Hủy
Tài Chính

Ngân hàng đẩy tiền cuối năm

Phương Anh Thứ Tư | 23/12/2020 13:30

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng tín dụng đã tăng tốc trong 2 tháng đầu của quý IV, sau những tháng đầu năm khá “thong thả”. Ảnh: Quý Hòa.

nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi và TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG năm 2021 CÓ THỂ ĐẠT 13%.
 

Các ngân hàng đang bước vào một đợt kích cầu mới trong mùa mua sắm nhộn nhịp cuối năm, giúp nhu cầu tín dụng tăng cao trở lại, nhưng nỗi lo về nợ xấu vẫn còn lơ lửng.

Nhiều ngân hàng nới room tín dụng

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, cơ quan quản lý gần đây đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng lần thứ 2 cho một số ngân hàng, trong đó mức cao nhất lên tới 30%. Mới đây, Vietcombank đã được nâng room tín dụng lên 14%, với mức tăng trưởng dự kiến trong khoảng 13-14%. Đáng chú ý, tính đến hết tháng 11, Vietcombank mới chỉ tăng trưởng khoảng 10%. SHB thì đặt kỳ vọng sớm được nâng lên hạn mức 20% khi đã gần chạm hạn mức tín dụng được cấp hồi đầu năm. Tín dụng tăng 16,2%, cao hơn nhiều so với mức bình quân ngành.

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng tín dụng đã tăng tốc trong 2 tháng đầu của quý IV, sau những tháng đầu năm khá “thong thả”. Cụ thể, tính đến ngày 17.11, dư nợ nền kinh tế tăng trưởng khoảng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 10,28%).

 

Mặc dù con số này vẫn khá xa so với mục tiêu chung 9-10%, nhưng nếu chỉ tính riêng nửa đầu tháng 11, tín dụng đã tăng 1% so với cuối tháng 10. “Điều này phản ánh đúng diễn biến phục hồi của nền kinh tế khi các chỉ số khác như sản xuất, doanh thu bán lẻ tăng trở lại trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát tốt”, báo cáo của Công ty Chứng khoán KBSV đánh giá.

Theo báo cáo của FiinGroup, nếu tách riêng 5 ngân hàng có thuyết minh báo cáo tài chính cụ thể (gồm VPBank, VIB, Ngân hàng Quân Đội, SHB, Ngân hàng Kiên Long, chiếm 18,3% tổng dư nợ của các ngân hàng niêm yết), có thể thấy động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm đến từ tín dụng doanh nghiệp với mức tăng 12%, trong khi tín dụng cá nhân chỉ tăng 6,1%.

“Xu hướng tín dụng cá nhân tăng tốc trở lại góp phần vào việc tăng thu nhập lãi thuần và biên lãi ròng NIM của các ngân hàng, do đây là các khoản vay có lãi suất cao hơn và biên lãi ròng lớn”, báo cáo kết quả kinh doanh quý III của FiinGroup nhận định.

Ngoài tín dụng cá nhân, trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng bán buôn cũng tăng mạnh. Điển hình như Techcombank, tính đến cuối quý III, tăng trưởng tín dụng đạt 9,2% so với đầu năm, trong khi trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bán buôn lần lượt tăng 78,6% và 7,8% so với đầu năm. Một lý do quan trọng giúp ngân hàng thay đổi kênh phân bổ tài sản là nhờ thanh khoản dồi dào của hệ thống. Tính đến cuối tháng 9, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,63% trong khi tín dụng toàn ngành tăng 6,08%, còn tiền gửi dân cư tăng 5,77% và tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng 10,39%.

Kỳ vọng lãi suất giảm

Nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm cũng giúp thị trường trở nên sôi động hơn, thể hiện qua nhiều chỉ báo, cho thấy ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang giảm dần. Theo Công ty Chứng khoán KBSV, thị trường diễn biến tích cực hơn sau các lần giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, lần gần nhất là vào đầu tháng 10 vừa qua. So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất. “Các hiệu ứng tích cực đã xuất hiện như tăng trưởng tín dụng có sự cải thiện đáng kể”, báo cáo đánh giá.

 

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến tháng 10.2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6-0,8%/năm so với cuối năm 2019, trong đó một số ngân hàng đã giảm từ 1-2,5%/năm; còn lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở mức 4,5%/năm. “Mặt bằng lãi suất cho vay giảm đã góp phần giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp và người dân”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Theo SSI, một số ngân hàng, đi đầu là nhóm ngân hàng quốc doanh, tung ra gói cho vay sản xuất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 20-50 điểm cơ bản để đẩy tín dụng cuối năm. Lãi suất phổ biến từ 4,8-6,5%/năm đối với các khoản vay dưới 6 tháng và từ 5,5-7,5%/năm đối với các khoản vay từ 6-12 tháng.

“Lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi sẽ vẫn duy trì xu hướng đi ngang trong một vài tháng tới”, báo cáo SSI nhận định. Tương tự, chuyên gia phân tích ở Công ty Chứng khoán Bảo Việt bình luận, thanh khoản hệ thống có thể sẽ bớt dư thừa khi tín dụng được dự báo sẽ hồi phục mạnh, nhưng chính sách tiền tệ vẫn sẽ được duy trì trạng thái nới lỏng mà chưa chịu sức ép thắt chặt.

Ảnh: vietnamfinance.vn
Nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm cũng giúp thị trường trở nên sôi động hơn, thể hiện qua nhiều chỉ báo, cho thấy ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang giảm dần. Ảnh: vietnamfinance.vn

Mặc dù tín dụng được kỳ vọng tăng trở lại, một điểm đáng lưu ý là các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro tổng thể của nhóm khách hàng tiếp tục tăng lên trong quý IV và cả năm, dù mức độ tăng đã chậm lại. Theo đó, có 2 nhóm được đánh giá rủi ro tăng cao hơn là nhóm khách hàng nhỏ và vừa.

Cuối tháng 11.2020, nền kinh tế cũng đứng trước thách thức lớn khi xuất hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã phục hồi phần nào kỳ vọng tăng trưởng. Dù vậy, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn về cầu tín dụng giảm trong khi nợ xấu tăng. Nợ xấu tính đến hết tháng 10 tăng 20% so với cùng kỳ, tỉ lệ nợ xấu có thể lên đến 3,5-4% vào năm sau. Đây cũng là điều mà các tổ chức tín dụng cân nhắc khi giải ngân.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới