Hủy
Tài Chính

Thận trọng tiền kỹ thuật số

Minh Đức Thứ Hai | 27/12/2021 14:00

Dù chưa có hành lang pháp lý cụ thể nhưng thị trường tiền điện tử, tiền ảo, tiền mã hóa... rất sôi động tại Việt Nam

Một đồng tiền kỹ thuật số quốc gia sẽ góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam?
 

Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định số 2006/QĐ-NHNN Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đáng lưu ý là có nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.

Xu hướng nở rộ

Việt Nam hiện nay chưa có khái niệm chính thức về “tiền kỹ thuật số quốc gia” (Central Bank Digital Currency - CBDC), trong khi nhiều quốc gia đã nghiên cứu và một số đang thử nghiệm phiên bản tiền điện tử của tiền pháp định, do ngân hàng trung ương phát hành. “Tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành sẽ là xu hướng phát triển tất yếu thay thế dần tiền giấy truyền thống.

Việc triển khai tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ chuỗi khối sẽ mở ra cơ hội cho các đơn vị chuyên nghiên cứu về blockchain, thúc đẩy phát triển fintech và tạo ra những dịch vụ tiện ích thông minh mà tiền giấy chưa làm được như các hợp đồng thông minh”, Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Fintech thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định.

Việt Nam cũng không muốn đứng ngoài xu hướng này, đặc biệt khi định hướng chiến lược xây dựng nền kinh tế với nhiều mục tiêu tham vọng: đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%...

Thực tế, dù chưa có hành lang pháp lý cụ thể nhưng thị trường tiền điện tử, tiền ảo, tiền mã hóa... rất sôi động tại Việt Nam. Trong một báo cáo mới đây, công ty phân tích blockchain Chainalysis đã công bố danh sách 25 quốc gia kiếm được nhiều lợi nhuận nhất từ sự tăng trưởng của Bitcoin trong năm 2020.

Chainalysis ước tính các nhà đầu tư Việt đã kiếm được 0,4 tỉ USD trong năm 2020 nhờ đầu tư vào Bitcoin. Xét trên bình diện toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về mức độ kiếm lời liên quan đến Bitcoin. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 4 về lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa, chỉ sau Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc.

Trong đó, ngoài đồng tiền điện tử pháp định được phát hành bởi các tổ chức phát hành tiền tệ nhưng ở hình thức điện tử, kỹ thuật số, thì thị trường xuất hiện các hình thức tiền ảo (Virtual Currency) được biết đến từ các trò chơi trong game; tiền mã hóa (Cryptocurrency) là tiền điện tử được bảo mật bằng kỹ thuật mã hóa blockchain.

Cơ hội lớn, rủi ro lớn

Kèm theo đó, các hình thức lừa đảo trên thị trường tiền ảo, tiền mã hóa cũng tăng mạnh. Do là môi trường mới, nhiều người thiếu kỹ năng đề phòng, trong khi tính chất ẩn danh của giao dịch khiến kẻ xấu có thể chiếm số tiền lớn mà không bị phát hiện. Theo Chainalysis, những kẻ lừa đảo tiền mã hóa trên thế giới đã chiếm đoạt gần 8 tỉ USD trong năm 2021, tăng 81% so với năm 2020.

Tại VIệt Nam, không ít người Việt từng mất tiền đồng khi đầu tư vào các sàn tiền ảo như Binary Option, Wefinex, Raidenbo, Bitono, Pocinex, Deniex, GardenBO... do nhầm lẫn giữa khái niệm tiền ảo và tiền mã hóa. Đây thực chất là những giao dịch nhị phân, núp bóng các dự án tiền mã hóa.

Đầu tư tiền ảo, ngoại hối (forex) là những hình thức đầu tư mới được rất nhiều người quan tâm khi dễ dàng giao dịch theo thị trường quốc tế và mức sinh lời rất cao. Tuy nhiên, do chưa được công nhận chính thức ở Việt Nam nên trong trường hợp có rủi ro sẽ không được pháp luật bảo vệ.

“Tất cả các sàn tiền số tại Việt Nam đều là bất hợp pháp. Chẳng hạn, một dự án dựa trên công nghệ blockchain trong nước có thể phát triển vì còn khả năng tin tưởng. Nhưng đối với các dự án của nước ngoài rồi lại giới thiệu hứa hẹn có lãi cao hay không làm gì mà vẫn có tiền là điều quá vô lý và chúng ta cũng không thể thẩm định được thật hay giả”, Tiến sĩ Lê Đạt Chí, chuyên gia tài chính, ngân hàng, nhận định.

Bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết: “Sự phát triển kinh tế số là mảnh đất màu mỡ phát sinh loại tội phạm mới liên quan đến hoạt động kinh doanh tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tài sản ảo”. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, các giao dịch đáng ngờ liên quan đến hoạt động cá độ, đánh bạc online, thanh toán tiền ảo, tiền số như Bitcoin gia tăng thời gian qua.

Tuy nhiên, trước sự phát triển của các loại hình phạm tội mới trong nền kinh tế số, quy định của pháp luật đã xuất hiện một số hạn chế nhất định. Bà Vân Anh cho rằng, để kịp thời xử lý các hành vi này trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, cần nghiên cứu, rà soát quy định của hệ thống pháp luật để xây dựng, hình thành hành lang pháp lý quản lý các đối tượng liên quan.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Kinh tế TP.HCM cũng đưa ra giả thiết, nếu tiền tệ được số hóa toàn bộ thì vai trò truyền thống của ngân hàng thương mại sẽ dần mờ nhạt, hoặc thậm chí biến mất khỏi hệ thống tài chính hiện đại.

Những rủi ro này đặt ra bài toán thận trọng cho việc thử nghiệm giao dịch các đồng tiền số đầu tiên của Việt Nam.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới