Hủy
Thế giới

Bao giờ tệ Trung Quốc mạnh như USD?

Chủ Nhật | 22/12/2013 14:51

Theo The Time, dù nhân dân tệ đã vào top 10 đồng tiền của thương mại toàn cầu, nhưng Trung Quốc vẫn còn quá rụt rè trong cải cách tiền tệ .
 

Tác giả bài viết, Micheal Schuman cho rằng những ngày này, chắc hẳn các nhà hoạch định chính sách tài chính của Trung Quốc đang cảm thấy thoải mái và nhẹ nhõm. Vì nhiều năm qua, các chuyên gia Trung Quốc đã cố tìm giải pháp chống lại sự thống trị của đồng USD trên thị trường tài chính và thương mại toàn cầu.

Họ cho rằng sự phụ thuộc quá lớn vào đồng USD làm cho thế giới phải làm ngơ trước các chính sách kinh tế bấp bênh cũng như các quyết sách chính trị sai lầm của Mỹ. Theo quan điểm của Bắc Kinh, một thế giới nơi đồng NDT có tầm ảnh hưởng lớn hơn sẽ là yếu tố đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, tin tức về việc đồng NDT ngày càng được sử dụng rộng rãi chắc chắn là một tin vui, bởi mãi tới đầu năm nay, đồng NDT mới lần đầu tiên lọt vào tốp 10 nhưng tại thời điểm này nó đã vượt qua cả đồng euro để chiếm vị trí thứ hai với một tỉ trọng tăng đáng kể từ 1,89% (năm 2012) lên 8,66%.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng chưa thể sớm “mở sâm banh” vì các thống kê chỉ ra rằng còn lâu đồng NDT mới trở thành một đồng tiền quốc tế thực sự. Theo thống kê, ở góc độ là một công cụ thanh toán, gần như tất cả các giao dịch thương mại bằng đồng NDT đều được thực hiện bởi các công ty của Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore - cho thấy sự hạn chế trong giao dịch của đồng tiền này. Trong khi đó, đồng USD được hơn 80% các quốc gia trên thế giới sử dụng trong giao dịch thương mại.

Cũng như vậy, ở góc độ công cụ dự trữ, các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn thích đồng USD và đồng Euro hơn. Một số nước từ nhiều châu lục khác nhau như Chile, Nigeria và Malaysia có sử dụng đồng NDT để dự trữ, tuy nhiên nó chỉ chiếm tỉ lệ cực kỳ nhỏ trong tổng dự trữ ngoại hối của các nước đó.

Như vậy, tầm ảnh hưởng của đồng NDT còn ở mức rất thấp.

Khó khăn mà đồng NDT đối mặt vừa đơn giản nhưng cũng vừa không dễ giải quyết. Dù Trung Quốc là một người khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nhưng vẫn chỉ là một kẻ tí hon trong lĩnh vực tài chính quốc tế. Nguyên nhân là do chính phủ TQ vẫn tạo ra những rào cản để ngăn cách lĩnh vực tài chính và thị trường vốn của nước này với thế giới. Cụ thể là, cùng với việc ban hành những chính sách tài chính để kiểm soát các dòng tiền đi ra và đi vào, thì chính phủ nước này cũng không cho phép đầu tư nước ngoài thoải mái bỏ vốn vào các lĩnh vực kinh tế chủ chốt của nhà nước. Chính phủ Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ tỉ giá cũng như việc giao dịch của đồng NDT.

Vì vậy, nếu muốn các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin để từ đó góp phần nâng cao giá trị thương mại của đồng NDT thì Trung Quốc phải dỡ bỏ rào cản trên thị trường vốn, đồng thời để cho thị trường tự điều tiết dòng tiền lưu thông cũng như tự quyết định giá trị của nó.

Đồng nhân dân tệ. Nguồn (Reuters)



Vậy nhưng nói thì dễ nhưng làm thì rất khó. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã mất hàng năm trời tìm cách quốc tế hóa đồng NDT nhưng kết quả thu được chẳng đáng kể gì. Mấy tuần gần đây, những lời cam kết về cải cách được đưa ra mạnh mẽ và cụ thể hơn. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ban hành các hướng dẫn thực hiện việc thanh toán trong khu vực tự do thương mại Thượng Hải (FTZ). Đây là một động thái mà các nhà phân tích của Ngân hàng HSBC cho rằng sẽ thúc đẩy đáng kể việc giải phóng các tài khoản đầu tư. Vì như đã biết, trong phạm vi khu FTZ mới đi vào hoạt động từ tháng 9/2013, Trung Quốc lần đầu tiên cho phép các tài khoản ngân hàng ở đây được tự do chuyển tiền ra vào thị trường tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại đây không bị hạn chế trong đầu tư vào thị trường chứng khoán Thượng Hải.

Việc nới lỏng giao dịch tiền tệ ban đầu như vậy nhằm hướng tới việc biến đồng NDT thành đồng tiền quốc tế chủ chốt, khi việc này được thực hiện trên quy mô cả nước Trung Quốc. Nhưng rõ ràng là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chưa sẵn sàng cho điều đó và cũng chưa có những động thái cụ thể nào cho thấy đồng tệ sẽ được thả nổi cho thị trường điều tiết. Có vẻ như khu vực FTZ bị ngăn cách với phần còn lại của Trung Quốc do đó, chính sách tiền tệ ở đây không ảnh hưởng gì nhiều đến nền kinh tế Trung Quốc. Hay nói cách khác, cải cách tiền tệ của Trung Quốc còn rất chậm và việc nới lỏng chỉ dành cho một phạm vi nhất định các nhà đầu tư với sự theo dõi rất cẩn thận.

Nhìn ở phạm vi lớn hơn, nếu cứ “ném” một cách thoải mái lĩnh vực tài chính còn non kinh nghiệm của Trung Quốc vào thị trường tài chính quốc tế đầy cạnh tranh thì sẽ là một thảm họa. Nhưng ngược lại, nếu cứ cải cách chậm chạp như hiện nay thì các ngân hàng, các thị trường tài chính và đương nhiên là cả đồng NDT của Trung Quốc cũng vẫn bị bó hẹp trong phạm vi “ao nhà”. Vì thế các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tìm ra các bước đi phù hợp.

Và như vậy sẽ phải mất nhiều thời gian để trả lời cho câu hỏi bao giờ đồng NDT được như đồng USD.


Thanh Hưng

Nguồn Báo Tin Tức


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới