Hủy
Thế giới

BRICS: Những người hùng đang yếu dần

Thứ Bảy | 13/10/2012 14:06

Hiện tại các 5 nước BRICS đều đang gặp một số khó khăn như bị ảnh hưởng bởi các nền kinh tế phương Tây yếu kém và nạn tham nhũng trong nước.
 

Trong ba năm qua, sự suy xét thông thường chia các nền kinh tế lớn của thế giới làm hai nhóm cơ bản - nhóm BRICS và nhóm SICKS (ốm yếu). Mỹ và EU thuộc nhóm ốm yếu - đang phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp cao, tăng trưởng chậm và các món nợ kinh hoàng.

Ngược lại, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và theo một số đánh giá khác là Nam Phi) năng động hơn rất nhiều. Các nhà đầu tư, doanh nhân và chính trị gia phương Tây đã thực hiện nhiều chuyến đi đến đó để nhìn về tương lai.
Những khó khăn mới

Nhưng hiện giờ, các nước BRICS đang gặp khó khăn. Bản chất của vấn đề tại mỗi nước là khác nhau nhưng cũng có một số khó khăn lớn liên kết chúng. Đầu tiên, với tất cả các cuộc đối thoại đầy hy vọng về việc "tách rời", BRICS bị ảnh hưởng bởi các nền kinh tế phương Tây yếu kém. Thứ hai, cả năm quốc gia đều nhận thấy rằng căn bệnh tham nhũng đang xói mòn niềm tin vào hệ thống chính trị của họ và áp đặt một loại thuế lên nền kinh tế họ.

Trung Quốc vẫn đứng đầu các cường quốc đang lên. Đây là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới - và vẫn dễ dàng là nước BRICS tăng trưởng nhanh nhất. Tuy vậy, nước này cảm thấy không chắc chắn hơn về tương lai kinh tế và chính trị của mình trong nhiều năm.

Vào năm 2012, lần đầu tiên kể từ khi chuyển giao thế kỷ, Trung Quốc tăng trưởng ít hơn so với con số ấn tượng 8% một năm. Theo một nghĩa nào đó, điều này là tự nhiên, thậm chí là đáng mong muốn, phản ánh sự thật rằng lực lượng lao động Trung Quốc không còn gia tăng quá nhanh. Nhưng tăng trưởng chậm cũng phản ánh sự sụt giảm nhu cầu tại châu Âu. Mức lương tại các nhà máy Trung Quốc cũng tăng nhanh - tin tốt cho các công nhân nhưng xấu cho tính cạnh tranh của Trung Quốc.

Bất chấp những khó khăn, các nước BRICS sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn các nước thuộc nhóm SICKS (ốm yếu) trong một vài năm.
Bất chấp những khó khăn, các nước BRICS sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn các nước thuộc nhóm SICKS (ốm yếu) trong một vài năm.

Một Trung Quốc tăng trưởng chậm cũng có những hiệu ứng ảnh hưởng đến các nước Brics khác vì Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Tăng trưởng của Brazil đã giảm đặc biệt nhanh, chạm mốc 7,5% trong năm 2010, một năm sau khi Rio de Janeiro được chọn là thành phố đăng cai Olympics 2016. Năm nay, nền kinh tế Brazil rất có thể tăng trưởng thấp hơn 2% nữa.

Với Ấn Độ, kinh doanh tại nước này cũng đang chịu ảnh hưởng từ "suy giảm lâm sàng". Tăng trưởng, từng đạt mức 9% trước cuộc khủng khoảng tài chính, hiện chỉ ở trên 5%.

Trong mùa hè, nước này lại được nhắc nhở đến những nhược điểm của mình bằng đợt cắt điện lớn nhất thế giới: một đợt mất điện đã ảnh hưởng tới 600 triệu người. Hệ thống chính trị của Ấn Độ dường như bị tê liệt và quá trình cải cách kinh tế đình trệ.

Nga cũng đang gặp khó khăn. Và cuộc cách mạng khí gas tại Mỹ cũng là một tai họa tiềm năng với Nga bởi vì nước này đang làm hạ giá gas toàn cầu. Ngân hàng trung ương Nga dự đoán đất nước sẽ bị thâm hụt tài khoản vãng lai vào năm 2015. Hai trụ cột chính của hệ thống Putin - một tầng lớp trung lưu ủng hộ và một mỏ tiền từ dầu và khí đốt đều đang có vẻ lung lay.

Tìm những nhân tố mới

Jim O'Neill, nhà kinh tế của Goldman Sachs đã phát minh ra thuật ngữ BRICS, từ lâu lập luận rằng nền kinh tế Nam Phi không đủ lớn để sánh cùng các nước khác trong nhóm. Tuy nhiên, nước này đã tham dự hai hội nghị thượng đỉnh của BRICS và sẽ là nước chủ nhà tiếp theo - phản ánh sự thay đổi bản chất trong một nhóm các nước quyền lực phi phương Tây.

Dù sao, nếu các dấu hiệu mới về tình trạng các nước Brics là một nền kinh tế suy yếu và chính trị suy giảm chức năng, Nam Phi xứng đáng với vị trí của mình trong nhóm. Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của nước này đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc đình công bất ngờ và không chính thức của công nhân và có thể làm mất đi hàng nghìn việc làm trong năm tới. Tăng trưởng có thể tụt dốc xuống dưới 3% - và sự lãnh đạo (hoặc thiếu sự lãnh đạo) của tổng thống Jacob Zuma đang gây ra sự lo lắng sâu sắc.

Không có mối liên hệ trực tiếp giữa tình trạng bất ổn tại các mỏ bạch kim của Nam Phi tới những khó khăn trong các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử Trung Quốc, hay tới việc cắt điện tại Ấn Độ, biểu tình tại Matxcơva và tham nhũng tại Brazil. Tuy nhiên, vẫn có những chủ đề chung liên kết các vấn đề của các nước BRICS. Trước hết, sự tuyên bố "tách rời" từ phương Tây là quá sớm. EU vẫn còn là nền kinh tế chung lớn nhất thế giới. Suy thoái tại đây và tăng trưởng chậm tại Mỹ chắc chắn ảnh hưởng tới các nước BRICS.

Thứ hai, tất cả những năm tăng trưởng nhanh đã không mang lại sự hòa hợp chính trị cho các nước BRICS. Một trong số đó là sự giận dữ của công chúng với tham nhũng là tâm điểm chính trị. Điều này khiến cho cả các chính trị gia lẫn các nhà đầu tư lo lắng về sự bất ổn tiềm năng.

Vậy có phải tất cả những điều này có nghĩa rằng câu chuyện về BRICS là một câu chuyện cổ tích không?

Không hẳn vậy. Đúng là phiên bản thái quá của câu chuyện - trong đó các nước BRICS được miêu tả như những vùng đất của các cơ hội vô tận và sự lạc quan - là ngớ ngẩn. Tuy nhiên, với tất cả những khó khăn của họ, hầu hết các nước BRICS sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn các nước thuộc nhóm ốm yếu trong một vài năm.

Điều này có nghĩa là sự dịch chuyển quyền lực kinh tế và chính trị từ phương Tây tới thế giới mới nổi vẫn sẽ là câu chuyện lớn nhất thời đại chúng ta.

Nguồn VEF


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới