Hủy
Tài Chính

Ngân hàng đu đỉnh lãi suất

Hoàng Hà Thứ Ba | 04/10/2022 07:30

Lãi suất liên tiếp lập đỉnh tạo ra sức ép mới cho nhiều ngân hàng trong nỗ lực duy trì tăng trưởng lợi nhuận.
 

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động. Đến thời điểm này, Big 4 gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đều tăng lãi suất ở các kỳ hạn. Hiện lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này là 6,4%/năm khi khách gửi kỳ hạn dài từ 12 tháng.

Theo Tiến sĩ Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam, thông thường khi lãi suất tăng lên, thì cầu giảm, đó là điều mong muốn để hạ bớt cầu về tín dụng ở các quốc gia đang có lạm phát cao. Bên cạnh đó, tăng lãi suất sẽ làm dịu bớt thị trường lao động nóng. Ngoài ra, khi lãi suất tăng lên, tỉ giá sẽ giảm xuống. 

 

Do thị phần huy động vốn chiếm tới 45% thị trường, động thái tăng mạnh lãi suất của nhóm ngân hàng cổ phần nhà nước sẽ khiến mặt bằng lãi suất huy động toàn hệ thống tăng lên. Lần đầu tiên trong năm nay, 16 ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động với mức điều chỉnh cao nhất lên đến 1% một năm. Ở nhóm cổ phần ngoài quốc doanh, ngân hàng số Cake by VPBank với hạn mức 12 tháng được niêm yết lãi suất lên đến 7,7%/năm; DongA Bank thông báo mức tăng lãi suất huy động cao với kỳ hạn 13 tháng lên 7,6%/năm; HDBank, Sacombank, VIB, SHB công bố lãi suất huy động chạm mức 7%/năm...

Cuộc đua lãi suất diễn ra trong bối cảnh áp lực tỉ giá VND/USD ngày càng lớn. Mặt khác, hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng đã được nới nhưng nhiều ngân hàng vẫn “khát vốn”, đặc biệt là nhu cầu tăng vốn dài hạn để đảm bảo mức trần tỉ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn được điều chỉnh từ 37% xuống 34%. 

"Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương khác sẽ tiếp tục quyết liệt tăng lãi suất. Do đó, dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng từ 1,5-2%/năm. Lãi suất liên ngân hàng nhìn chung sẽ cao hơn đáng kể các năm trước và khó có khả năng thấp hơn ngưỡng 4%/năm", Công ty Chứng khoán VCBS dự báo. 

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, lãi suất "tăng nóng" tại các ngân hàng thương mại có thể kéo dài từ nay cho tới cuối năm và sang cả năm 2023. Tuy nhiên, để ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước nên giữ nguyên chính sách điều hành như hiện tại ít nhất đến hết quý III/2022.

Sự hấp dẫn của lãi suất ngân hàng trong thời gian qua đã giúp nhiều ngân hàng tăng được lượng tiền gửi. Chẳng hạn, tiền gửi khách hàng tại VPBank tính đến ngày 30/6 đã ghi nhận mức tăng gần 22% so với đầu năm. Tại Ngân hàng VIB, tiền gửi khách hàng đã tăng gần 14%; TPBank tăng 12%; Bản Việt tăng trên 10%... 

Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận 6 tháng cuối năm của các ngân hàng được dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chạy đua lãi suất huy động. Bởi vì, nếu không tăng được lãi suất đầu ra tương ứng với phần lãi suất huy động đầu vào tăng thêm, biên lãi ròng (NIM) sẽ bị kéo giảm. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng sẽ hạ xuống, vì lãi suất tăng sẽ khiến cho dòng tiền nằm trên tài khoản thanh toán tìm đến các kênh tiền gửi có kỳ hạn. 

 

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhận định lãi suất huy động có khả năng tiếp tục tăng do áp lực lạm phát và người dân muốn chuyển dịch kênh đầu tư. Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, khiến áp lực lãi suất đầu vào cũng như lãi suất cho vay tăng cao. 

Theo đó, kết quả kinh doanh của các ngân hàng được dự báo sẽ không lạc quan như những năm trước. Khi lãi suất đầu vào tăng, room tín dụng bị hạn chế và nếu thêm áp lực từ nợ xấu gia tăng, tình hình có thể khó khăn hơn cho các ngân hàng, lợi nhuận cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Nhóm nghiên cứu tại VCBS dự báo tích cực đối với lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng trong năm 2022. Tuy nhiên, mức độ tích cực sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023, đặc biệt trong năm tới sẽ có sự phân hóa rõ rệt về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.

Thực tế, trong 2 năm  2020 và 2021, các ngân hàng có lợi nhuận lớn từ mảng tín dụng do lãi suất huy động giảm mạnh, trong khi lãi suất cho vay chỉ giảm từ từ, giúp hệ số NIM tăng cao. Vì vậy, khi chi phí đầu vào tăng theo lãi suất huy động, nhất là trước áp lực lạm phát tăng, ngân hàng buộc phải thắt chặt chi phí hoạt động, tăng thu từ mảng dịch vụ, đẩy nhanh chuyển đổi số để thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn.

Các ngân hàng có thể duy trì tỉ lệ NIM cao nếu sở hữu những lợi thế như hệ số tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao hoặc tỉ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) thấp (giúp giảm được chi phí vốn trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm); có khả năng vay vốn nước ngoài; có khả năng mở rộng cho vay cá nhân, gia tăng tỉ suất sinh lời trên tài sản..


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới