảnh: vietnamdaily.net.vn

Đường Quảng Ngãi đang đối mặt cùng lúc nhiều thách thức.
 

Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã QNS) là nhà sản xuất sữa đậu nành hàng đầu và là một trong những nhà sản xuất đường lớn nhất Việt Nam với doanh thu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Trong năm 2019, doanh thu thuần của Công ty sụt giảm 4,4%, đạt 7.680 tỉ đồng nhưng lợi nhuận vẫn tăng 3,2%, đạt 1.280 tỉ đồng nhờ vào thu nhập tài chính và các khoản thu khác.

Sự sụt giảm của Đường Quảng Ngãi chủ yếu đến từ mảng đường khi doanh thu mảng này chỉ đạt 1.486 tỉ đồng, giảm đến 34% do cả giá bán lẫn diện tích trồng mía đều giảm. Tổng sản lượng đường năm 2019 cũng chỉ đạt 142.000 tấn, giảm đến 33% so với năm trước đó. Tuy nhiên, giá đường được kỳ vọng sẽ sớm tăng trở lại do thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Thời tiết nóng và khô hạn trong năm 2019 gây ra bởi hiện tượng El Niño khiến năng suất mía đường vụ 2019-2020 tiếp tục suy giảm. Theo Ngân hàng Hà Lan Rabobank, sản lượng sản xuất toàn cầu sẽ thiếu khoảng 8,2 triệu tấn trong mùa vụ 2019-2020 so với thặng dư 300.000 tấn trong mùa vụ trước. 
 

 

Trong khi mảng đường suy giảm nghiêm trọng, mảng sữa đậu nành trở thành phao cứu sinh của Đường Quảng Ngãi với giá bán và sản lượng tiêu thụ đều tăng. Doanh thu sữa đậu nành tăng 10,4% so với năm 2018, chủ yếu do sản lượng tiêu thụ tăng 9,4% và giá bán tăng nhẹ 0,9%, qua đó cải thiện biên lợi nhuận gộp của mảng này lên mức 53%. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo Đường Quảng Ngãi sẽ khó có thể duy trì được mức biên lợi nhuận trên do giá đường đầu vào tăng.

Ngành mía đường Việt Nam đang gặp nhiều thách thức đến từ dịch bệnh COVID-19 và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đe dọa nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của các công ty thuộc lĩnh vực này. Với riêng Đường Quảng Ngãi, dịch COVID-19 dự kiến sẽ tác động không đáng kể vì kế hoạch xuất khẩu sữa đậu nành sang Trung Quốc của công ty này chỉ chiếm một phần rất nhỏ (30 tỉ đồng) trong tổng doanh thu. Ngoài ra, doanh thu trong nước cũng chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

ATIGA mặc dù có hiệu lực từ ngày 1.1.2020 nhưng vẫn chưa tác động đến ngành đường trong nước nói chung và Đường Quảng Ngãi nói riêng. Tuy nhiên, ATIGA dự báo sẽ đem lại khó khăn không nhỏ cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian tới. 

ATIGA sẽ buộc các nước mở cửa thị trường, mở ra con đường xuất khẩu đường vào thị trường Việt Nam với mức thuế chỉ từ 0-5% cho các nước ASEAN, đặc biệt là Thái Lan với vị trí xuất khẩu đường số 2 thế giới. “Ngành công nghiệp đường của Thái Lan sản xuất đường gần gấp 6 lần so với tiêu thụ. Điều đó có nghĩa là 80% sản lượng đường dành riêng cho xuất khẩu. Đây là mối đe dọa thực sự cho ngành công nghiệp đường Việt Nam”, ông Antoine Meriot, Giám đốc Điều hành của Sugar Expertise, nhận xét.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đã có sự chuyển động trong nội tại của ngành khi các nhà máy đường đều áp dụng hoặc điều chỉnh giá mía 10 CCS tại ruộng lên 800.000-850.000 đồng/tấn. Những nhà máy mới vào vụ ở khu vực miền Trung áp dụng giá mía 10 CCS tại ruộng 850.000 đồng/tấn. Với việc giá mía tăng, ước tính giá thành trung bình sản xuất 1kg đường trắng của ngành đường Việt Nam trong vụ 2019-2020 sẽ tăng thêm 300-600 đồng/kg, nằm trong khoảng 12.500-12.800 đồng/kg. Mức giá này so với đường Thái Lan là không thể cạnh tranh nổi.

Việc cho đến nay chưa có đơn vị mới nào nhập khẩu đường từ Thái Lan có thể do tình hình hạn hán tại quốc gia này. Thái Lan đang trải qua cơn hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất mía đường. Xuất khẩu đường từ nước này có thể giảm khoảng 40% xuống còn 6 triệu tấn, theo một ước tính của ngành. Dù vậy, điều này chỉ mang tính ngắn hạn và các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả Đường Quảng Ngãi cần phải chuẩn bị cho áp lực cạnh tranh rất lớn trong tương lai gần đến từ Thái Lan.

 

Dù còn nhiều khó khăn nhưng cổ phiếu QNS được nhận định đang có mức giá hấp dẫn. Công ty Chứng khoán SSI đã đưa ra khuyến nghị khả quan cùng mức định giá 30.500 đồng/cổ phiếu, với dự báo P/E (thị giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) mục tiêu cho năm 2020 là 9 lần, đồng thời chiết khấu giá mục tiêu 15% để phản ánh những rủi ro liên quan đến cổ phiếu. Đồng quan điểm, VCSC cũng đưa ra khuyến nghị khả quan nhưng với mức giá mục tiêu thấp hơn là 29.600 đồng/cổ phiếu.

 VCSC dự phóng lợi suất dòng tiền tự do giai đoạn 2020-2022 của Đường Quảng Ngãi trong khoảng 19-30%, đặc biệt tăng trưởng ở mảng sữa đậu nành với kế hoạch triển khai 15 sản phẩm mới trong năm 2020 (so với 4 sản phẩm trong năm 2019) sẽ hỗ trợ doanh thu trong khi kỳ vọng giá đường đầu vào hạ nhiệt và thu nhập lãi vay gia tăng sẽ thúc đẩy lợi nhuận.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới