Hủy
Thế giới

Bão tài chính có xảy ra ở Trung Quốc?

Thứ Ba | 06/08/2013 18:14

Kinh tế tăng trưởng chậm lại, nợ công tăng khiến Trung Quốc dễ tổn thương hơn bởi các rủi ro tài chính.
 

Theo các báo cáo gần đây, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc quý 2/2013 tiếp tục tăng trưởng chậm lại còn 7,5%, lần giảm tốc thứ hai liên tiếp trong hơn 10 năm tăng trưởng liên tiếp của nước này.

Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2013 chỉ tăng 9,3%, thấp hơn mức tăng của 2012. Tốc độ tăng trưởng cũng giảm liên tục từ tháng 1-6 và nếu tính từ mức suy giảm đỉnh hồi đầu 2010 đến nay, tăng trưởng sản xuất công nghiệp vẫn chưa hồi phục.

Các chuyên gia nhận định, ba vấn đề lớn nhất của sản xuất công nghiệp Trung Quốc hiện nay là sự suy giảm cầu trong và ngoài nước, đồng thời một số ngành sản xuất hiện dư thừa sản lượng do sản xuất vượt quá sản lượng tiềm năng; chi phí gia tăng cùng với tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) và tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đều giảm.

Tình trạng này thể hiện rõ rệt qua việc tăng trưởng thu ngân sách của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2013 chỉ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.930 tỷ nhân dân tệ (961 tỷ USD), và thấp hơn mức tăng 9,8% cùng kỳ năm 2012.

Đặc biệt, cuộc kiểm toán gần nhất diễn ra vào năm 2011 cho thấy nợ công của Trung Quốc là 10.700 tỷ nhân dân tệ (1.700 tỷ USD) tính đến hết năm 2010. Việc ước lượng quy mô nợ công của chính phủ Trung Quốc là vấn đề gây nhiều tranh cãi và vẫn chưa có con số thống nhất.

Trung Quốc nợ.

Người đứng đầu Nhóm nghiên cứu về Trung Quốc của tập đoàn Citigroup, Shen Minggao, cho rằng nếu Trung Quốc muốn giảm nợ thì tăng trưởng sẽ càng chậm lại nên phải lựa chọn giữa tăng trưởng và giảm nợ. Cũng đồng tình với quan điểm này, Giám đốc cấp cao tại Morgan Stanley, Ruchir Sharma, Trung Quốc đang có dấu hiệu khủng hoảng tài chính nên cần giảm đầu tư, giảm nợ và chấp nhận tăng trưởng 5-6% thay vì gần 8% hiện nay.

Trước đây, trong năm 2007, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng cảnh báo kinh tế Trung Quốc "bất ổn, khó điều tiết và không bền vững" và tình hình hiện nay của nước này lại càng làm lo ngại này trở thành hiện thực. Tuy vậy, điều đáng chú ý là các nhà lãnh đạo Trung Quốc không vội vàng giải quyết vấn đề nợ công. Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng nước này sẽ không cho phép tăng trưởng kinh tế giảm xuống dưới 7%.

Hiện trạng khó khăn

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa qua đã bơm gần 2,8 tỷ USD vào hệ thống tài chính để hỗ trợ các ngân hàng trong nước trước nguy cơ thiếu vốn. Theo Thời báo Hoàn cầu, đây là lần đầu tiên kể từ tháng Hai, PBOC bơm tiền vào các ngân hàng.

Theo nhà kinh tế Wee-Khoon Chong của Societe Generale, động thái trên cho thấy sự thay đổi trong quan điểm của PBOC nhằm chủ động quản lý các điều kiện của thị trường tiền tệ, đẩy lùi nguy cơ tái diễn của cuộc khủng hoảng tín dụng như trong tháng Sáu và là tín hiệu cho thấy kỷ nguyên của chính sách tiền tệ siêu lỏng cũng như dòng tiền rẻ đã kết thúc.

Còn Dariusz Kowalczyk, nhà kinh tế cấp cao phụ trách khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) của Credit Agricole, cho rằng PBOC đã phản ứng với các điều kiện thắt chặt quá mức trên thị trường tiền tệ - một tín hiệu cho thấy chính sách tiền tệ đang hướng tới hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cuối tháng 6, các ngân hàng Trung Quốc thiếu vốn trầm trọng đến mức cho vay liên ngân hàng gần như đình trệ, lãi suất cho vay liên ngân hàng tăng lên tới 25% do PBOC quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này khiến dư luận lo ngại các ngân hàng sẽ thắt chặt tín dụng nên lãi suất ngân hàng tại Trung Quốc liên tục tăng trong những ngày qua và nguy cơ thiếu vốn lặp lại khi các doanh nghiệp trong nước tăng cường vay vốn.

Theo báo Wall Street Journal, các nhà phân tích cho rằng khoản tiền rót vào hệ thống tài chính của PBOC là khá nhỏ, nên nguy cơ thiếu vốn vẫn tiếp diễn. Tuy vậy, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng động thái này cho thấy PBOC có thể nới lỏng các chính sách tín dụng.
"Bão" tài chính có xảy ra ở Trung Quốc?

trung quốc.

Các nhà phân tích đang đặt câu hỏi, liệu Trung Quốc có phải đối mặt viễn cảnh một cuộc khủng hoảng tài chính từng nổ ra tại các nước Đông Nam Á vào năm 1997-1998 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nước giảm tốc trong hai quý liên tiếp.

Theo nhà kinh tế trưởng Trung Quốc Wang Tao của UBS Securities, tổng nợ của Trung Quốc đã lên tới hơn 17.000 tỷ USD (tương đương 210% GDP), tăng 50% so với cách đây bốn năm. Đây là con số kỷ lục trong tất cả quốc gia đang phát triển.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết tỷ lệ nợ tư nhân trên GDP của Trung Quốc tăng thêm 6% so với thập kỷ trước là dấu hiệu đầu tiên của khủng hoảng tài chính. Tốc độ tăng này ở Trung Quốc hiện là 12%, cao hơn cả mức đỉnh trước khủng hoảng tín dụng tại Nhật Bản năm 1989, Hàn Quốc năm 1997, Mỹ năm 2007 và Tây Ban Nha năm 2008.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cũng cảnh báo việc các tỉnh thành của Trung Quốc liên tục vay nợ có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng tại nền kinh tế nước này. Theo Văn phòng Kiểm toán quốc gia Trung Quốc (NAO), nợ địa phương chiếm khoảng 25% GDP của Trung Quốc nhưng giới phân tích nhận định con số thật có thể cao hơn nhiều.

Tuy vậy, một số nhà phân tích vẫn cho rằng có rất ít nguy cơ một cuộc khủng hoảng hệ thống sẽ xảy ra với sự kiểm soát của chính phủ sẽ bảo vệ Trung Quốc khỏi một đợt suy thoái tài chính.

Những nhà đầu tư lạc quan cũng cho rằng Trung Quốc có đủ năng lực tài chính để xử lý các khoản nợ xấu với tỷ lệ tiết kiệm cá nhân cao và dự trữ ngoại tệ và tiền gửi trong nước hơn 3.000 tỷ USD. Tuy vậy, các quốc gia châu Á có lượng tiền tiết kiệm cao và nợ nước ngoài thấp có thể tránh được khủng hoảng ngân hàng sau bùng nổ tín dụng, thì tăng trưởng GDP lại rất chậm.

Về phần mình, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc Louis Kuijs của ngân hàng Royal Bank of Scotland ở Đặc khu hành chính Hongkong (Trung Quốc), cho hay nợ nước ngoài của Trung Quốc chỉ có 7,2% GDP nên một sự thay đổi về lòng tin của giới đầu tư nước ngoài cũng không ảnh hưởng nhiều tới kinh tế nước này. Ông cho rằng ngay cả khi một kịch bản "căng thẳng nghiêm trọng" xảy ra, khiến cho 1/3 các khoản vay xấu mất khả năng thanh toán thì chi phí giải cứu cũng chỉ cộng vào số nợ của chính phủ thêm 7% GDP, và tổng nợ của nước này vẫn chưa vượt quá mức kiểm soát 60% GDP.

Nguồn TTXVN


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới